“Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Một thân xác hay một Nhân Thể được tạo ra trước và sinh khí được trao ban để nó sống và hoạt động. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói:
“Thân xác và chỉ có thân xác mà thôi mới có thể làm cho những gì là vô hình, thiêng liêng và thần linh trở thành hữu hình. Thân xác được tạo dựng nên để chuyển thông vào thực tại hữu hình của thế giới này mầu nhiệm vô hình ẩn giấu nơi Thiên Chúa tự muôn thuở, và như thế nó trở thành một dấu chỉ của thực tại vô hình kia” (20.2.1980). Điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta, những kẻ mang xác phàm tội lụy này làm sao có thể thấy được Thiên Chúa vốn thuần linh? Thế nhưng Thiên Chúa đã muốn làm cho mầu nhiệm của Ngài trở nên thấy được đối với chúng ta, nên Ngài đã ghi dấu nó vào trong thân xác chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta có nam có nữ theo hình ảnh của Ngài (St 1,27). Nhiệm vụ của hình ảnh này là phản chiếu Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là “sự Hiệp Thông thần linh khôn dò của các Ngôi Vị…” (14.1.1979).[1]
Như vậy Nhân Thể, nếu không có sinh khí nó là một cái xác, nó làm được gì chăng? Hay nó chỉ hoạt động để thỏa mãn cho những yếu tố vật chất. Nhưng nếu nó chịu sống trong Thần Khí nó lại là một khí cụ tuyệt vời để Thần Khí hoạt động.
Nhân Thể của Hội Dòng tôi được 100 năm rồi. Lịch sử của Hội Dòng tôi được bắt đầu bằng lòng khao khát đem Chúa đến cho những người lương dân của Cha Giuse Trần Văn Trang, một linh mục rất bình thường của Giáo Phận Huế. Từ lòng khao khát đó, Ngài có một ý nghĩ táo bạo là lập một Hội Dòng để có những người cùng cộng tác trong công cuộc đem các linh hồn về cho Chúa. Ngài đã tập họp các chị em có cùng một ý hướng, một thao thức muốn dấn thân cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Hơn nữa, Giáo phận Huế là nơi có số lượng giáo dân rất ít ỏi và nhiều người chưa biết Chúa. Khi đọc lại cuốn sách Hồi Ký Thầy Nguyên Về Cha Giuse Trang, tôi thấy rõ tinh thần truyền giáo cho lương dân của Cha. “Cha Giuse từ lâu đã khắc khoải ưu tư công việc mở rộng nước Chúa, luôn luôn nghĩ đến lương dân. Và vì đã có sẵn lòng mến kính Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nên ngài ao ước có nhiều tâm hồn tận hiến như Chị Thánh Têrêxa, hy sinh cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Và nhất là muốn có nhiều cộng tác viên đắc lực trong công cuộc truyền giáo. Cánh đồng truyền giáo bao la, ưu tư của ngài cũng bao la không kém “Cha lập dòng này là vì người lương”[2].
Tôi nghe quý Chị kể lại những mẩu chuyện đơn sơ về sự tận tâm của Cha trong vai trò là một mục tử. Cha luôn chăm lo đời sống đạo đức của giáo hữu. Có một chuyện mà khi tôi đọc tôi cảm nhận được tấm lòng mục tử của Cha: “Vấn đề kẻ liệt thật là một hy sinh đáng kể và rất cảm động. Bất luận lúc nào ngày hay đêm, gần hay xa, có người đến báo là Cha đi ngay. Tôi nhớ một buổi trưa – sáng đó, ngài đi dạy giáo lý ở họ Thanh Lam vừa về, ngồi vào bàn ăn, có một anh tân tòng ở Tô Đà lên báo kẻ liệt. Ngài bỏ đũa, sửa soạn đi liền. Lấy khăn lúp đầu, chụp mũ, lên xe ra đi giữa nắng ban trưa. Tôi vội vã đạp xe theo, ngài có thói quen ngủ trưa sau bữa ăn, nên đi giữa đường thấy tội nghiệp, bơ phờ, uể oải, nhưng về đến nơi, ngài vẫn tươi cười hỏi thăm những người xung quanh. Về lại đến nhà gần 4 giờ chiều, ngài vẫn tiếp tục bữa.”[3] Qua câu chuyện, tôi cảm nhận được sự nhiệt tâm và khao khát chăm lo cho các linh hồn mà Cha chẳng bận tâm đến bản thân mình.
