Mệt là một tính từ chỉ trạng thái không khoẻ, không ổn định của cả thân xác và tinh thần. Mệt với nhiều mức độ khác nhau, bởi vậy người ta diễn tả có khi chỉ hơi mệt, rồi rất mệt, quá mệt, và có khi quá mệt thì người ta dùng từ đuối để thay thế. Mỗi người trong chúng ta chắc chắn nhiều hay ít chúng ta đã thốt ra từ ‘tôi mệt’. Có người dùng từ mệt như một thói quen thường xuyên, một lời cửa miệng hơi tiêu cực khi được mời gọi làm gì đó, đi dâu đó.
Chắc rằng chúng ta không muốn nghe, và cũng không muốn dùng từ này, cũng như không muốn rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên đó là một thực tế, một tình trạng mà đôi khi chúng ta cần phải chân nhận, và cũng phải được người khác đón nhận và trân trọng.
Cái mệt xuất phát từ đâu? Mỗi người là một hoàn cảnh, một lịch sử và một câu chuyện cá biệt. Cái mệt nơi mỗi người với mức độ và xuất phát từ chân trời khác nhau trên bước đường lữ hành của mỗi nhân vị. Có người mệt vì gia đình, bạn bè, công việc, những bất công của cuộc sống, những áp lực từ nhiều phía, có những người mệt vì dấn thân cho sứ vụ, mệt vì ném hết sức mình để đạt được mục tiêu nào đó, số khác mệt vì phải gánh vác thay cho người khác… Nhiều người mệt vì sức khoẻ, mệt vì sự yếu đuối của thân xác, đây cũng là một kinh nghiệm mà Chúa Giêsu cảm được vì Ngài cũng là con người “tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38).
Nghe hơi lạ, nhưng cũng có số người chọn cái mệt để từ chối một lời mời gọi, một trách nhiệm hay công việc nào đó…Đương nhiên chúng ta không hướng về cái mệt, cái tiêu cực của cuộc sống, nhưng chúng ta phải đối mặt với tất cả, chiến đấu với tất cả và chúng ta cảm thấy mệt. Theo tâm lý học đám đông, cái mệt cũng có tính chất lây lan, cũng như niềm vui cũng có tính lây lan. Tôi mệt mỏi khi tôi thấy một đám người mệt mỏi, tôi mệt khi tôi chứng kiến tình trạng èo uột của những người khác. Cũng vậy, tôi mệt mỏi và làm cho người khác mệt theo tôi. Tôi có cơ hội để trải qua gần hai tháng nơi nhà dưỡng lão ở tỉnh Verona của Ý, nơi đây mỗi ngày tôi phục vụ những người già, hơn 30 các sơ lớn tuổi và khoảng 40 người già vừa các cụ bà cụ ông. Mỗi ngày phần đông từ họ tôi nghe từ ‘tôi mệt’, hay ‘tôi quá mệt’. Những lúc họ nói vậy, tôi thường hỏi cho có ‘tại sao bạn mệt?’ hay đơn giản ‘sao vậy?’. Họ trả lời tôi đau chỗ này, tôi khó chịu chỗ kia. Cái thân xác nặng nề của tuổi 80 hay 90 làm cho họ mệt mỏi, một số người mệt vì họ phải ở lại nhà dưỡng lão mà không được đi đâu, không được làm điều họ muốn, mệt vì thời tiết nóng bức, không được tự do đi lại, phải ăn khi không đói, phải đứng dậy hay ngồi xuống, mệt vì không được về nhà, bởi vì với người già, nhà nơi rất quan trọng với họ. Mỗi ngày trong phòng ăn họ ngồi với nhau và sự mệt mỏi làm cho bầu khí trở nên nặng nề, buồn bã của một nơi gọi là “nhà dưỡng lão”.
Trong đời sống thánh hiến, là con người chúng ta cũng thấy mệt. Bề trên mệt, bề dưới cũng mệt. Bởi lẽ nếu không mệt hẳn chúng ta đã là thiên thần hết thảy. Cái mệt của chúng ta là hệ quả từ bên trong chúng ta nhưng cũng từ bên ngoài làm cho ta mệt. Hơn nữa, là phụ nữ, mỗi tháng chúng ta có những ngày mệt. Những cái mệt chúng ta không muốn và cũng không chọn. Nhưng chắc chắn chúng ta có khả năng để chọn chấp nhận cái mệt của nhau và trân trọng nhau. Chúng ta không thể mệt thay cho người khác, nhưng chúng ta có thể cảm thông và lắng nghe sự mệt mỏi của người khác. Bề trên đón nhận cái mệt của bề dưới, thông cảm và lắng nghe, cũng thế bề dưới chấp nhận và hiệp thông với cái mệt của bề trên. Việc đón nhận này chính là cánh buồm để tất cả cùng giúp nhau vượt qua cái mệt. Nếu ngược lại nó sẽ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn, bị đắm chìm xuống giữa cuộc sống cộng đoàn và đôi khi khiến chúng ta đuối trong sự cô đơn, lạnh nhạt.
