Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hay đúng hơn, Thiên Chúa đã biết từ muôn thuở rằng bạn sẽ có những kỹ năng, tài năng và niềm đam mê nhất định để phục vụ những người trẻ tuổi và thế giới.
Những sự đánh giá, các cuộc hội họp, những thời hạn kết thúc (deadline) và sự tù túng có thể nhanh chóng kết hợp với nhau để khiến bạn tự hỏi tại sao bạn lại quay cuồng với công việc trong cái vòng lẩn quẩn như thế! Khi gặp phải tình trạng đó hằng ngày, dưới đây là năm ý tưởng đơn giản giúp bạn tiếp tục công việc giảng dạy của mình.
1. Ơn gọi (vocare)
Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hay đúng hơn, Thiên Chúa đã biết từ muôn thuở rằng bạn sẽ có những kỹ năng, tài năng và niềm đam mê nhất định để phục vụ những người trẻ tuổi và thế giới. Ý tưởng về ơn gọi thường có thể là một câu thần chú đã lỗi thời trong nền giáo dục Công giáo, vì vậy chúng ta cần tạo lập lại mối liên kết với ý tưởng này. Ơn gọi (vocation) bắt nguồn từ tiếng Latinh, vocare, có nghĩa là “rút khỏi” hoặc “rút ra”. Nó giống như ý tưởng về một cái xô được thả xuống để lấy nước từ một cái giếng sâu mát lạnh. Ơn gọi của bạn rút ra từ bạn những kỹ năng và tài năng mà Thiên Chúa muốn bạn sử dụng. Nó cũng cho phép bạn “rút ra” những điều tốt đẹp và khả năng bên trong những học sinh của mình. Khi cảm thấy mệt mỏi và tan vỡ, bạn hãy nhớ rằng có điều gì đó to lớn hơn đang diễn ra. Ơn gọi của bạn là một phần không thể thiếu trong cách thức để Thiên Chúa cứu chuộc thế giới. Một sự giao thoa cùng lúc giữa kết hoạch sư phạm và khuôn viên học đường.
2. Sự sai đi của Thiên Chúa (Missio Dei)
Bạn đã được chọn để được sai đi. Ơn gọi (vocare) của bạn dẫn đến một thuật ngữ Latinh khác gọi là Missio Dei, được dịch là “sự sai đi của Thiên Chúa”. Thiên Chúa đã trao ban cho bạn những tài năng, khả năng đặc biệt và cả niềm mong ước được chăm sóc cho những người trẻ vì Người muốn sai bạn đến với họ như một nhà truyền giáo (missionary). Với tư cách là một nhà truyền giáo, bạn đang được sai đi vào chính trung tâm đời sống của những người trẻ vào một thời điểm mang tính đào tạo rất lớn trong hành trình của họ. Bạn mang đến cho họ những tin tức tốt đẹp về việc họ là ai, họ từ đâu đến và họ đang hướng về đâu. Bạn là một phần trong một kế hoạch lớn lao hơn nữa.
3. Phẩm giá con người
Đề tài tranh luận gay gắt vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI diễn ra xung quanh ý nghĩa và phẩm giá của con người. Trong các cuộc hội thảo dành cho nhân viên của mình, tôi đã nói về thực tế là 10 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) vì một quan niệm tàn ác về việc ai mới là con người và không là con người. Thông điệp lớn lao của Công giáo cho thiên niên kỷ mới là mỗi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Ý nghĩa, giá trị và phẩm giá của con người bắt nguồn từ chân lý đó và từ sự thật rằng Đức Kitô đã nâng cao bản chất con người của chúng ta bằng cách đón nhận thân phận con người và chết cho chúng ta. Trọng tâm sứ mạng của bạn là lời kêu gọi nhìn thấy con người của Đức Kitô nơi mỗi học sinh và mỗi đồng nghiệp tại nơi làm việc của bạn. Hãy nghĩ về học sinh hoặc đồng nghiệp mà bạn ít quý mến nhất. Đức Kitô đã chết cho họ. Thiên Chúa muốn họ được sống. Việc giảng dạy của bạn sẽ hiệu quả khi bạn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, cách riêng là trong mỗi học sinh.
4. Chăm sóc bản thân
Hãy chăm chút cho mình! Hãy chú tâm dành thời gian để phục hồi, lấy lại cân bằng, tận dụng thời gian rãnh rỗi, sự thảnh thơi và việc chăm sóc bản thân. Đừng kiểm tra email vào ban đêm. Hãy tắt thiết bị điện. Dạy học là công việc mệt mỏi, đòi hỏi khắt khe và đầy thử thách nhất trong cuộc sống và hầu hết các giáo viên đều ít chú trọng đến việc tự chăm sóc bản thân. Đừng rời khỏi bàn làm việc mà không lên kế hoạch nghiêm túc cho một vài biện pháp, thói quen, sở thích, những môn thể thao hoặc trò tiêu khiển, những điều thường có thể giúp phục hồi tâm hồn của bạn. Hãy thực hiện điều đó cho chính mình. Hãy làm điều đó cho chính gia đình của bạn, cho những người phải sống chung với bạn, và hãy làm điều đó cho các học sinh và nhân viên đang túc trực trong văn phòng với bạn khi bạn cảm thấy kiệt sức.
5. Trường học và Giáo Hội
Nền giáo dục Công giáo không tồn tại bên ngoài Giáo Hội. Cho dù bạn có ở đâu trong mối tương quan với Giáo Hội đi nữa, thì bạn cũng cần phải nhận thức về điều này. Giáo Hội, ít nhất là phần về phía con người đối lại với thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà chúng ta còn gọi là Giáo Hội, vốn không hoàn hảo. Bất cứ điều gì mang yếu tố con người trong đó thì sẽ không bao giờ có được sự hoàn hảo. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy trưởng thành và thôi trông mong sự hoàn hảo từ phía con người. Điều đó cho thấy rằng, khả năng để bạn thực sự trở thành giáo viên như ý Thiên Chúa muốn sẽ phụ thuộc vào việc bạn rút ra được từ những nguồn sâu xa bên ngoài bản thân bạn. Sự thinh lặng, cầu nguyện và Thánh lễ hoàn toàn là trung tâm của sự nghiệp giáo dục Công giáo. Thế nhưng, nhiều trường học Công giáo thậm chí không còn tổ chức Thánh lễ âm thầm cho nhân viên một ngày mỗi tuần. Điều này phải thay đổi. Hãy lội ngược dòng. Đừng chờ đợi những người khác thay đổi xung quanh bạn. Hãy thinh lặng, hãy đến với những khoảnh khắc của âm thầm cầu nguyện và khẩn thiết tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng siêu nhiên của Thiên Chúa cho ơn gọi của bạn qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta là người Công giáo và Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và tột đỉnh của đức tin chúng ta.
Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho sứ vụ đặc biệt của bạn từ đây về sau.
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Chuyển ngữ từ: Catholic Education Resource Center
Nguồn: giaophanvinhlong.net