Chọn bước theo Chúa là bước trên con đường hẹp, đó là đường thánh giá. Người tông đồ xác tín rằng, đây là con đường đưa tới sự hoán cải, trước hết là làm cho ta được biến đổi và biến đổi ta thành phương tiện trong bàn tay quan phòng của Chúa để Ngài biến đổi những người chúng ta gặp gỡ.
Trong lời kinh cầu nguyện “xin cho chúng con trở nên những thừa sai đích thực…”[1] mà suốt thời gian qua tôi đọc mỗi ngày, nhắc tôi tìm kiếm ý tưởng về người tông đồ loan báo Tin Mừng, chợt lướt tìm những gợi ý trên internet, tôi đọc bài viết các đặc tính của vị thừa sai trên trang web [2] và từ những tư tưởng của tác giả bài viết để suy tư về chính ơn gọi người loan báo Tin Mừng theo nhãn quan linh đạo La San.
Thợ sơn thì phải sơn, nhà văn thì phải viết, vũ công thì phải biết múa nhảy. Theo logic này, chúng ta có thể nói rằng người tông đồ thừa sai – người rao giảng Tin Mừng phải rao giảng Tin Mừng. Để đem Đức Kitô cho người khác, trước hết, thật cần thiết để kinh nghiệm về Người, vì không ai có thể cho cái mình không có, cũng chẳng ai yêu mến điều mình chẳng hề biết. Trở nên nhà thừa sai đích thực không phải đạt được một sớm một chiều, nhưng là kết quả của một tiến trình tiệm tiến theo thời gian. Bài viết đưa ra cho chúng ta bảy (07) đặc tính cần tập luyện từ buổi đầu huấn luyện sơ khởi cho đến việc thường huấn trong hành trình phục vụ việc loan báo Tin mừng theo ơn kêu gọi của mỗi người.
- Một đức tin vững vàng
“Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có…mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” (Dt 11:1-3.12:2)
Người tông đồ phải thưa cùng Thiên Chúa: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9, 24), và làm mới lại mỗi ngày sự cam kết của chúng ta đối với Đức Kitô, để biết và yêu mến Người hơn (ngang qua việc nhắc lại lời tuyên khấn)
Thánh Gioan La San chọn Đức Tin làm tinh thần của Dòng và với thánh nhân, một tu sĩ cần phải được tập luyện cho có tinh thần này, và nếu ai đánh mất tinh thần đức tin thì xem như thành phần đã chết. Với thánh Gioan La San, tinh thần đức tin phải nảy sinh ra thành lòng nhiệt thành tông đồ. Như thế, tinh thần đức tin và lòng nhiệt thành là hai khía cạnh của một đời sống của người loan báo Tin Mừng, giống như hai mặt của đồng tiền, thiếu một trong hai khía cạnh này người tu sĩ không thể là người tông đồ của Chúa[3].
- Sự thống nhất đời sống
“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Ðức Kitô Giêsu.” (1Tx 5:16-18)
Chúng ta có thể không rao giảng Tin Mừng trực tiếp và minh nhiên, nhưng sứ mạng của chúng ta là sự phản ảnh Tin Mừng Tình yêu của Thiên Chúa. Một vị thánh đã kinh nghiệm rằng: “Ai yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự, cuối cùng rồi sẽ tìm thấy được Thiên Chúa trong mọi sự.” Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta phải có sự thống nhất giữa hành động và đời sống và luôn ý thức rằng chúng ta luôn luôn cần Thiên Chúa, và Ngài cần chúng ta. Khiêm nhường là chìa khóa cho điều này. Nó mang lại cho chúng ta hạnh phúc và thúc đẩy chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường ngay chính.
