Giữa những ồn ào xao động, con người dường như thích náo nhiệt, với những lối đi đầy hoa thơm cỏ lạ, lại có những con người thật quả cảm khi chọn cho mình một lối đi riêng, một lý tưởng mà nhiều người cho là khờ dại. Họ yêu thích đời sống tĩnh lặng, luôn cố gắng đào luyện mỗi ngày để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, sống như Người đã sống.
Có thể nói, trong đời sống Thánh hiến, giai đoạn Thường huấn được coi là sống còn của Đời tu. Trong giai đoạn này, người tu sĩ thường xuyên tự bồi dưỡng để chu toàn việc phục vụ với một tinh thần mới và nghị lực mới, mang tính quyết định đến việc canh tân các Hội Dòng. Mục đích của Thường huấn chính là làm sống động, nuôi dưỡng và nâng đỡ lòng trung tín của người tu sĩ trong mọi khía cạnh của đời sống theo tinh thần Đặc sủng của Đấng sáng lập, để xây dựng Nước Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của thời đại. Điều này đòi hỏi cần phải tạo nên tính năng động trong đời sống huynh đệ cộng đoàn, nơi mỗi anh chị em vì chính những ơn huệ Chúa ban cho mỗi người cách cá vị, và vì những điều tốt lành mình cống hiến cho anh chị em nhờ vào lòng bác ái, sự quảng đại. Vì thế, việc Thường huấn đòi hỏi đặt ra những chương trình sắp xếp, tổ chức, dự trù có thể nắm bắt được, và có thể đánh giá được.
Văn kiện Huấn luyện các tu sĩ của Bộ Tu sĩ đã nhấn mạnh: “Chính cá nhân tu sĩ là người chịu trách nhiệm trước tiên của lời thưa “xin vâng” đáp lại tiếng Chúa kêu gọi họ, và chấp nhận mọi hậu quả của việc chấp nhận đó.” [1] Xét về phương diện đức tin, người tu sĩ phải trở nên như nắm đất trong bàn tay Chúa và để Chúa như người thợ gốm nhào nắn mình (Gr 18,6). Nhưng xét về phương diện nhân bản, mình cần phải cộng tác với những người có trách nhiệm để tự đào tạo mình. Một vận động viên hay ca sĩ có thể trở thành vô địch trên sân cỏ hay ngôi sao trên sân khấu phần lớn là nhờ những giờ khổ công tự luyện tập ngoài giờ. Tự huấn thường xuyên là cách thế để xây dựng Hội dòng ý nghĩa nhất.
Bên cạnh đó, Hội Dòng cũng tạo điều kiện cho chị em Vĩnh Khấn trong Dòng có cơ hội thường huấn qua các khóa học trực tiếp hoặc trực tuyến. Đặc biệt, ngày 22-23/9/2023, chị em Thường huấn 10 năm khấn trọn Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng – Huế đang phục vụ tại các giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa Vũng Tàu và Sài Gòn đã về tham dự buổi họp mặt đầu Niên khóa tại Cộng Đoàn Fatima – Bình Triệu.
Vào lúc 19g30, chị đặc trách Thường Huấn gặp gỡ các chị em và chia sẻ các thông tin hiệp thông trong gia đình Hội Dòng. Tiếp theo, chị trình bày chương trình sống của Thường huấn Niên khoá 2023-2024 với mục tiêu: Tiếp tục kiện cường căn tính ơn gọi Con Đức Mẹ Đi Viếng – ý thức sự thường huấn để trở nên người nữ tu trưởng thành trong nhân cách, có tình yêu cá vị với Chúa và niềm xác tín về ơn gọi thánh hiến của mình, đồng thời ý thức sống tính thuộc về đầy trách nhiệm. Để đạt được mục tiêu này, chị đưa ra những phương thế và gợi ý một vài hành động cụ thể cho chị em lập kế hoạch đời sống cá nhân. Chị kết thúc bài chia sẻ với lời nhắc nhở chị em cố gắng nỗ lực, kiên trì và có kỷ luật trong tiến trình tự đào luyện bản thân thăng tiến không ngừng qua việc lập và sống kế hoạch cá nhân. Lý do là vì chúng ta là người của Chúa, của Giáo Hội và của mọi người, và có như thế chúng ta mới đứng vững trong ơn gọi giữa xã hội đầy thách đố hôm nay.
Sáng ngày 23/9, chị em dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong Thánh Lễ tại nhà nguyện cộng đoàn do cha Vinh Sơn Lê Ngọc Linh, nguyên phó xứ Fatima – Bình Triệu chủ sự. Cha mời gọi mỗi chị em suy ngẫm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người cách cá vị. Như những mảnh đất khác nhau, cho dù là sỏi đá, vệ đường hay đất tốt nhưng Chúa vẫn luôn gieo hạt giống trên từng mảnh đất đó. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi chúng ta khi đón nhận Lời và đem Lời vào trong cuộc sống. Ngài vẫn luôn kiên nhẫn. Bởi thế, “chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với những ơn chúng ta lãnh nhận mỗi ngày.” (Pl 1, 27).
