DẪN NHẬP
Chân Thiện Mỹ là những giá trị phổ quát lý tưởng của toàn nhân loại. Howard Gardner cho rằng, các giá trị Chân Thiện Mỹ “là nền tảng của điều kiện làm người của chúng ta trong cả ngàn năm.” Là lý tưởng nên con người cần định hướng cho đời mình một hướng đi đúng đắn, khi mọi cá nhân thấm nhuần, dung nạp các giá trị ấy trong hệ giá trị nhân cách của chính mình thì không những con người, gia đình mà cả cộng đồng, xã hội đều đạt tới cùng đích.
Trong bối cảnh xã hội phát triển, cuộc sống con người được mở ra với nhiều hy vọng, nhiều hứa hẹn, nhưng cũng nhiều thách đố và không ít rủi ro khi lựa chọn lý tưởng phổ quát ấy. Những chuyển biến của khoa học kỹ thuật phần nào tác động trên đời sống con người kể cả người sống đời thánh hiến. Một mặt, nó giúp con người mở rộng tầm mắt ra thế giới xung quanh, cho họ tiếp cận với sự đa dạng của công nghệ hiện đại, với đầy đủ các chức năng để giải trí, làm việc…và nhất là góp phần làm nên thành công cho công cuộc loan báo Tin mừng. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là làm cho chúng ta dễ dàng rơi vào cơn cám dỗ triền miên của thái độ sống hưởng thụ vật chất.
Hết mọi người đặc biệt người tu sĩ, mải mê với các phương tiện mà không còn thiết tha với việc cầu nguyện, không tìm được hứng thú và niềm vui khi gặp gỡ Thiên Chúa. Thay vào đó, họ lặng lẽ đi vào vòng xoáy của hưởng thụ vật chất nhằm thỏa mãn những đam mê trần tục của mình và theo đuổi con đường “trưng diện.” Những điều này dần đưa người tu sĩ xa vời lý tưởng “theo sát Chúa Kitô” và làm giảm thiểu sức lan tỏa tốt lành vốn có nơi họ.
Xét vì phạm vi đối tượng bài viết hướng tới đang được sự quan tâm từ nhiều người về đời sống tu trì, nên đề tài mà tôi muốn gửi tới bạn đọc đó là “biến thể vi rút”.
Ước mong những suy tư giới hạn và còn mang tính chủ quan của mình, được mọi người đón nhận và đóng góp phần ý kiến cách chân thành, để đề tài được nên hoàn thiện và khách quan hơn.
BIẾN THỂ VI-RÚT
1. Bùng phát vi-rút
Virút là một loại ký sinh trùng nhỏ không thể tự sinh sản. Tuy nhiên, một khi virus lây nhiễm vào một tế bào nhạy cảm, nó có thể điều khiển bộ máy tế bào tạo ra nhiều virus hơn. Trong giai đoạn hiện nay, trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, con người bị tác động về nhiều phương diện, và vô tình tạo nên môi trường thuận lợi cho sự bùng phát của vi rút, chúng sinh sản, xâm nhập vào các tế bào nhân cách và thái độ sống của con người thời nay.
Đã có lúc tôi suy nghĩ, cả thế giới có hàng tỉ người, thế nhưng chỉ có một số ít những người được tuyển chọn để dành riêng cho Chúa, nhưng rồi chính số ít những người theo Chúa lại là mối bận tâm cho nhiều người trong xã hội này.
Sắc lệnh thích nghi dòng tu xác nhận: “Tu sĩ của bất cứ Hội dòng nào cũng phải hiểu rằng, họ đáp trả lời mời gọi của Chúa chủ yếu qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, vì thế, không những họ phải chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa”.[1]
Như vậy sự từ bỏ qua lối sống giản dị của người tu sĩ là nét son khởi đầu cho người đời tin tưởng và xác minh sự hiện hữu đầy tiềm năng của họ trong thời đại văn minh nhân loại.
Xã hội càng văn minh, con người càng hiện đại thì những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Tiêu chí “ăn ngon mặc đẹp” thế chân cho nhu cầu “ăn no mặc ấm”. Xu hướng đô thị hóa làm cho cuộc sống ngày càng trở nên sung túc hơn. Người tu vô tình biến mình từ những con người đơn giản nên những người ham làm đẹp. Ý tưởng “nghèo khó hóa” dần đi sâu vào trong tầng tiềm thức của họ “đời tu đơn giản nhưng không được phép quê mùa”, cảm thức “sợ người khác coi thường” đã “cướp đi” sự trong sáng vốn có nơi tu sĩ. Họ dấn thân vào việc khẳng định bản thân và thay đổi diện mạo qua nhiều phương thế.