Thánh Gioan La San đã “không phân biệt”: cộng đoàn và hiến thánh – tông đồ và thiêng liêng. Đối với Gioan La San không có chuyện cái này hay cái kia (không phân mảnh) hay cái này cao hơn, cần thiết hơn cái kia (không phân thứ hạng); mà là hội nhập thống nhất để trở nên sự toàn vẹn. Thánh nhận để lại “Một nguyên tắc tốt cho đời sống là hoàn toàn không phân biệt công việc của bổn phận của chúng ta và công việc cứu rỗi và nên thánh của chúng ta.”[4]
- Khiêm nhường
“Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 2,3-5)
Khiêm nhường có nghĩa là trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Khiêm nhường có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta là những tội nhân. Khiêm nhường có nghĩa để biết rằng không có Thiên Chúa, chúng ta chẳng thể làm gì được! Khiêm nhường không phải là việc tin rằng chúng ta quan trọng hơn những người khác, hay chúng ta tốt hơn họ. Một người khiêm nhường do có sự khiêm nhường, và điều này cũng cần nỗ lực. Tôi khiêm nhường khi tôi biết rằng công việc này không phải của tôi, nhưng là của Thiên Chúa. “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17:10)
Thánh Gioan La San dạy: “Chúng ta là những tu huynh nghèo, bị người đời quên lãng và không trọng vọng: chỉ có người nghèo khó mới tìm đến chúng ta; họ chẳng có gì để tặng chúng ta, ngoài tấm lòng của họ, họ sẵn sàng đón nhận lời chỉ giáo của chúng ta. Chúng ta hãy mộ mến những gì là thấp hèn nhất trong nghề nghiệp của chúng ta, hầu chia sẻ phần nào sự ti tiện của Chúa Giêsu giáng sinh.”[5] Với thánh Gioan La San, hai đức tính khiêm nhường và khó nghèo nơi người tông đồ khiến họ có khả năng lôi kéo các linh hồn về với Chúa, ngài dạy rằng: “Không gì lôi kéo các linh hồn đến với Chúa cho bằng cách sống nghèo khó và khiêm hạ của những người muốn dẫn các linh hồn ấy về với Người.”[6]
- Trung tín trong những gì nhỏ bé
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” (Lc 16,10-11)
“Hãy yên tâm là bạn thường có rất ít cơ hội làm những điều vĩ đại, vì rõ ràng là chúng hiếm khi xảy ra. Nhưng đàng khác, bạn sẽ không thiếu những cơ hội diễn tả tình yêu của bạn dành cho Đức Kitô, qua những điều nhỏ bé và bình thường xung quanh bạn”.[7] Ngày nối tiếp ngày, những gì là nhỏ bé trong mắt chúng ta, là cơ hội lớn để trở nên trung tín trong tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Và Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta về tình yêu.
Trung tín trước hết là trung tín với bổn phận thiêng liêng, người tông đồ “trong bao nhiêu công việc liên tục kế tiếp nhau mỗi ngày, chúng ta cố gắng giữ mình kết hợp với Thiên Chúa là Đấng đã gọi, chọn và sai chúng ta đi.”[8] “Sự miệt mài nội tâm để cầu nguyện, lòng yêu thích tham dự các sinh hoạt thiêng liêng, sự trung tín trong việc chu toàn thật tốt các giờ kinh nguyện cũng như mọi thực hành khác của cộng đoàn, tất cả các tâm tình trên sẽ giúp các Sư Huynh đạt được mức thánh thiện và ngày càng đạt tới sự thiện hảo mà Thiên Chúa mong muốn cho họ. Mỗi ngày, các Sư Huynh hãy tha thiết cầu xin cùng Thiên Chúa cho có được sự thánh thiện này.”[9]. Đừng bao giờ tự cho phép mình miễn tham dự Kinh Phụng Vụ[10] cũng như các việc thiêng liêng khác; lòng nhiệt thành của người tông đồ đối với tha nhân phải cao độ đến nỗi tất cả những gì họ làm là để thánh hoá tha nhân.
Trung tín trong các việc bổn phận thường nhật; theo thánh Gioan La San, người tông đồ để đáng được ơn bền đỗ một cách thánh thiện, thì hãy trung thành với các sinh hoạt của cộng đoàn, ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất và tuân giữ luật lệ, ngay cả những luật lệ nhỏ nhặt nhứt. Bằng cách ấy chúng ta mới có thể đối phó được với những thương tổn mà thế gian có thể gây ra cho sự trong trắng của chúng ta và chúng ta cũng có thể có được sự bảo đảm không phạm tội mất lòng Chúa cho đến cuối cuộc đời chúng ta.[11]
- Một đời sống nội tâm vững vàng
“Yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người, giữ các mệnh lệnh của Người, gắn bó với Người và phụng sự Người hết lòng, hết linh hồn anh em.” (Gs 22,5).
