Mỗi người trong chúng ta khi sinh ra, Thiên Chúa đã đặt để một khuôn mặt khác nhau mà chẳng ai giống ai, nhưng cũng có rất nhiều điểm chung như: Có con mắt để quan sát, đôi tai có thể nghe hay dùng chất giọng của mình mà ca hát và giao tiếp với nhau… Tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với tôi, đôi tay là một phần quan trọng gắn kết cuộc đời tôi trong công việc của gia đình, học hành và tất cả mọi thứ. Đôi tay nằm trong bộ phận của thân thể, không chỉ là đôi tay của công việc nhưng còn mang ý nghĩa của sự sẻ chia giữa con người với con người.
Gắn liền với cuộc sống hàng ngày như bao người khác, ai cũng biết tác dụng của đôi tay. Thực tế trong đời sống, có rất nhiều người dùng đôi tay của mình để làm ra những của cải vật chất để có thể nuôi sống mình và gia đình. Cũng có người với đôi bàn tay khéo léo làm nên những tác phẩm riêng biệt của mình qua tranh ảnh, bằng đồ thủ công, những thứ mà ta mong muốn và nó thực sự áp dụng trong cuộc sống của mình. Chúa đã ban cho tôi đôi tay là một chi thể của thân thể. Nhờ thế, tôi biết cầm bút để viết, hình ảnh của tuổi thơ tôi đi cắt cỏ cho bò, nấu ăn cho heo, tôi có thể làm mọi thứ và được hưởng thành quả nhờ đôi tay. Cũng chính nhờ đôi tay, tôi làm cho các em của tôi có những bữa ăn đầy đủ suốt thời gian dài mẹ tôi không có ở nhà. Suốt thời gian mẹ tôi đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, còn chị gái thì vào học trong Sài Gòn, tôi thay mẹ đảm đương công việc, vừa học tập, nội trợ, kiêm việc đồng áng. Có lần, tôi đi ra ruộng nhổ cỏ, tôi đứng khóc vì cỏ quá nhiều. Vì các em còn nhỏ, tôi đảm đương khá nhiều việc, ngay cả cái vườn rất rộng của nhà tôi, tôi nhổ cỏ, cuốc xới, đổ phân, trồng rau và còn bao nhiêu việc khác nữa.
Tôi còn nhớ, cũng trong thời gian đó, vào năm 2010 trong một cơn bão, mái nhà của gia đình tôi bị cơn bão đốc sạch. Ba tôi và tôi đưa các em qua nhà hàng xóm gửi. Sau đó, ba và tôi chạy về nhà bê lúa, tivi, một ít thức ăn chạy đi. Tôi chạy giữa cơn gió bão, vừa ôm theo đồ đạc chạy cho nhanh, vừa khóc nức nở. Lúc đó, ba tôi chẳng biết đâu vì ba cũng lo chạy như tôi vậy. Đó là cái ngày mà tôi chẳng bao giờ quên, nó như một tổn thương trong tâm hồn tôi. Mỗi lần nghĩ về nó, tôi cảm thấy sợ hãi. Cho đến bây giờ, mỗi lần có gió, tôi vẫn sợ khi nghĩ đến những gì đã xảy ra. Điều đó cũng khiến tôi nghĩ đến những người nghèo nhiều hơn khi mà họ không có một căn nhà khang trang để sinh sống.
Câu chuyện là thế, bây giờ tôi ngẫm nghĩ về đôi tay của tôi có thể chia sẻ và đồng trách nhiệm với ba tôi trong hoàn cảnh khó khăn ấy. Tôi không biết ký ức đó ba tôi còn nhớ hay không nhưng với tôi, ký ức đó luôn luôn ở trong tâm hồn tôi.
Lúc còn học đại học, tôi cũng đi làm khá nhiều việc, ví dụ như làm cộng tác viên cho Sở Lao Động tỉnh Lâm Đồng, nhiệm vụ của tôi là đi từng nhà và ghi chép sổ sách. Tôi đi làm nhà hàng với việc bưng bê nhưng cũng không kém sự sang trọng là việc tôi mặc trang phục của nhà hàng rất đẹp. Những công việc khác như: cắm cây trong ống nghiệm với số lương ít ỏi, đi nhổ khoai tây hay làm ở một quán cà phê mà ông chủ là một kiến trúc sư rất hiền hòa dễ thương. Tôi có cơ hội cầm micro để hát những bài thánh ca vào những dịp Giáng Sinh tại các nhà hàng, nhà thờ của một số nơi tại thành phố Đà Lạt. Tôi nấu ăn cho các bạn ở lưu xá Donbosco. Tất cả nhờ vào đôi tay và khả năng mà Chúa ban cho tôi.