Thiết tưởng sự hấp dẫn của thời đại mới này đâu dễ gì làm khó được người tu sĩ, nhưng không, cái bẫy tinh vi này trở nên cơn lốc ăn diện, nhanh chóng lây lan khắp nơi và như các biến thể vi rút, nó mạnh mẽ phát tán và có sức công phá vô cùng lớn, gây ra những lỗ hổng cho người đời sống dâng hiến hôm nay.
2. Bức tranh tối màu
Con người hiện hữu trên cõi đời này có lòng khao khát kiếm tìm “cái đẹp”. Người tu sĩ cũng khai mở con đường ấy qua “ơn gọi dâng hiến theo sát Chúa Kitô”.
Trong Tông Huấn Đời sống Thánh hiến, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Đời sống thánh hiến bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội Người qua trung gian của Chúa Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin mừng, các nét đặc trưng của Chúa Giêsu – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng”.[2]
Xét vì ơn gọi này khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự hiện diện của người tu sĩ vẫn luôn có giá trị vĩnh viễn.
Người tu sĩ không sống trong một thế giới ảo, nhưng là sống thực giữa đời thực, với những văn hoá nơi từng môi trường cụ thể, họ phải thích nghi để rồi phù hợp với đời sống thánh hiến theo phong tục tập quán nơi họ sinh sống. Đứng trước một xã hội tân tiến như ngày nay, người tu sĩ được mời gọi sống hội nhập để làm chứng cho niềm tin và những giá trị cao quý của Kitô giáo. Họ được kêu gọi hãy dám từ bỏ những giá trị vật chất, là những gì đáng được hưởng, để dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp hơn. Nói thế không phải phủ nhận những giá trị vật chất đem lại cho đời tu. Thật thế, có rất nhiều phương tiện hữu ích trong xã hội hiện đại đang phục vụ cho sứ mạng của người tu sĩ. Vấn đề đặt ra là, tu sĩ hội nhập với xã hội hay là bị hoà tan trong xã hội – một xã hội hưởng thụ và tục hoá?
Thực tế người tu sĩ đang phải đối diện với những thách đố của khuynh hướng hưởng thụ. Đây cũng là một vật cản không nhỏ giăng bẫy đời sống tâm linh của người tu sĩ, cuốn họ vào vòng xoáy của sự ham muốn trần gian, bản chất đời tu bị nhuốm màu phàm tục. Tu sĩ dần đẩy mình vào trong sự biến đổi không ngừng theo nhu cầu thời đại mới.
2.1. Nhất dáng nhì da
Quan niệm dân gian nhận định “cái nết đánh chết cái đẹp”. Thiết nghĩ lý tưởng này còn phù hợp với đời sống con người hôm nay không, khi mà con người ta đang lao mình vào vòng xoáy đề cao chủ nghĩa hưởng thụ và tự do, ưu tiên cho việc trau dồi sắc đẹp. Liệu người tu sĩ có dự phần vào sự tha hóa này chăng?
Hình ảnh của người tu sĩ nên phong phú trong trang phục khi ánh sáng của công đồng Vaticano II mang tới. Tu sĩ không chỉ chăm chăm chú chú qua một bộ tu phục như ngày xưa, nhưng thêm vào đó là những phục trang phù hợp với công việc sinh hoạt hằng ngày mà vẫn không làm giảm đi nét duyên dáng và trong sáng sẵn có nơi người tu sĩ.
Nhiều người không thể phủ nhận vẻ đẹp thánh thiện tỏa lan từ tấm áo dòng họ khoác trên mình. Đó là dấu chỉ của sự khó nghèo thiêng liêng sâu thẳm. Nhưng thật đáng tiếc khi chiếc áo dòng dần trở nên vật “thế thân” và giảm thiểu giá trị thánh hiến cao đẹp.
Một chị cao niên chia sẻ: “các em thật đẹp khi mang chiếc áo dòng, nhưng hình như các em đang tự hào mình là người tu sĩ nhờ chiếc áo dòng đó hơn là ơn Chúa. Các em thật kiêu hãnh khi bước đi, nó đẹp đấy nhưng coi chừng mình kiêu ngạo em ạ”.
Người tu sĩ giờ đây thật dễ dàng để có được một bộ tu phục mới, không chỉ có đủ để thay đổi lúc cần thiết, mà còn có số dư thêm để làm cho hình ảnh của mình luôn đẹp trong con mắt người đời. Tất nhiên số áo dư này phải có những tiệm may tiềm năng khác mà không thể đến từ một nhà may “độc nhất” trong Hội dòng.
Nhìn chung, các Designer thành thị không khó lòng khi dễ dàng thiết kế bộ tu phục mà chỉ cần lướt qua sản phẩm có sẵn, nhưng một thực tế không thể không phủ nhận là nét “thiện” đã giảm đi một nửa. Người tu sĩ trở nên duyên dáng hơn, chiếc eo xinh đẹp lộ ra cách kiêu hãnh, nhưng đó phải chăng là một thất bại.
