Đức tin là một món quà Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người. Mỗi người chúng ta đều có những nhu cầu khác nhau và tìm thấy những con đường khác nhau để đến với đức tin. Có người nhận được đức tin từ lúc nhỏ qua ông bà cha mẹ, nhưng cũng có không ít người có được đức tin qua những biến cố lớn trong cuộc sống, những mất mát, những đau khổ thử thách. Dưới cái nhìn mầu nhiệm của đức tin mọi thử thách và đau khổ đều có ý nghĩa nhiệm mầu của nó. Thử thách sẽ trở thành kinh nghiệm thật sự có giá trị khi ta vượt qua với một niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và quan phòng mọi sự cho ta.
Trong Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy nói đến hai dạng thử thách. Dạng thứ nhất, thử thách là việc Thiên Chúa cho phép xảy ra những đau khổ và những trái ý trong cuộc đời để giáo dục và giúp con người trưởng thành trong đức tin. Dạng thứ hai, thử thách là việc con người vì không tin tưởng và kính sợ Thiên Chúa, nên đòi hỏi Thiên Chúa phải chứng minh sự hiện diện và quyền năng của Ngài.[1] Đức tin là ơn Thiên Chúa ban để con người tự do gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa. Tin là tự do để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình và vui vẻ phó thác mọi sự cho kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa dù đó là điều như thế nào. Đối diện trước nghịch cảnh với thái độ bình tâm và bình an là điều ai cũng muốn, nhưng đó lại là điều không hề dễ dàng khi chúng ta đứng trước thân phận con người với sự mỏng giòn và yếu đuối. Nhưng với niềm tin tưởng và xác tín vào tình yêu Thiên Chúa ta sẽ vượt qua mọi sự.
Chúng ta tin theo Chúa không phải là niềm tin áp đặt nhưng hoàn toàn tự do và đến một tuổi “trưởng thành” nào đó chúng ta có thể hoàn toàn tự do để thể hiện đức tin của mình; chính lúc đó Thiên Chúa muốn chúng ta cho Ngài biết chúng ta tin Ngài như thế nào ngang qua những biến cố trong cuộc sống. Và mỗi biến cố xảy ra là cơ hội để ta xét lại đức tin của mình đang ở mức độ nào. “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1 Pr 1,7). Trong Cựu Ước ta có thể thấy rất nhiều chứng từ về đức tin, nơi Ápraham một con người hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa. “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Nhưng để có được đức tin đó không phải là điều dễ dàng, ông đã phải trải qua không ít thử thách, phải đánh đổi cả cuộc đời và dòng dõi của chính mình. Nhưng cũng chính khi trải qua những thử thách đó mà ông được gọi là cha của những kẻ tin.
Một hình ảnh cũng nổi bậc trong Cựu Ước nhưng lại rất gần với cuộc sống nhân sinh của chúng ta hôm nay. Đặc biệt là trong thời đại hôm nay khi con người đang sống trong chiến tranh, dịch bệnh và nhiều nỗi bất an trong cuộc sống, nhiều gia đình mất đi người thân, con người phải đối diện với biết bao nghịch cảnh, nhiều người thất nghiệp, nghèo đói và nhiều vấn đề xã hội làm cho con người mất đi niềm tin. Đứng trước những đau khổ thử thách có người tự hỏi: “Thiên Chúa ở đâu ?” và “Vì sao những người công chính tốt lành lại gặp nhiều thử thách, đau khổ ?” Nhân vật Gióp sẽ phần nào cho chúng ta về những thực trạng đó của con người và bài học về thái độ phải có trước những đau khổ thử thách.
