“Ơn gọi” là cụm từ khá quen thuộc với mỗi người, vì trong chúng ta ai cũng được đón nhận chung một ơn gọi làm người. Người Công giáo thì còn được đón nhận thêm ơn gọi làm con Chúa, là Kitô hữu; ơn gọi sống đời hôn nhân, linh mục, tu sĩ…ơn gọi chung cho mỗi Hội dòng và ơn gọi riêng cho mỗi người.
Ơn gọi Con Đức Mẹ Đi Viếng “vì lương dân – cho lương dân” mà Hội dòng nói chung và từng chị em nói riêng đã nhận được từ Thiên Chúa, qua cha Giuse – Đấng Sáng lập Hội dòng. “Vì lương dân” đối với cha Giuse, có thể nói đây như là mục đích mà cả cuộc đời cha đã dành hết tâm lực, sức lực, tài lực cho lương dân[1]. Ngài luôn khắc khoải, mong ước cho nhiều người biết Chúa và làm con Chúa. Chính trong “bầu lửa” nhiệt huyết của cha Giuse, Hội dòng chúng ta được khai sinh. Khi lập Dòng, cha đã xác định mục đích rõ ràng với con cái: “Cha lập Dòng này vì lương dân” [2]; vì thế, điều ước muốn của cha là Dòng phải hiện diện giữa lương dân. Cũng do đó, ngài được mệnh danh: “Tông đồ đặc biệt của lương dân”[3].
“Cha lập Dòng này chỉ vì lương dân” là đặc sủng Cha đã để lại cho con cái của ngài. Trải dài dòng chảy lịch sử 100 năm Hội dòng được khai sinh và hiện diện, đặc sủng đó vẫn còn tồn tại và lưu dấu cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt từ Tu nghị lần thứ XIII[4], Hội dòng muốn đào sâu hơn về đặc sủng của Đấng Sáng lập, qua đó cũng giúp chị em thấu hiểu về căn tính, sống ơn gọi và thi hành sứ mạng của Dòng một cách triệt để, tận căn hơn. Vậy, ơn gọi và sứ mạng của người Con Đức Mẹ Đi Viếng là “vì lương dân” hay nói cách khác: đến và nói cho “lương dân” biết Chúa. Đây chính là mục đích mà mỗi chúng ta được Chúa gọi, quy tụ trong Hội dòng để cùng hiện diện thi hành sứ mạng giữa lòng Giáo hội và xã hội hôm nay.
Thật hạnh phúc, khi tôi được sai đến sống tại “Chiếc Nôi” của Hội dòng. Tuy thời gian chưa là bao, còn rất ngắn ngủi, nhưng trong tôi phần nào đã cảm nếm và thấu hiểu câu nói của cha Giuse “Cha lập Dòng này chỉ vì lương dân” và “Dòng phải sống giữa lương dân.” Hiện diện và sống tại môi trường Kim Đôi này, tôi mới khám phá và có câu trả lời tại sao cha phải khắc khoải, thao thức ngày đêm để rồi xác định mục đích khi lập dòng: “Cha lập Dòng này chỉ vì lương dân.” Đúng vậy, nơi đây tôi càng thâm tín hơn về lời của Chúa Giêsu khi Người nhìn thấy và chỉ cho các môn đệ một đám đông dân chúng đang bơ vơ:“Lúa chín dầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Mt 9, 38a).
Kim đôi – địa danh này không xa lạ với Hội dòng, đây là một địa bàn rộng lớn, thế nhưng những con người ở đó vẫn còn xa lạ với ta và ta còn xa lạ với họ, vì họ chưa biết Chúa và cũng có thể đa số chưa nghe nói về Chúa. Tuy Hội dòng hiện diện100 năm rồi, nhưng phải chăng hạt giống Tin Mừng vẫn chưa được gieo vãi vào đất tốt một cách quảng đại? Phải chăng anh chị em lương dân chưa có chỗ trong thao thức và lời cầu nguyện của chúng ta mỗi ngày? Nên vẫn còn rất nhiều người ta chưa có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, thăm viếng. Và rất nhiều, rất nhiều những mảnh đời kém may mắn, neo đơn, vất vưởng bên lề đường đời mà ta chưa hết lòng tận tụy, yêu thương như cha Giuse chăng? Vì thế, “xung quanh bầu bạn, chỉ là lương dân”.
Chúng ta đang sống những tháng ngày quan trọng của Hội dòng, thời gian của Năm Thánh mừng Bách Chu Niên Hội dòng được sinh ra và lớn lên. Thiết nghĩ, để sống ơn gọi thi hành sứ mạng “vì lương dân,” hơn bao giờ hết những lời tâm huyết của Đấng Sáng lập phải được khơi lên và bùng cháy nơi những người con của ngài. Để ngọn lửa đem Chúa đến cho tha nhân thôi thúc mỗi người và dám đi đến những sáng kiến tình yêu của Tin Mừng và để trao ban Tin Mừng cho anh chị em lương dân. Đồng thời, chúng ta cũng luôn nhớ và tâm niệm rằng: Chúa cho Hội dòng chúng ta được hiện diện và lớn lên “vì lương dân.” Do đó, có thể nói: “vì lương dân – cho lương dân” như là điều kiện sống còn trong ơn gọi của Hội dòng.
An Quyên
[1]x. Phan Ngọc Nguyên. CUỘC ĐỜI LM GIUSE TRẦN VĂN TRANG, ĐẤNG SÁNG LẬP DCĐMĐV
[2]Sdd, tr. 16
[3] Phan Ngọc Nguyên. CUỘC ĐỜI LM GIUSE TRẦN VĂN TRANG, ĐẤNG SÁNG LẬP DCĐMĐV, tr. 13
[4] Tu nghị (2009 -2013) đào sâu về Đặc sủng của Đấng Sáng lập Dòng.