Phục trang thường ngày cho việc mục vụ, giáo dục hay học tập cũng không tránh khỏi sự biến hóa. Nhà may quen thuộc được thay thế bởi các shop quần áo hộp, các khu chợ công cộng… nhiều màu sắc, kiểu dáng mới lạ. Người ta sở hữu chúng cách nhanh chóng mà không mất quá nhiều thời gian.
Sự tiện lợi này cũng không kém phần “cách tân hóa” hình ảnh của tu sĩ. Sự thoải mái cho công việc thay thế cho nét thẹn thùng trong những bộ đồ ôm sát cơ thể, khoe đường cong quyến rũ, một số dành quá nhiều thời gian cho việc phối đồ.
Một thực tế nữa cho thấy, người tu có xu hướng mê làm đẹp, nhất là trau chuốt cho làn da của mình. Khái niệm làn da bánh mật là thứ quan niệm lỗi thời. Hình bóng người tu sĩ chuyên cần và lam lũ trong việc phục vụ chỉ còn là một chút quá khứ của đời tu, họ trở nên e ngại khi xuất hiện với bộ mặt thiếu nhan sắc.
Điều này thịnh hành và thường xuyên đến nỗi vào những dịp trọng đại trong đời tu, nhiều người tìm đủ mọi cách thế để “tút” lại vẻ đẹp trai xinh gái của mình cốt để cho thấy tính quan trọng của ngày lễ “dành riêng cho Chúa”, nhưng tiềm ẩn bên trong là mong đợi sự khen ngợi từ người khác.
2.2. Chơi hàng mốt xịn tốt, đội lốt người chân tu
Theo khảo sát trực tuyến của hãng nghiên cứu Niesel, Việt Nam chiếm 56%, đứng thứ ba trong tổng số các quốc gia trên thế giới dùng hàng hiệu. Câu hỏi được đặt ra là: trong số đó có sự góp mặt của tu sĩ hay không?
Một vị Giám Mục chia sẻ trong bài huấn từ: Thời đại hôm nay, muốn tìm đường hỏi bác Google, nhưng nếu tìm shop hàng hiệu thì hỏi tu sĩ. Ngài nhấn mạnh “coi chừng tu sĩ chúng ta đang làm cớ hơn là làm chứng.”
Tôi nghĩ ngay đến thời gian thực tập sứ vụ ở vùng quê nghèo, nơi có nhiều người đồng bằng sinh sống. Một dấu ấn tiêu cực trong tâm trí tôi về vị linh mục trẻ chỉnh chu và bóng bẩy trong trang phục, không quên khoe chiếc đồng hồ 2000$ cho giáo dân chiêm ngưỡng. Và điều gì đã xảy ra? Ngài thất bại khi tự đưa mình vào thế cô lập, con chiên nghĩ mình không tương xứng với đẳng cấp của vị cha chung.
Càng ngày càng có xu hướng gia tăng số tu sĩ đua đòi các loại “mốt xịn xò” thịnh hành. Nói đâu xa nơi các linh mục tôi quen biết, việc thay đổi xe ô tô đời mới là chuyện không quá khó khăn. Nhiều linh mục trẻ, ngày lễ mở tay cũng là ngày khai trương “xơn lé.”
Trong dịp tham dự lễ khấn của các thầy quê hương, cha quản xứ ngỏ lời mời mọi người hiện diện cùng dùng bữa. Chưa hết ngạc nhiên vì khoản tiền khủng của bữa ăn “hoàng gia,” tôi đã phải ngỡ ngàng khi ngài dẫn tới một Shop hàng cao cấp nhất nhì Việt nam và sắm cho mình đôi giày với giá 5 triệu đồng, số đi theo xuýt xoa khen ngợi nó. Lòng tôi bỗng cảm thấy ái ngại khi cách đây 6 tháng, Liên tu sĩ có gửi tặng cha một đôi giày trong dịp kỉ niệm 10 năm linh mục với giá chỉ bằng một phần chín đôi giày mới. Liệu đôi giày rẻ tiền ấy có được ngài đón nhận chăng?
Không chỉ cáo các hàng quần áo thôi, mà các mốt “điện thoại” mới cũng được giới tu săn đón. Con số cho thấy nhiều tu sĩ nỗ lực để được sở hữu chiếc điện thoại thông minh và cảm thấy hãnh diện nếu “con” mình đẳng cấp hơn người khác.
2.3. Không đẹp không lấy tiền
Khi bàn về chủ đề phục trang thì không thể bỏ qua các phụ kiện, chúng khiến người ta thêm phần xinh đẹp và tạo dấu ấn khó phai, thứ này đối với người đi tu cũng không phải là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, một sự thật là chúng vô tình trở thành vật bất khả phân ly và là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.
Những chiếc đồng hồ hàng hiệu, sang trọng, quý phái thế chỗ cho những chiếc Casio cổ điển, lỗi thời, nhu cầu xem giờ chỉ còn là chức năng “cưỡi ngựa xem hoa.”