Gióp một con người đạo hạnh, giàu sang nhưng Thiên Chúa đã cho phép Satan thử thách đức tin và lòng trung thành của ông đối với Thiên Chúa. Gióp bị mất hết cơ nghiệp, con cái và bản thân lại mắc phải chứng ung nhọt. Thoáng chốc, từ một con người có cuộc sống đầy đủ, phong lưu, Gióp đã bị đặt vào một thực tại với những đau khổ, bất hạnh tột cùng. Tuy nhiên, đây cũng là khởi điểm cho hành trình đức tin của Gióp. Bao nhiêu bất hạnh xảy đến cho Gióp là dịp để thử thách niềm tin, lòng trung thành của ông đối với Thiên Chúa. Đứng trước những mất mát và đau khổ bất ngờ ập xuống trên gia đình và bản thân, lúc đầu Gióp chấp nhận tất cả những gì đã xảy đến. Ông không dám tranh luận, tố cáo hay nguyền rủa Thiên Chúa nhưng trái lại ông nói: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Đức Chúa” (G 1, 21b). Gióp không mất niềm tin vào Chúa và đặc biệt “không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” (G 2, 10c).
Thái độ của Gióp trước những đau khổ, thử thách giúp ta nghiệm suy về hành trình dấn bước theo Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay. Kinh nghiệm đức tin của Gióp để lại cho chúng ta những bài học quý và trên hết là kinh nghiệm sống tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta đến với thế giới này để sống kiếp con người và đã là con người thì ta luôn mang trong mình sự mỏng giòn yếu đuối. Vì thế, thử thách đau khổ là điều không thể nào tránh khỏi, thay vì tìm cách chạy trốn, đổ lỗi hay thoái thác chúng ta hãy tập đối diện với mọi sự với thái độ tích cực và với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đấng luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta trong mọi sự.
Trong Tân Ước ta lại tìm thấy một con người thể hiện cách trọn hảo về sự vâng phục của đức tin đó chính là Đức Maria. Trong suốt cuộc đời của Đức Maria, và cho đến đỉnh cao của sự thử thách là khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu Con Mẹ chết trên Thập Giá, dưới chân Thập Giá đức tin của Mẹ đã không hề lay chuyển. Hình ảnh của Đức Maria khi Mẹ ẵm Người Con yêu quý của mình trên tay nói lên tất cả sự vâng phục của Mẹ với Thiên Chúa, từ khuôn mặt, ánh mắt. Mẹ đã nói lên được sự vâng phục tuyệt đối của Mẹ. Đức Maria không ngừng tin rằng lời Chúa sẽ “được thực hiện”. Vì vậy, Hội Thánh tôn kính Đức Maria là người đã thể hiện đức tin một cách tinh tuyền nhất.
Thiên Chúa- Đấng luôn làm cho mọi sự sinh lợi ích cho những ai yêu mến. Điều quan trọng là ta có nhận ra Chúa qua những dấu chỉ xảy đến trong đời ta hay không? Qua thử thách, đau khổ chúng ta có nhận ra Thiên Chúa và đức tin của bản thân có mạnh mẽ và xác tín hơn không? Hôm nay, Thiên Chúa cũng đang hiện hữu giữa chúng ta và nói với ta qua chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô và qua mỗi biến cố buồn vui, sướng khổ, vinh nhục của đời ta. Kinh nghiệm về đức tin mách bảo ta hãy kiếm tìm Chúa và đọc ra thánh ý Người qua mọi biến cố ấy trong cuộc sống. Cũng như cuộc sống thể xác nếu thiếu hơi thở thì sẽ chết, cuộc sống tinh thần cũng vậy, nếu thiếu đức tin thì sẽ trở nên nghèo nàn, èo ọt, khô cằn và thiếu sức sống. Những giá trị cao quý mà đức tin mang lại cho con người thì vô giá, không thể lấy tiền bạc, của cải đời này để so sánh hay đổi chác được. Đức tin mang lại sự bình an và niềm hoan lạc nội tâm và sức mạnh tinh thần đích thực. Những người từng trải họ có được kinh nghiệm đó khi nói rằng: “Những lúc thử thách đau khổ tột cùng xảy đến nếu không có đức tin, thì tôi đã không thể đứng vững và tồn tại cho đến ngày hôm nay”.
Tài liệu tham khảo
- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
- Sách Từ Điển Công Giáo
- Hành trình đức tin của ông Gióp, J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
Học viện Bêtania FMV
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ điển Công Giáo, Nhà xuất bản tôn giáo, 2011.