Năm thánh thường lệ 2025 đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Sắc chỉ với tựa đề “Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Với 25 số, Đức Thánh Cha đưa ra các lời kêu gọi, các đề xuất, và những ước mơ của ngài cho Năm Thánh này. Ngay trong buổi cử hành Phụng vụ Kinh Chiều II lễ Chúa Thăng Thiên, ngày thứ Năm 09/05/2024, đến ngày 24 tháng 12 năm 2024, Năm thánh đã được khai mạc với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican. Các Hội Thánh địa phương cũng đã được khai mạc vào Chúa nhật ngay sau đó, ngày 29 tháng 12 năm 2024.
Năm Thánh – một cơ hội quý giá để mỗi chúng ta làm mới lại Đức Tin và hành trình cuộc sống. Chúng ta đã đi được gần một nửa chặng đường của Năm Thánh. Nhưng khi nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng ta đã làm gì, đã sống Đức tin như thế nào?
Vào sáng ngày 06/4 vừa qua, khi mặt trời đã lên cao, những giọt sương còn đọng lại trên lá cũng nhẹ nhàng bốc hơi trong không khí, chị em trong cộng đoàn Thiên Ân – Nhân Hòa cùng nhau lên đường hành hương đi về Miền Tây, về với Nhà Thờ Tắc Sậy, nơi an nghỉ của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.
Hành trình của cộng đoàn hôm nay thật ý nghĩa, khi chúng tôi cùng ghé thăm những người thân của một chị trong giáo xứ Nhân Hòa tại Homestay, 299, tổ 17, Phú Xuân, Phú Túc, Châu Thành, Bến Tre. Nơi đây, chúng tôi được nghỉ ngơi, thư giãn và lắng đọng tâm hồn, hòa theo sự nhẹ nhàng, trầm tĩnh của những sinh hoạt nơi đây. Những giây phút, những khoảnh khắc cũng đang chậm lại so với sự xô bồ, ồn ào náo nhiệt ở chốn thị thành. Chúng tôi được thưởng thức những món ăn đậm vị “miền tây”, được cùng nhau ngồi trên thuyền ngắm những cảnh đẹp dọc theo dòng sông, được hòa mình cùng với thiên nhiên.
Có thể nói rằng, cảnh sắc đất trời nơi đây thật êm dịu, dân giã đến tuyệt vời.
Sau đó, 22h cùng ngày, chúng tôi lên đường về với Nhà thờ Tắc Sậy. Vào lúc 4h sáng ngày 07/4, chúng tôi đã có mặt trước cổng điểm hành hương này. Một nơi mà tôi cũng như một số chị em ao ước từ lâu được một lần đặt chân đến đây, mà nay nó đã trở thành hiện thực. Tạ ơn Chúa và Mẹ đã dẫn chúng tôi đến nơi trong bình an và khỏe mạnh.
Nếu như ở Hà Nội có nhà thờ Lớn, Sài Gòn có nhà thờ Đức Bà thì Bạc Liêu có nhà thờ Tắc Sậy. Một điểm tham quan nổi tiếng tại tỉnh Bạc Liêu và khu vực miền Tây. Nhà thờ nằm trên cung đường Bạc Liêu đi Cà Mau và cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 37 cây số.
Khi được trực diện ngôi Thánh đường tuyệt vời này, tôi thấy nhà thờ Tắc Sậy mang lối kiến trúc rất độc lạ, mới mẻ, nổi bật, thể hiện nét uy nghiêm và vững chãi, nhưng cũng rất tinh tế và linh thiêng.
Nơi đặt phần mộ của Cha Trương Bửu Diệp được kiến trúc như một tòa nhà rộng lớn có ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn nổi bật cho cả tòa nhà. Nhiều bức tượng gỗ quý đều được bày trí rất độc đáo.
Đến thăm cha và suy ngẫm về cuộc đời của cha Phanxicô, bản thân tôi như được thêm lòng tôn kính ngài. Cả một đời cha luôn tận tụy và yêu thương giáo dân của mình. Cha đã giúp xây dựng nhiều cơ sở giáo dục và từ thiện, đồng thời thúc đẩy việc truyền bá Đức Tin và giáo dục đạo đức cho dân Chúa. Cha thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật.
Tháng 3 năm 1946, trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc, Cha tình nguyện ở lại với giáo dân khi họ đang bị đe dọa bởi các lực lượng vũ trang. Cha đã bị bắt cùng với nhiều giáo dân khác. Khi quân Nhật yêu cầu cha bỏ đức tin và không quan tâm đến giáo dân của mình, để đổi lấy tự do, Cha kiên quyết từ chối. Với một câu nói nổi tiếng: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có phải chết, tôi sẽ chết giữa đoàn chiên”. Cuối cùng cha bị giết vào ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại Cây Gừa thuộc Giá Rai, Bạc Liêu.
