Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, kiến thức, trình độ chuyên môn về tôn giáo lẫn xã hội, đời cũng như đạo đều rất cần thiết cho người tu sĩ trẻ, để họ không bị đào thải hoặc bị từ chối nhưng có thể được tiếp nhận vào mọi môi trường sứ vụ và cuộc sống. Quả thực, kiến thức, khả năng là những phương tiện tốt giúp tạo bản lãnh, sự tự tin cho chị em trong khi thi hành sứ vụ ở các giáo xứ, biên cương truyền giáo hay trong các môi trường làm việc ngoài xã hội (giáo dục, y tế, …). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều người trẻ nói chung và cả một số tu sĩ cũng để mình rơi vào tình trạng quá thiên về kiến thức, về học vấn, về công việc đến độ tự biến mình thành người máy Rô-bốt không có trái tim, sống hời hợt thậm chí vô tình, vô tâm.
Chúng ta biết rằng, một người quân bình là người có cả tâm lẫn trí, như nguyên lý âm – dương của người phương Đông. Giữa Tâm và Trí thì tâm bao giờ cũng quan trọng hơn trí, nói khác đi, tâm là chính, trí là phụ, có thế mới đảm bảo thế quân bình lành mạnh của cuộc sống làm người, làm Kitô hữu và làm người tu sĩ. Chính thánh Phaolo đã khẳng định: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng, … Giả như tôi được ơn nói tiên tri, … mà không có lòng mến, thì cũng chẳng ích gì (x. 1Cr 12,33 – 34). Một con người không có tâm thì không phải là người thực sự. Tuy nhiên, trong con người vừa có “thiện tâm” vừa có “tà tâm” như Thánh Phaolo đã từng nói: “Trong con người anh em có Thần Khí và xác thịt, sống theo Thần Khí thì hướng về những gì thuộc Thần Khí, sống theo xác thịt thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt” (x. Gl 5, 16- 22). Do đó, nói một người có Tâm không chỉ vì người đó có tâm thiện, tâm chính, nhưng còn vì là người biết phân biệt giữa Thần khí – tà khí, tốt – xấu, thiện – ác để có thái độ sống đúng đắn.
Như thế, mọi người nói chung, các Kitô hữu nói riêng và đặc biệt hơn chúng ta những người tu sĩ cần được huấn luyện và tự huấn luyện để không chỉ có tâm nhưng còn phải có cái tâm thiện, tâm sáng. Nếu hiểu “tâm” theo nghĩa đen là “trái tim” – nơi chứa đựng sự sống và có nhiệm vụ chuyển tải máu huyết đi khắp cơ thể, thì theo truyền thống Kitô giáo, con người đánh mất cái tâm là đánh mất sự sống Thiên Chúa đã ban khi con người phạm tội, khi đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, bởi lẽ Thiên Chúa chính là tiếng nói, là Tâm của con người. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy mau chóng tìm lại cái tâm thiện, tâm lành của mình để rồi có thể tìm cái tâm giúp người khác. Không có tâm tốt chúng ta không thể là người đúng nghĩa.
Như thế, một người bình thường cần phải sống có nhân có nghĩa thì các tu sĩ – người mang tình yêu Chúa đến cho người khác – càng cần phải “có tâm” biết bao. Hơn nữa, nhiệm vụ chính yếu của các tu sĩ là giúp người khác sống đúng nhân phẩm của mình “chị em tìm cách gây ý thức cho mọi người biết tôn trọng phẩm giá người phụ nữ, tôn trọng sự sống và bảo vệ quyền lợi của các trẻ em” (HC 88) mà nếu mình không có tâm hay chỉ có tâm hời hợt, tâm máy móc thì có đáng là một con người, một Kitô hữu nữa không nói chi là một tu sĩ chính danh. Chính Đức Giêsu đã cảnh cáo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Hơn nữa, các tu sĩ dù có giỏi đến đâu mà không có tâm ngay, tâm sạch thì không thể làm chứng cho sự thật và không thể được gọi là những sứ giả hòa bình đem Tin Mừng, chân lý, sự bình an của Thiên Chúa đến cho con người.