Cũng nơi nhà dưỡng lão tôi nhận thấy một số người dù đau yếu, dù mệt vì bệnh nhưng tâm hồn họ nhẹ nhàng mỗi ngày. Họ hầu như im lặng với sự mệt mỏi của mình, không than van, quở trách. Tôi đọc thấy họ chấp nhận nó như một lẽ thường của cuộc đời. Dường như họ đã chân nhận rằng, cái mệt như một tất yếu của cuộc sống và vì vậy họ chấp nhận nó, vượt lên nó bằng sự cố gắng vui tươi, lạc quan. Họ mệt nhưng họ chọn niềm vui.
Mệt nhưng vui là một mời gọi để hướng đến đời sống tích cực và năng động. Nó cũng là thách thức cho hành trình của mỗi người. Nhiều lúc thật không dễ dàng để đón nhận cái mệt cách vui vẻ. Tỉ dụ như những lúc chúng ta muốn tham gia công việc gì đó với mọi người cách vui vẻ, nhưng cái đau đớn, những nỗi lo âu nào đó cứ chồng chất làm ta không thể thể hiện một khuôn mặt dễ ưa dễ nhìn và thậm chí có thể trao cho người khác một nụ cười, một sự ấm áp. Chấp nhận và vượt qua điều này thật không dễ dàng với sức lực của chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta với cả sự cố gắng, hy sinh quên mình và với ơn sức mạnh từ Chúa. Chúng ta cũng không thể mường tượng Chúa Giêsu đối diện với thập giá và đinh sắt với một nụ cười vui vẻ, chắc chắc trong sự cố gắng, trong đau đớn gương mặt của Ngài cũng nhăn nhó như ta, nhưng ta chắc chắn rằng trong tâm hồn ngài có một sức hang say vì hướng đến một mục đích lớn lao là ơn cứu độ cho nhân loại, là thi hành ý muốn của Chúa Cha, vậy nên Ngài đón nhận tất cả trong sự im lặng. Im lặng để chiến đấu, sự im lặng của Ngài cũng đã làm người khác phải chất vấn, và có cả sự khinh thường. Ngài im lặng để chiến đấu, để vượt lên sự mệt mỏi, chấp nhận nó cho đến giờ phút cuối cùng. Nhìn vào Ngài người ta không còn thấy một niềm hy vọng cỏn con nào nữa. Nhưng chính trong sự mệt mỏi tột cùng lại là vinh quang vô tận. Bây giờ chúng ta có thể mường tượng được sự gục đầu tắt thở của Ngài trong hân hoan, vui sướng và cái nhắm mắt đón nhận tất cả của Ngài thể hiện tất cả sự bình an vô tận. Những cái mệt mỏi trong cuộc sống làm chúng ta dễ dàng than van, càm ràm, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người này người khác, bực tức vì nhiều lý do mà chúng ta coi là chính đáng. Cái mệt mỏi làm cho chúng ta khó thinh lặng để tiếp tục chiến đấu, tiếp tục lên đường. Chúng ta không chọn mệt nhưng là chấp nhận mệt, chấp nhận nhầy nhụa vì sự dấn thân, vì tình yêu thương dành cho tha nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình” (Số 49). Chúng ta chấp nhận và sẵn sàng đón lấy sự mệt mỏi và hân hoan vì đó là thánh giá để chúng ta vác theo Đức Giêsu và đi trên lối đường của Ngài.
Mệt nhưng vui là con đường nên thánh. Mệt nhưng vui vì cuộc đời còn nhiều giá trị tốt đẹp, mệt nhưng vui vì giá trị sự sống mỗi ngày mà Thiên Chúa ban tặng thật quý giá. Mệt nhưng vui vì cuộc sống dù có mệt mỏi bế tắc nhưng luôn có niềm hy vọng lớn lao nơi tình yêu và kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mệt nhưng vui vì con người luôn được mời gọi hiệp thông vào mầu nhiệm thập giá và ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Bước theo Mẹ thăm viếng, con đường mà Tin Mừng giới thiệu là đường đồi núi, và thái độ của Đức Mẹ là ‘tiến lên”. Bước lên những ngọn núi của chính mình, bước lên ngọn núi của hoàn cảnh chúng ta sẽ thấy mệt và có lúc rất mệt. Một câu đố mà chúng ta thường đố nhau là ‘đố bạn khi lên đến đỉnh núi, người ta sẽ thấy gì? Câu trả lời theo kiểu chơi chữ của người Việt là “thấy mệt!”. Chúng ta biết và nhận thức được cái mệt của hành trình nhưng theo Mẹ Đi Viếng chúng ta thấy mình được thúc đẩy. Cái thúc đẩy không bởi những thứ tầm thường nhưng là cái thúc đẩy của Thánh Thần, của Ngôi Lời bên trong chúng ta. Cái thúc đẩy hướng về niềm vui lớn lao. Mệt nhưng vui, thật không dễ dàng nhưng là một diễn tả một khuynh hướng thiêng liêng, cao đẹp của những tâm hồn hướng về vô biên.
Agnès Tĩnh Nhân