Nhiều tu sĩ tự tin khi mang vào mình chiếc vòng cổ xinh xắn như một vật bảo hộ, được trau chuốt bởi các chất kim loại cao cấp: bạc nâng cấp lên vàng trắng, rồi giá trị hơn là bạch kim. Nội quy Dòng có ghi: “chị em không nên sở hữu những trang sức có giá trị (td: vàng trắng, bạch kim…). Nhưng chính cái “không nên” đó lại nên lý lẽ giả tạo cho nhiều tu sĩ.
Nhắc tới phụ kiện thì không thể không kể đến “nhẫn,” nhất là với các nữ tu. Nhiều người mất cảm tình với những tu sĩ đeo nhẫn vàng hay vật có giá trị hơn đó, họ có cảm phục với hình tượng người nữ tu mang nhẫn trong ngày khấn trọn. Chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu hoàn toàn thuộc về Đức Kitô. Vậy mà đời tu nhiều khi biến nó thành một thứ phụ kiện thời trang có thể thay thế bằng thứ kim loại khác đắt tiền hơn, có giá hơn miễn vẫn đủ dẫn chứng mình là “người có chủ”. Cái giá trị “nhỏ” mà chiếc nhẫn Hội dòng cung cấp chỉ là vấn đề phải nhận, còn việc nâng cấp là chuyện của tương lai.
Tất cả những gì là “ruột thừa” này, có thực sự cần thiết đến thế không?
2.4. Tôi đẹp tôi có quyền
Không mất một khoản tiền hay chạy vòng ngoài nào, người tu sĩ vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong xã hội, nhất là giới giáo dân. Trong hầu hết các dịp lễ lớn, các cuộc hội họp mang phạm vi rộng, đặc biệt trong các thánh lễ, người tu sĩ vẫn luôn có một chỗ ngồi ưu tiên và bất khả xâm phạm. Sự trân trọng đó nhiều khi được thêm vào bởi những từ đệm có giá “trọng kính, kính thưa.”
Dịp tết vừa qua trong giáo xứ tôi là minh họa rõ nhất. Tu sĩ được dành riêng dãy ghế hai bên gian cung thánh, “người thường” không ai chen vào được. Một thực tế cho thấy, tu sĩ trở thành những người gây gương xấu khi tình trạng “đi trễ về sớm”. Đi trễ vì an tâm chỗ ngồi, về sớm vì chẳng ai chen lấn mình, nhiều người bỏ luôn các giờ đọc kinh chung cùng giáo dân đầu lễ, miễn vào kịp giờ lễ là ổn thỏa.
Sự ưu ái hiếm có này nhiều lúc làm cho người tu trở nên kiêu ngạo. Họ tự hào trong thân phận được nâng lên “hàng khanh tướng” và vô tình tự cho mình hơn giáo dân. Chính điều này làm cho nhiều tu sĩ cảm thấy hãnh diện khi được chào đón, quan tâm, khen ngợi và phản ứng trái ngược khi bị phớt lờ hay tên mình không được nhắc tới. Vị trí này có phải là đích đến mà tu sĩ đang cần tới?
3. Thách đố – cơ may hay hiểm họa?
Thế giới hôm nay đang vươn lên một tầm cao mới, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ vượt bậc, đời sống con người được cải thiện và nâng cao. Nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho từng cá nhân trong xã hội. Những xu hướng sống không lành mạnh, chạy theo lợi lộc vật chất, trào lưu hưởng thụ, đề cao chủ nghĩa cá nhân. Không phải là tất cả nhưng không thể tránh khỏi những cám dỗ nhãn tiền mà nền văn minh hiện đại mang tới, nó tác động mạnh mẽ trên từng người, trong đó có những người tu sĩ nói chung, cách riêng là những tu sĩ trẻ đang đối diện với những ảnh hưởng tiêu cực này.
3.1. Góc khuất của thách đố
Đời sống Thánh hiến như là một cuộc nhập thế giữa lòng đời. Tu sĩ là những con người không thuộc về thế gian, nhưng sống trong thế gian và chịu ảnh hưởng của thế gian. Thế gian ở đây là cộng đồng nhân loại, là tất cả những gì đang diễn ra trong thế giới hôm nay – một thế giới đang chứng kiến những đổi thay đến chóng mặt trên tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội. Những thay đổi ấy đang từng ngày từng giờ tác động một cách mạnh mẽ vào đời sống tu trì. Nó mang đến cho đời thánh hiến một làn gió mới, nhưng đồng thời cũng là thứ vi-rút xâm nhập đối với những ai đang dấn thân cho lý tưởng tu trì.