Thời đại hôm nay đang mong đợi nơi các tu sĩ trẻ – một hình ảnh đẹp, một mẫu người sống tốt, với một trái tim nhân ái, yêu thương để hướng dẫn họ đi đến cùng đích của cuộc đời. Chính vì thế, để có thể thi hành sứ vụ ở bất cứ lãnh vực hay môi trường nào, kiến thức, khả năng chuyên môn chưa đủ, trên hết người tu sĩ cần phải có cái tâm. Cái tâm đúng nghĩa là cái tâm lành, tâm thiện và cả tâm thánh nữa, nghĩa là cái tâm của yêu thương vô điều kiện, không tính toán; cái tâm nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, tự đắc, … không nóng giận, không hận thù. Đó cũng là cái tâm biết tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả. Cái tâm ấy chính là trái tim có cùng nhịp đập, cùng trăn trở với Chúa Giêsu và “luôn chạnh lòng thương”, sẵn sàng rộng mở ôm ấp cả nhân loại và mọi nỗi đau của từng con người bằng một tình yêu thương không biên giới, dấn thân phục vụ cho đến cùng.
Như vậy, bên cạnh việc trang bị cho mình những kiến thức, khả năng cần thiết, mỗi người chúng ta hãy tự huấn luyện cho mình có được cái tâm, tấm lòng của người mục tử, người mẹ hiền, người cha nhân ái với hết mọi người. Nếu vị mục tử nhân lành Giêsu đã không loại bỏ bất cứ con chiên nào, dù đó là chiên hư, chiên “bỏ đàn” đi hoang thì người tu sĩ chúng ta cũng có lòng nhân ái, độ lượng với tất cả những ai mình gặp gỡ, tiếp xúc và trước nhất là với các chị em sống chung với mình. Chúng ta thường cảm thông và giúp đỡ những người xa lạ nhưng nhiều lúc lại bỏ quên những người đang sống bên cạnh. Biết đâu đằng sau những sự cộc cằn khó ưa đó là những tổn thương trong quá khứ, là những nổi đau được dấu kín. Chỉ có tấm lòng chân thành mới có thể chạm tới được nổi lòng của nhau, ước gì “chị em cố gắng thực hiện cho nhau và cho cộng đoàn những gì mình dự định làm ở các nơi truyền giáo” (HC 53). Sống như thế, mỗi người chúng ta quả đang phản chiếu “hình ảnh đẹp” của Thiên Chúa không phải chỉ do những nét duyên dáng, dịu dàng bên ngoài, nhưng là nét đẹp từ chính cõi lòng, từ chính cái tâm sáng, tâm lành như thi sĩ Bùi Giáng đã diễn tả: “Em ơi em đẹp vô cùng, vì em có cái lạ lùng bên trong.”
Chúng ta đang đang sống trong năm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Khai sinh Hội Dòng – là thời gian ân sủng, là khoảng lặng để hồi tâm nhìn về quá khứ, tìm về nguồn cội để yêu mến, để học tập và noi gương sống của Cha Giuse và Quý Chị tiên khởi, về nguồn để sống tận căn Tin Mừng với 3 chiều kích căn bản của đời sống thánh hiến: trở nên con người “thần nghiệm” trong Thánh Thần; nên “ngôn sứ” của tình hiệp thông cộng đoàn; và là “Tôi tớ phục vụ” tha nhân trong ơn gọi CĐMĐV (x. chương trình sống năm thánh). Để sống được như vậy không phải điều dễ dàng, vì thế đòi hỏi chúng ta phải dành cho mình một “khoảng lặng” cần thiết để “trầm lặng, lắng nghe, suy niệm,” khiêm tốn nhìn nhận những mối “bận lòng” của mình để sám hối, đồng thời nổ lực tập luyện và thường xuyên trau dồi để tâm không chỉ luôn “lành”, “sáng” mà còn “đẹp và thánh thiện” như Chúa Giêsu hằng mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hãy để cho “tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” lên đường đem tình yêu của Chúa đến cho anh chị em lương dân theo tinh thần của Đấng sáng lập.
Eg CGS (FMV)