Từ 8g30 -11g00, Frère Giuse Lê Văn Phượng, Giám tỉnh Dòng Lasan Việt Nam chia sẻ cho chị em đề tài: Giáo dục Công giáo – Ơn gọi nhà giáo dục Công giáo. Trong bài chia sẻ, Frère nêu rõ tầm quan trọng của giáo dục trong thế giới ngày nay. Theo tinh thần Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội có nhiệm vụ mở mang, phát huy các nền giáo dục để góp phần vào việc phát triển toàn diện đời sống con người. Trong đó, việc dạy giáo lý và giáo dục tôn giáo là một phương thế hữu hiệu. Với các nguyên tắc giáo dục Công giáo mà Frere trích dẫn theo tiến sĩ Mai Tâm : “Giáo dục công giáo có mục đích hướng dẫn con người đạt đến sự thiện về các phương diện nhân bản và đạo đức, để cộng tác vào công việc thánh hoá trần gian. Giáo Hội sẵn sàng cộng tác với toàn thể các dân tộc trong lãnh vực giáo dục… Giáo Hội tri ân những ai đang cộng tác vào việc giáo dục và dạy học, khuyến khích họ bền đỗ trong sứ mạng, bảo đảm sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới tri thức ngày nay.”
Sau đó, Frère nhấn mạnh Nhà Giáo Dục là một ơn gọi, được phát xuất từ Thiên Chúa. Nghề giáo không chỉ là một chức nghiệp, nhưng còn là một thừa tác vụ. Họ được Thiên Chúa tuyển chọn trở thành thừa tác viên của Thiên Chúa, để dạy dỗ cho trẻ em thấy được chân lý của Người (2Cr 4,1-6), truyền đạt chân lý ấy vào trong tim các em và ban phát các mầu nhiệm của Người, để giúp chúng đạt tới sự hiểu biết chân lý (1Tm 2,4) được tỏ bày nơi Đức Giêsu Kitô [2]. Họ có mối quan hệ ba chiều: chiều đi lên là quan hệ với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, với Chúa Thánh Thần qua Giáo Hội; chiều đi xuống là mối quan hệ với học sinh mà Thiên Chúa trao phó cho nhà giáo chăm sóc; chiều ngang là mối quan hệ với anh em trong cộng đoàn và các đồng nghiệp. Như thế nhà giáo dục là một trong những phương tiện Thiên Chúa dùng để thay thế cha mẹ trẻ, giúp các em đạt tới ơn cứu độ (1Tm 2,4), bằng cách rao giảng cho chúng Tin Mừng của Chúa Kitô qua việc giảng dạy giáo lý, tập cho các em thực hành các nhân đức, giúp các em lãnh nhận các bí tích.
Frère cũng nhấn mạnh Nhà Giáo Dục chính là người thợ của Chúa Thánh Thần, được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay tại thế này. Theo Thánh Gioan Lasan, nhà giáo dục như là những thiên thần giữ mình thấy được của trẻ, để dạy dỗ các em về những chân lý và sự thiện đích thực (1Cr 2,14), và hướng dẫn các em thực hành những điều tốt đẹp ấy trong đời sống hằng ngày của chúng. Quả vậy, như các thiên thần, mỗi ngày nhà giáo có bổn phận lên cùng Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, suy ngắm Lời Chúa, tham dự thánh lễ, để học nơi Thiên Chúa những gì nhà giáo phải dạy, rồi sau đó đến với trẻ dạy dỗ cho chúng những gì Thiên Chúa đã thông truyền cho nhà giáo dục.
Frère cũng trình bày cho chị em hiểu thêm 7 thái độ chính yếu của một Nhà Giáo Dục là luôn hướng về Chúa, chiêm ngắm Chúa để học cách hành xử của Chúa và dâng lên Thiên Chúa những ý định của mình để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Đồng thời, Frère trình bày rõ mười hai đức tính cần có của nhà giáo[3] đó là Nghiêm Nghị, Thinh Lặng, Khiêm Tốn, Lòng Đạo Đức, Cẩn Trọng, Khôn Ngoan, Kiên Nhẫn, Dè Dặt / Kiềm Chế, Hiền Hoà, Nhiệt Thành, Cảnh Giác, Rộng Lượng. Và cuối cùng, phần thưởng cho những nhà giáo nhiệt thành là phần rỗi các linh hồn.
Để củng cổ lại những gì đã học, Frère xen kẽ những câu đố vui – phát thưởng, cho chị em xem các video ngắn về Học đường Công giáo cũng như ơn gọi của Nhà Giáo Dục làm cho bầu khí lớp học thêm phần sôi động và đầy hứng khởi.
Ngày hội ngộ của chị em Thường huấn thật vui và đầy ý nghĩa. Chị em học thêm được những điều hữu ích, mở ra một chân trời mới với cái nhìn mới, cách hành động mới, tinh thần mới trong Đời sống Thánh hiến, nhất là khi tham gia vào công tác giáo dục của chị em. Chúng con cám ơn Frère đã thêm “lửa” cho chúng con.
Ngày họp mặt kết thúc với buổi cơm trưa đầm ấm trong tình gia đình.
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã luôn dành cho chúng con những quà tặng bất ngờ trong cuộc sống. Chúng con ý thức mình là người của Chúa, có Chúa, luôn được Chúa chăm sóc cách đặc biệt, nhưng chúng con cũng luôn cần có Chúa từng giây phút trong cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống sung mãn ơn gọi Thánh hiến của chúng con, tỏa sáng cuộc sống này bằng chính tình yêu đầy trách nhiệm của chúng con, trong các sứ vụ chúng con đảm nhận mỗi ngày, nhờ đó Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị. Amen.
Ban Truyền Thông Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng
[1] Theo Chúa Kitô tr. 455
[2] Thánh Gioan La San, Các Bài Suy gẫm Tuần tĩnh Tâm, 193 – 194
[3] Sách Quản Trị Học Đường, 1720, Phần cuối và Sh. Agathon, Tổng Quyền thứ V, Dòng La San, (1777 – 1789)
– SH Giuse Trần Trung Lập dịch