3.1.1. Vi-rút Ràng buộc
Hiến chế Tín Lý (LG) ghi nhận: “Gia đình như là Hội Thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, cha mẹ phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới ơn thánh.”[3] Gia đình giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nhờ gương sáng và đời sống đạo đức của những bậc cha mẹ mà hình thành nhân cách tu sĩ ngay từ khi còn trong gia đình. Thế nhưng, đôi khi người tu sĩ cũng chịu ảnh hưởng bởi những mối quan hệ thân tình với gia đình quá mức, hoặc chính nơi gia đình, những bậc phụ huynh lại trở thành rào cản cho sự dấn thân tuyệt đối của con mình cho Chúa và sứ mệnh phục vụ tha nhân.
Nhiều phụ huynh ngăn cản con cái trên con đường nên thánh khi họ trở nên lo lắng một cách quá đáng. Tâm lý sợ con mình khổ, thiếu thốn làm cho họ tìm đủ mọi cách để gửi quà riêng, biếu quà chung và nhiều cách thức khác. Nhưng thực tế đời sống nâng cao thời đại này khiến nhiều tu sĩ khó lòng từ chối sự quan tâm đó. Nhu cầu dần như ngày càng cao hơn, điều kiện cộng đoàn không thể đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu cấp tiến, họ cũng nuông chiều theo ý muốn của gia đình, dù vô tình hay cố ý họ cũng đã biến mình thành người lệ thuộc vào người thân, vào sự an tâm dối trá mà gia đình sẽ bảo đảm.
3.1.2. Vi-rút Yêu nửa vời
Yêu nửa vời rất dễ đến với người tu sĩ trẻ hôm nay, bởi lẽ những khó khăn và thử thách luôn tràn lan trong xã hội này và đến từ mọi khía cạnh cuộc đời. Người tu dễ dàng bị đời sống vật chất và tinh thần thế tục xâm chiếm cũng chỉ vì tình trạng yêu nửa vời.
Khái niệm yêu này nhìn bề ngoài rất khó nhận ra, nhưng một sự thật là những cái đổi mới về đời sống, nhân cách, nhu cầu nơi người tu sĩ là dấu chỉ của thái độ nửa vời này. Chính sự nửa vời làm cho người tu sĩ vẫn ở trong trạng thái “đứng núi này trông núi nọ”, điều này đưa tới nhiều hệ quả đi kèm: những mối tương quan mập mờ thiếu trong sáng, nhận trợ giúp phi luật lệ, sở thích cá tính, tình trạng “chán cơm thèm phở”, và thấy vô ích qua những giờ chung cộng đoàn…đặc biệt là lỗ hổng lớn trong đời sống cầu nguyện. Việc cầu nguyện hầu như bị quên lãng, viếng Thánh Thể bị giản lược vì bận tiếp khách, đi thăm người thân, bạn bè, hay khó lòng hy sinh nổi trò vui hấp dẫn đang diễn ra. Các lời khuyên Tin mừng cũng kém phần coi trọng, trở nên một thứ luật lệ xa vời.
Một hệ quả khác tương tự đến từ tình yêu nửa vời là khi người tu sĩ quá lệ thuộc, không kiểm soát được việc sử dụng phương tiện truyền thông và công cụ hiện đại khác. Điện thoại di động đang thay thế cho sách các Giờ kinh Phụng vụ, đối với một số người điện thoại quan trọng đến nỗi họ không thể xa rời ngay cả lúc cư hành Thánh lễ. Chuỗi Mân Côi nguội dần. Đời sống tâm linh không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Việc tự chủ, từ bỏ và tinh thần hy sinh không còn là chỗ đứng trong đời sống của nhiều tu sĩ.
Có vẻ như tu sĩ đang bị rắc rối từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài!
3.1.3. Vi-rút sợ
Một sai lầm lớn của con người là sống trên cái nhìn của người đời, tu sĩ cũng không là đối tượng ngoại lệ. Họ quan tâm nhiều đến ý kiến, cách đánh giá của người khá, và vô tình lệ thuộc nó.
Trong thực tế, có không ít người sống đời tu nhưng đã bị cuốn vào cơn lốc của lối sống thực dụng. Họ chạy theo thời đại với những toan tính thiên về vật chất. Họ cũng cố gắng tìm cho mình những gì người khác có. Về bằng cấp, họ cũng tìm kiếm như mọi người, nhưng không phải để phục vụ mà là để tiến thân. Về vật chất, nhiều vật dụng không cần thiết hoặc chưa cần thiết cho cuộc sống thì họ cũng cố gắng phải có để bằng anh, bằng chị, bằng em. Khi cộng đoàn không đủ điều kiện đáp ứng, họ cố gắng chạy chọt, xin xỏ để đạt được những gì mình muốn. Có nhiều người đưa ra những lý luận rất hay để biện minh cho những hành động tục hóa của mình.