Với thao thức thành lập một Hội Dòng để phục vụ cho việc rao giảng Tin Mừng, năm 1922 Cha Giuse đã mạnh dạn trình bày ước muốn của mình lên Đức Cha Allys Lý và năm 1924 Bề trên Giáo phận đã đồng ý cho phép quy tụ các mầm non ơn gọi đầu tiên. Tên đầu tiên khi mới được thiết lập của Hội Dòng là Mến Thánh Giá Kim Đôi. Nhưng do những biến chuyển của Giáo hội cũng như xã hội thời đó, vào năm 1967, Hội Dòng được đổi tên thành Con Đức Mẹ Đi Viếng. Khi ban Văn thư đổi tên Dòng, Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã cầu chúc cho Hội Dòng “nguyện xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Đi Viếng, ban cho Hội Dòng được ơn thể hiện trọn vẹn ơn gọi của những người phụ nữ thánh hiến mà đặc điểm là làm tỏa lan Đức Kitô khắp nơi, đúng như tên gọi của Hội Dòng”[4]. Khi nhìn lại những chặng đường lịch sử này, Thầy Nguyên cũng đã cảm nhận được con đường mà Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Hội Dòng từ những ngày đầu cho đến hôm nay: “Phải chăng, Chúa Thánh Linh đã soi rõ con đường để Cha Giuse vạch ra cho tu hội, nhưng mãi đến hôm nay mới theo đúng hướng. Hơn nữa với danh hiệu Con Đức Bà Đi Viếng cũng không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi tin chắc là trước khi chọn danh hiệu, các chị em cũng đã cầu nguyện rất nhiều với Đức Thánh Linh, và như thế đều bởi ơn soi sáng của một Chúa Thánh Linh để quyết định.”[5]
Nhìn lại lịch sử của Hội Dòng, từ khi được hình thành đến nay, tôi luôn thấy có bàn tay thương yêu, quan phòng của Chúa dẫn dắt. Thật vậy, Hội Dòng của chúng tôi đang sống và làm việc ở một vùng đất còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về thời tiết; vùng đất Huế mà Hội Dòng tôi đang ở và phục vụ mùa mưa lạnh kéo dài sáu tháng, mỗi lần mưa có thể kéo dài một tháng và kéo theo không khí lạnh. Vì thế, để ra khỏi nhà và đến thăm viếng người khác là một sự cố gắng rất lớn. Có những lần đi mục vụ trong những ngày mưa lũ, chị em chúng tôi bị ướt đẫm, rét căm căm chạy xe để đi đến nơi mình phục vụ, hoặc những dịp Giáng Sinh về chị em chúng tôi thường tổ chức phát quà cho những anh chị em lương dân nghèo xung quanh Nhà Dòng và những vùng lân cận. Ở Huế, Giáng sinh là mùa mưa lạnh, nhưng chúng tôi cũng không ngần ngại mang những phần quà tới từng hộ gia đình để thăm hỏi cũng như đem tình thương đến cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già cả, neo đơn. Mặc dù có chút vất vả nhưng khi nhìn lại tôi thấy thời nay, chúng tôi có nhiều điều kiện để có thể đáp ứng những nhu cầu mục vụ thăm viếng của mình. Chúng tôi có áo mưa, áo phao đủ ấm. Vào thời của Cha chắc hẳn khó khăn hơn chị em chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, tình yêu và lòng hăng hái nhiệt thành truyền giáo của Cha là tấm gương để chúng tôi học hỏi và noi theo. Trái tim người mục tử đã thôi thúc Cha sống hết mình cho đoàn chiên. Như chính Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước đám đông như “bầy chiên không người chăn dắt”, Cha Giuse cũng đã trăn trở cho những tâm hồn chưa biết Chúa, đặc biệt trên mảnh đất Miền Trung thân thương này.