Sau khi Cha qua đời, nhiều người bắt đầu kể cho nhau những câu chuyện về những phép lạ và sự linh thiêng liên quan đến cha. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất là về một người phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo. Bà đã đến mộ Cha cầu nguyện và sau đó bà cảm thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Nhiều người khác cũng kể về việc họ được cứu khỏi tai nạn, bệnh tật hay gặp may mắn trong công việc và cuộc sống sau khi cầu nguyện tại mộ của cha.
Hằng năm, hàng chục ngàn người từ khắp nơi vẫn đổ về đây để tham dự các thánh lễ, cầu nguyện và xin ơn. Nhiều người, không phân biệt tôn giáo, đều kính trọng và ngưỡng mộ ngài. Những câu chuyện về phép lạ và lòng nhân ái của ngài đã trở thành một phần của văn hóa dân gian, được kể lại qua nhiều thế hệ.
Vào lúc 5h00, chúng tôi cùng nhau cử hành giờ kinh Phụng vụ chung với cộng đoàn hành hương và 5h20 là Thánh Lễ Misa.
Với Thánh lễ được cử hành hằng ngày, đây chính là nguồn mạch, là sức sống và là cao điểm của đời sống các Ki-tô hữu và cả Hội Thánh. “Việc cử hành phụng vụ mà Hội Thánh mong muốn, và chính bản chất việc cử hành đòi hỏi, lại cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của dân Ki-tô, phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy, để khuyến khích việc tham dự ý thức, tích cực và đầy đủ của các tín hữu, nghĩa là tham dự với cả xác hồn, với lòng tin, cậy, mến nồng nàn” (QCTQ/SLR 2002, số 18). Mỗi người tín hữu trong ơn gọi và tác vụ của mình đều được mời gọi tham dự vào phụng vụ “một cách tích cực, ý thức, hữu hiệu và sốt sắng” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, s. 48).
Hơn thế nữa, Bí tích Thánh Thể còn là sợi dây của sự hiệp nhất.Thánh Phaolô đã quả quyết: “Mặc dù một thân thể có nhiều bộ phận, những bộ phận này hình thành nên một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy (1Cr 12,12). Như bánh được làm nên từ bao hạt lúa và rượu được ép từ muôn trái nho, các tín hữu cũng được mời gọi hiệp nhất nên một trong Đức Kitô. Chính Thánh Thể là sợi dây nối kết con người thành một đại gia đình lớn mạnh.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người bước theo Đức Kitô là ánh sáng thế gian (Ga 8,1-11). Qủa thế, chúng ta đang sống giữa một thế giới thực dụng, thật giả lẫn lỗn, tốt xấu khó phân biệt cũng như rất nhiều cám dỗ ngọt ngào, dễ dàng lôi kéo con người sống trong tình trạng ảo tưởng, luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ, là ánh sáng có thể dẫn người khác đi đúng đường. Nhưng kỳ thực, chúng ta cần xét lại mỗi ngày, và cùng nhau nhìn lên Đức Ki tô là đường, là sự thật và là sự sống. (1Ga 5,20), là ánh sáng của thế gian. (Ga 8,1-11)
Sau đó, phụng vụ vẫn tiếp tục như thường lễ cách sốt sắng và trang nghiêm.
Cuối cùng, cộng đoàn dân Chúa cùng nhau đọc kinh lạy cha, kinh kính mừng và kinh tin kính lãnh nhận ơn toàn xá trong ngày hành hương đặc biệt này.
Kết thúc Thánh lễ mọi người ra đi trong hân hoan và bình an. Cộng đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình và được thăm viếng gia đình cậu của chị Phương rồi về lại Sài Gòn.
Chúng con xin tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con sống trong Năm Thánh hồng ân này. Chúa luôn ưu ái cho những người Chúa chọn những món quà bất ngờ trong cuộc sống ngang qua các vị ân nhân, thân nhân của chị em. Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ muôn vàn ơn phúc của Người xuống trên mỗi chúng con và toàn thể dân thánh Chúa. Xin ban thêm cho chúng con niềm hy vọng vào Đức Kitô, Đấng đem lại cho chúng con niềm vui đích thực và sự sống viên mãn, để cuộc sống của chúng con hôm nay thực sự là dấu chỉ cho Nước trời mai sau. Amen.
Thành Công