3.2. Góc sáng sự hòa tan
Tu sĩ là những người mang nơi mình một lý tưởng cao đẹp trong đời sống dâng hiến. Họ phải sống thế nào trước một xã hội chứa quá nhiều thứ vi-rút độc hại? Có lẽ, người tu sĩ cần hội nhập để cùng đồng hành và chia sẻ với con người, giúp họ và giúp mình tìm được giá trị đích thực trong cuộc sống. Tu sĩ hội nhập để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của kiếp người. Họ hoà đồng mà không bị hoà tan trong vũng bùn của cuộc đời nhiều cạm bẫy. Họ có thể đến với những bóng đêm của cuộc đời để kéo con người trong đó ra ánh sáng, nhưng họ không ở luôn trong bóng đêm ấy. Người tu sĩ có thể đến với những người yếu đuối để nâng họ đứng lên, chứ không bị những yếu đuối ấy nhận chìm…
Thiết nghĩ, người chọn đời tu vẫn đang sống trong xã hội này, không thể tách rời. Vì thế, họ cần tận dụng những thuận lợi mà xã hội đem lại để phục vụ cho sứ mạng của mình. Đồng thời, họ cần phát huy hơn nữa những giá trị tích cực mà cơ chế thị trường, xã hội thực dụng, công nghệ khoa học đem lại để phần nào làm hạn chế những điều tiêu cực do chính cơ chế ấy gây ra. Hoà nhập được như thế thì thực trạng xã hội sẽ không còn là một thách đố với người tu sĩ nữa, mà trở thành một phương tiện hữu dụng để họ rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho con người hôm nay.
Điều quan trọng đòi hỏi mỗi người tu sĩ là phải huấn luyện chính mình để trở thành những tu sĩ trưởng thành, đặc biệt đời sống nội tâm. Luật sống chính là “khuôn vàng thước ngọc” để bước đi vững vàng trong Ơn gọi. Người tu sĩ cần nỗ lực rèn luyện bản thân, can đảm và sáng suốt chọn lựa xem cái gì quan trọng và cần thiết nhất trong cuộc đời. Nếu không, một lúc nào đó, cuộc đời sẽ quay lại để xô đẩy và vùi lấp chúng ta.
Và trên hành trình theo Chúa, tu sĩ cần ghi nhớ cẩm nang đời tu của mình với bộ tứ phương thế đồng bộ “đời sống cầu nguyên, Ba lời khấn, cộng đoàn và sứ vụ”. Tuân giữ Ba lời khuyên Phúc âm không thể tách rời đời sống cầu nguyện, việc cầu nguyện sẽ vô ích nếu biệt lập với sứ vụ truyền giáo. Và những điều đó phải được xây dựng và củng cố nhờ cộng đoàn chung sống. Hơn ai hết, tu sĩ nên thấm nhuần lời nhắn gửi của Đức Gioan Phaolo II “các con hãy sống trọn cuộc đời hiến dâng cho Thiên Chúa, để cho thế giới này đừng mất đi một tia sáng chiếu lên vẻ đẹp của Thiên Chúa trên con đường đời của nhân loại” và “hãy trung thành với điều đã cam kết”[4].
Để làm được điều đó, mỗi người hãy luôn biết cộng tác với ơn Chúa, gắn bó với Ngài trong cầu nguyện và chiêm niệm. Nhờ đó, dẫu xã hội có xoay chuyển, con người thay trắng đổi đen, người dâng hiến vẫn đứng vững trong ơn Chúa.
4. Nâng cánh tương lai
Con người thời nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng do tác động của nhiều biến thể vi-rút khác nhau của thời đại, và một lý do khác là thói hời hợt bên ngoài. Họ không thể đi sâu vào chính nội tâm chính mình, nên cũng rất khó để đi sâu vào câu chuyện cuộc đời của người khác. Do đó giữa làn sóng vôi vã và tấp nập của cuộc sống, họ trở nên những cá nhân thực dụng, chỉ sống cho mình mà an vui kiến tạo hạnh phúc trong sự hưởng thụ và tự do.
4.1. Bào chế Vắc xin
Có người nói “cuộc đời này là của bạn, vì thế đừng cầm bản đồ của người khác để dò đường đi của mình”. Câu nói thực tế có phần đúng. Xã hội thay đổi, con người cũng đổi thay nhưng không phải vì thế mà cá nhân từng người bắt buộc phải chuyển dịch hướng đi của mình cách lệch lạc.
Mỗi người có một sứ mạng riêng cho mình, nhưng sứ mạng đó lại có vô vàn cách sống. Nhiều người chọn cho mình cách vui vẻ đứng ngoài mọi chuyện, có người lại chọn sự dấn thân, kẻ khác lại sẵn sàng mạo hiểm vì đam mê làm đẹp, bị cuốn vào sự tiến thân, khẳng định cái tôi của mình.