Khi lập Dòng Ngài đã luôn khắc khoải “Dòng phải ở giữa lương dân”, là một thành viên trẻ của Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, tôi đã từng tự hỏi “Tại sao Hội Dòng tôi ở xa thành phố, sao Dòng mình không mua một mảnh đất ở thành phố mà ở vùng này?” Nơi Nhà Mẹ của Hội Dòng tôi đang hiện diện là một vùng thấp hơn so với thành phố nên hay bị lụt lội, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Con đường Chi Lăng dẫn về Nhà Dòng của chúng tôi thường bị ngập nên rất khó di chuyển. Tuy nhiên, nhìn lại Nhân Thể của Hội Dòng sau bao nhiêu năm, tôi lại cảm thấy bình an và đón nhận trong cái khốn khó của chính Nhân Thể này. Cả Nhân Thể này được mời gọi ở giữa lương dân để làm một dấu chỉ nhỏ nhoi giữa những người chưa biết Chúa. Đó cũng là thao thức mà Cha Giuse của chúng tôi đã luôn ấp ủ trong lòng. “Cha có ý định lập một Nhà Dòng từ khi cha đang làm phó xứ. Khi vừa thụ phong linh mục, bà con Cha ở Sài Gòn ra, hứa cho Cha một số tiền để làm việc tông đồ, và Cha nghĩ ngay đến việc lập Dòng. Trong ý niệm Cha hồi đó, chỉ có ý là muốn lập, nhưng lập ở đâu Cha chưa biết. Chỉ muốn Nhà Dòng phải ở nơi ẩn dật giữa lương dân.”[6] Giờ đây chúng tôi cũng được mời gọi tiếp tục thao thức của Cha Giuse ở một nơi khiêm tốn và với tâm tình “một tâm hồn thao thức về hạnh phúc của tha nhân và chuyển cầu cho họ.”[7]
Khi ngẫm nghĩ về những gì mà Cha đã sống thì mới thấm thía những khó khăn và vất vả mà Cha và quý Chị đi trước đã trải qua để xây dựng một Nhân Thể hôm nay. Nhân Thể đó chắc chắn có nhiều vết sẹo từ những tổn thương mà nó phải trải qua do thời cuộc, do hoàn cảnh hoặc do chính những giằng co trong nội tâm của chính Nhân Thể. Nhưng trên hết và trước hết chúng ta thấy được Nhân Thể đó đã được sinh ra và được lớn lên từng ngày. Không có nhân thể nào có được sự hoàn hảo, nó được tôi luyện, để lớn lên và trưởng thành. Thần Khí của Chúa đã và đang đi tìm những Nhân Thể để được hiện diện và được sống. Chúng ta có sẵn lòng để Ngài tiếp tục lớn lên như Ngài đã từng tìm đến, hiện diện và lớn lên trong Cha Giuse, Đấng sáng lập Dòng và Quý Chị tiên khởi? Chúng ta có nhận ra Nhân Thể đó đang được Thánh Thần thổi hơi vào từng ngày để có thể sống và hoạt động? Là thành viên được sinh ra, và là một bộ phận của Nhân Thể ấy chúng ta đã làm gì và sẽ làm gì để Nó được lớn lên, được phát triển?
Isa Hoàng
[1] https://tgpsaigon.net/bai-viet/gioi-thieu-sach-than-hoc-ve-than-xac-cua-thanh-giao-hoang-gioan-phaolo-ii-50465
[2] Hồi ký Thầy Nguyên về Cha Giuse Trang (22/12/2022), tr.26.
[3] Hồi ký Thầy Nguyên về Cha Giuse Trang (22/12/2022), tr.22.
[4] Hiến Chương, tr.15.
[5] Hồi kí Thầy Nguyên về Cha Giuse Trang (22/12/2022), tr.28.
[6] Hồi ký Thầy Nguyên về Cha Giuse Trang (22/12/2022), tr.30.
[7] Hiến Chương Đ.5, tr.19.