Bước vào đời tu, tôi đi vào một đời sống mới nhưng tôi cũng tiếp tục với công việc bổn phận hằng ngày. Tôi dùng đôi tay của mình để cắm hoa, tập hát, đánh đàn, may vá. Ban đầu tôi chẳng biết một thứ gì nhưng dần dần, trải qua thời gian, tôi biết làm thêm một số công việc mà trước đây tôi chưa bao giờ làm. Chẳng hạn như may vá, tôi tự thân ngồi vào máy may để tập đạp đường chỉ cho thẳng, cái gì không biết tôi hỏi chị em. Bây giờ, tôi có thể sửa quần áo cho chính mình và cho chị em tôi khi họ nhờ vả…Còn rất nhiều công việc khác nếu không có đôi tay, tôi chẳng làm được gì.
Đã không ít lần tôi ngắm nó với bao suy nghĩ về hình ảnh của đôi tay gầy gò, ốm yếu, thô ráp và nhiều nếp nhăn, nó chảy máu mỗi khi mùa đông về. Nó chẳng giống như những đôi tay bình thường của bao người con gái khác. Đã bao lần tôi thèm thuồng khi nhìn những đôi bàn tay của người khác và hỏi Chúa: Sao tay con không giống như bao người khác? Tôi đã cảm thấy tự ti và tìm cách che dấu bàn tay của mình mỗi khi giao tiếp với người khác và cũng ái ngại mỗi lần bắt tay với người khác. Tôi in bàn tay của mình trong những cuốn nhật kí của tôi không biết bao nhiêu lần. Đôi tay cũng trở thành chủ đề cầu nguyện trong đời dâng hiến. Tôi ngắm ngía đôi tay, từng chút một, từng nếp nhăn của đường đi trên bàn tay.
Chính nhờ cầu nguyện mà tôi khám phá ra ý nghĩa của đôi bàn tay thô ráp này. Tôi khám phá ra rằng nó không chỉ là đôi tay với những công việc hằng ngày: quét nhà, nấu cơm, đón nhận nhiệm vụ… nhưng còn là đôi tay của sự chăm sóc. Đôi bàn tay mà Thiên Chúa ban cho tôi để nâng đỡ người khác đau buồn khi có người thân trong gia đình mất, họ đã ngả vào vai tôi và khóc để tôi dù không nói được lời gì an ủi nhưng dùng bàn tay vỗ về và đồng cảm. Khi đó, tôi nhận ra hình ảnh của đôi tay tôi là sự sẻ chia với người khác bằng hành động xuất phát từ con tim của mình.
Chính những gì tôi đã làm, tôi đã có thể trao ban và cho đi khi tôi giúp đỡ người khác và chính tôi cũng đón nhận biết bao điều từ người khác dành cho tôi. Hơn hết là chính Chúa đã dành sẵn cho tôi một đôi tay để nhờ đôi tay mà tôi biết chia sẻ và sống tình yêu. Tôi ngắm đôi tay của mình và nhận ra vẻ đẹp của nó, từ rất nhiều nếp nhăn nheo, lòng tôi vui khi tôi nhận ra rằng: khi người khác nhìn vào đôi tay của tôi, họ sẽ nhìn lại đôi tay mềm mại của chính họ và tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho họ có đôi tay đẹp mà chính họ đang sở hữu. Từ đó tôi hết ái ngại và dám đối diện với những gì là con người của tôi. Đời sống dâng hiến càng cho tôi xác tín hơn về việc Thiên Chúa ban cho tôi hồng ân có đôi bàn tay, cũng là cơ hội để tôi thấy mình may mắn hơn bao nhiêu người sinh ra bị tật nguyền hay bị một căn bệnh, tai nạn nào đó không may lấy đi đôi tay của họ. Lòng họ còn rất rất muốn làm nhiều việc mà họ dự tính nhưng không làm được.
“Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Điều này cho tôi ý thức rằng: đừng bao giờ dừng lại ở một khía cạnh bên ngoài vật chất hay bất cứ điều gì khác nữa, tuy nhiên tôi còn tin rằng bàn tay của tôi là một phần trong sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa muốn hé lộ trong đời sống của tôi. Chính Thiên Chúa đã làm cho cuộc đời tôi trở nên “tươi” và “ mới”, từ đó tôi có thể tự do đáp trả ân sủng mà Thiên Chúa đã dành cho tôi. Nếu không có sự thinh lặng và cầu nguyện trong Chúa thì tôi chẳng biết được mầu nhiệm và ý nghĩa sâu xa của đôi bàn tay xem ra vẻ bề ngoài thì xấu xí nhưng nó lại là khí cụ để tôi có thể trao ban và chia sẻ tình yêu mà tôi có cho dù nó là ít hay nhiều.
Học viện Bêtania FMV