Nhưng kết quả cuối cùng chỉ có một, sống vì và sống cho tha nhân mới là cách sống tốt nhất, đạt tới yêu sách tuyệt đối. Con người chỉ được sống một lần trên cuộc đời trần thế, vậy còn phải đợi đến bao giờ mới sẵn sàng làm cho cuộc sống này có ý nghĩa. Và tầng ý nghĩa tuyệt đối chỉ được đặt nơi cứu cánh đời mình là Thiên Chúa. Vì nếu chỉ sống vì quyền lực, cạnh tranh, con người sẽ đấu đá lẫn nhau và làm cho nhân loại nên kinh khủng và tàn ác. Nếu chọn lối hưởng thụ cuộc sống xa hoa thời đại thì tồn tại nơi con người chỉ là những cuộc chơi vất vưởng. Cuối cùng tất cả đều là mầm vi-rút, chỉ còn lại vắc xin miễn dịch là sống với ai? Bằng cách nào để ta sống với cách trọn vẹn nhất?
Vắc xin ấy phát huy tác dụng nhờ các thành phần tạo nên nó là muối quan tâm và kháng sinh yêu thương. Muối quan tâm không mặn sự vênh vang, không đắng tính kiêu ngạo, nhưng bão hòa trong sự trao ban sự sống. Kháng sinh yêu thương sẽ luôn phát huy tối đa vai trò miễn dịch.
Nhờ các thành phần này, con người có khả năng vượt qua cái mình có để đi đến với từng người, từng ngôi vị. Khi sống biết quan tâm, xã hội sẽ bớt đi những người đau khổ, dễ dàng nghe thấy em bé tật nguyền đang nhờ một cánh tay giúp em đứng lên, hay khi bạn gấp một tờ tiền cách cẩn thận rồi trao cho bà cụ ăn xin bên đường, sẽ không còn tình trạng người hàng xóm gần nhà chết mấy ngày mà chẳng ai thèm để ý.
Tình thương và sự quan tâm sẽ chẳng thể chết đi cho dù con người ta có thể bị rơi vào nghịch cảnh éo le hay chịu tác động bất lợi của sự biến động xã hội. Tình người và sự quan tâm không lệ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, cuộc sống hay môi trường mà lại lệ thuộc vào chính mỗi chúng ta. Khi đó, với một trái tim tràn ngập yêu thương thì cuộc sống không bao giờ trở thành một gánh nặng.
Vắc xin chứa muối quan tâm và kháng sinh yêu thương phải được đặt để trong môi trường dũng cảm. Đứng trước nền văn minh của nhân loại, con người được mời gọi sống hòa nhập nhưng không để hòa tan, hòa nhập chính là biểu hiện của quy luật phụ thuộc lẫn nhau để cùng vươn tới hạnh phúc, nghĩa là biết cách dùng thời cuộc để xây dựng và phát triển nhân cách bằng tình yêu thương con người. Điều này đòi hỏi sự can đảm dám ra khỏi mình để sống cho người khác. Ra khỏi mình chấp nhận sự mạo hiểm, và ra khỏi mình để đến với tha nhân cũng đòi buộc để lại đằng sau những thành kiến, nhưng thành quả mà con người nhận lại đó là hạnh phúc đích thực từ tình yêu Thiên Chúa.
4.2. Nối kết những vòng tay
Một nhà khuyết danh đã nói “Người hạnh phúc nhất là người mang đến hạnh phúc cho nhiều người khác.
Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành luôn được ở trong những vòng tay. Khi sinh ra, ta được đặt trong vòng tay của người mẹ. Rồi lớn lên trong vòng tay của những người thân. Lại tiếp tục trưởng thành trong vòng tay của những người thầy và bè bạn. Và trong suốt cuộc đời, ta hạnh phúc được ở trong vòng tay của Thiên Chúa.
Chúng ta được kêu mời trở nên những vòng tay cho người khác, có một lời ca rất hay được viết “nối mãi nối mãi vòng tay Giêsu, nối mãi nối mãi vòng tay Giáo hội, nối mãi nối mãi vòng tay chúng mình, nối mãi nối mãi vòng tay yêu thương”. Khởi đi từ vòng tay của Chúa, bao bọc trong vòng tay của Mẹ Giáo Hội, được nối kết bởi vòng tay của hết mọi người, là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ và hết thảy anh chị em đồng loại. Kết quả của những vòng tay ấy là sự lan tỏa hương thơm tình yêu thương.
Phạm vi của việc nối kết này không thể bị giới hạn bởi không gian và thời gian, và trên hết là loại trừ “chủ nghĩa tương đối”.
Khi nghiên cứu thói quen kỳ lạ của loài bọ chét, người ta để nó trong một chiếc hộp có nắp, bọ chét nhảy liên tục lên phía nắp hộp. Ban đầu, con bọ nhảy chạm vào nắp hộp, nhưng dần dần chúng sẽ không nhảy cao nữa, để tránh chạm vào nắp. Đơn giản là do đập đầu vào nắp thì khá đau nên chúng tự động nhảy thấp hơn. Đến lúc nắp được nhấc ra, bọ chét vẫn tiếp tục nhảy nhưng không thể ra ngoài. Vì chúng đã tự đặt cho mình giới hạn chỉ nhảy cao đến mức đó mà thôi.
Câu chuyện con bọ chét cũng là bài học cho con người. Nhiều khi chúng ta đang tự giới hạn mình trong sự an toàn, không đột phá. Sống vừa phải, tu cũng vừa phải, chủ nghĩa tương đối đang làm cản trở khả năng sống yêu thương trong thế giới này.
Chúng ta quên mất rằng, khi tự giới hạn năng lực bản thân, chúng ta sẽ không đạt tới mức mà lẽ ra chúng ta có thể đạt đến.
4.3. Tôi là một tu sĩ
Là một nữ tu được trải nghiệm và sống linh đạo “truyền giáo cho lương dân”, tôi trân trọng mọi tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tiện nghi đời sống mang lại cho sứ mạng của Hội dòng trong đó có phần tham dự của cá nhân tôi. Thêm một lần nữa tôi được mời gọi “xuất phát lại từ Đức Kitô” để đi đến với tha nhân bằng tình yêu như tôi được Chúa yêu khi trở nên những vắc xin hữu hiệu. Biết nhìn lên Đức Kitô Nghèo Khó để không ham mê danh vọng trần thế, biết theo bước một Đức Kitô Khiết Tịnh mà xa lánh tục hóa thế gian, và biết say mê một Đức Kitô Vâng phục để mọi sự được thực thi trong thánh ý Chúa.
Người tu sĩ phải là người cảm nếm sâu xa tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa dành cho mỗi người, bởi mỗi người không phải là thiên thần hay thụ tạo khác khi được dựng nên và cho hiện hữu trên cõi đời này mà là những con người bình thường, tầm thường, chỉ khác một điều “Tu sĩ là người khám phá, cảm nhận tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho riêng mình” vì “chỉ những ai Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được mà thôi” (Mt 19,11).
5. Tạm kết
Cuộc sống với những điều mới lạ đang mời gọi con người đổi mới từng ngày, dù có rất nhiều sự biến chuyển về cả con người và thời đại nhưng chất cốt còn lại vẫn là tình người.
Dẫu biết rằng trong thế giới hôm nay có nhiều thứ vi rút làm cho con người trở nên xa lạ với nhau, và chỉ xoay hướng vào chính bản thân mình. Vẫn còn đó những cuộc đua về sắc đẹp, vẫn tồn tại nhiều sự trưng diện về tài năng, bằng cấp, và càng không thể thiếu những sự so tài về đẳng cấp, quyền lực. Những cám dỗ này không loại trừ những con người thánh hiến tưởng chừng như “cấm phòng” giữa một thế giới xô bồ. Chính trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mà họ được thúc đẩy hội nhập với nền văn minh tân tiến, đó là cơ hội nhưng cũng là thách đố muôn thuở cho người dâng hiến.
Khi xã hội không thể đổi thay thì chính mỗi người chúng ta phải là người bước vào con đường thay đổi. Khi không thể tiêu diệt hoàn toàn vi rút khỏi cuộc sống con người thì chỉ còn một cách là chúng ta cùng nhau chế tạo nguồn vắc xin để ngăn cản sự sinh sản của nó. Biết dùng những vắc xin thuận lợi mà nền kinh tế thị trưởng mang lại để phục vụ sứ mạng làm vinh danh Thiên Chúa. Triệt tiêu những vi rút thờ ơ, vô cảm, chỉ biết đến bản thân bằng cách tạo ra các kháng nguyên của sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ.
“Không ai là một hòn đảo”, chúng ta cùng sống chung trong một thế giới, và cùng hướng về cứu cánh là Thiên Chúa duy nhất. Vì vậy, trong cuộc sống này chúng ta cần đến những vòng tay của nhau để cùng xây dựng một xã hội đầy yêu thương, sự quan tâm, sống cho và sống với mọi người, cùng đẩy tan “chủ nghĩa mắc kê nô” do những vi rút của chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối tạo nên.
Hơn ai hết, những người sống đời thánh hiến được kêu gọi can đảm đi ngược với những xu thế của thời đại, dám từ bỏ, sẵn sàng “ra đi- đến với- sống cùng” mọi người ở mọi nơi. Có như vậy người tu sĩ chúng ta mới mong trở thành nắm men hòa vào thúng bột thế gian và làm cho thế gian được dậy men Tin Mừng.
Học viện Bêtania FMV
[1] Vatican II, Sắc lệnh thích nghi dòng tu, số 5.
[2] Gioan Phaolo II, Tông huấn đời sống thánh hiến (VC), số 1.
[3] Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh (LG), số 11
[4] Gioan Phaolo II, Tông huấn đời sống Thánh hiến (VC), số 109.