Đơn giản là một sự kết hiệp thực sự, tự nhiên, cá vị và liên lỉ. Sự kết hiệp với Đức Kitô có nghĩa là Ngài luôn luôn hiện diện trong đời sống của chúng ta. Luật dòng kêu gọi: “Trong bao nhiêu công việc liên tục kế tiếp nhau mỗi ngày, chúng ta cố gắng giữ mình kết hợp với Thiên Chúa là Đấng đã gọi, chọn và sai chúng ta đi.”[12]
Đức Thánh Cha Phanxico trong bài huấn dụ cho các tu sĩ Mexico vào tháng 2/2016, đã trích lại câu ngạn ngữ: “hãy cho tôi biết bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ cho bạn biết bạn sống thế nào; hãy cho tôi biết bạn sống thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn cầu nguyện ra sao. Vì khi chỉ cho tôi thấy bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ học được cách tìm thấy vị Thiên Chúa mà bạn đã sống vì, và khi chỉ cho tôi thấy bạn sống thế nào, tôi sẽ học được cách tin vị Thiên Chúa mà bạn cầu nguyện với.”
Đối với thánh Gioan La San, cầu nguyện phải là công việc chính yếu mà người tông đồ phải làm; và chính Thiên Chúa cũng chỉ sẽ đổ xuống những ơn lành cho cộng đoàn và cho công cuộc trong chừng mực mà cộng đoàn ấy là một nhà cầu nguyện[13]. Cầu nguyện và thinh lặng luôn có chỗ đứng cao trọng trong đời tu, Thánh Gioan La San xem nguyện gẫm là công việc đầu tiên và chính yếu của người tông đồ[14]. Nguyện gẫm đòi ta phải đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của đời sống, nói về Thiên Chúa một cách tượng trưng… Một người tông đồ cầu nguyện mỗi ngày phải làm chủ thân xác và tâm trí mình, ý thức sâu xa về sự cần thiết phải có đời sống nội tâm, thống nhất dần tâm tư tình cảm, các giá trị và các quyết định về một dự tính đức tin và đặt hết niềm tin vào Chúa, niềm tin bao gồm cả sự nắm vững giáo lý lẫn gắn bó, đi lại thân mật với Người.[15]
- Tràn đầy niềm vui! (một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn)
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. “(Pl 4, 4-6)
Sẽ không thể nói rằng tôi hạnh phúc khi đời sống không có bất kỳ vấn đề hay những nỗi buồn nào. Niềm vui của vị thừa sai là niềm vui được làm theo thánh ý Cha, được để cho ý Cha thể hiện, nước Cha hiển trị… trong mọi đau khổ, sướng vui, trong những thách đố và cơ hội đưa đến, trong mỗi thành công hay thất bại. Đó là niềm vui của Chúa Giêsu. Chỉ niềm vui này mới giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu với thập giá của mình và khích lệ chúng ta tiếp tục mỗi ngày. Tình yêu là động lực để chúng ta sống niềm vui truyền giáo.
Các thánh đã kinh nghiệm một niềm vui rằng: Ai yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự, cuối cùng rồi sẽ tìm thấy được Thiên Chúa trong mọi sự. Trong truyền thống linh đạo La San khẳng định rằng: “Chúng ta là cộng đoàn được hiến thánh và sai đi cho sứ mạng: Đó là sứ mạng giáo dục cho ơn cứu độ học sinh của chúng ta và cứu độ thế giới. Không phải cái này hoặc cái kia, cũng chẳng phải cái này cao hơn cái kia. Đó là sự hội nhập biểu đạt điều mà sẽ trở nên lời kêu gọi đến sự toàn vẹn.[16]
Thánh Gioan La San đã chỉ ra một niềm vui của người tông đồ đó là từ bỏ thế gian và dâng mình lên cho Thiên Chúa để sống trong cộng đoàn với tâm trí hoàn toàn thảnh thơi, không vướng bận các thứ mà ở ngoài đời có dư khả năng làm các giác quan ưa thích. Sư Huynh phải xem ngày ấy như là thời điểm mà niềm hạnh phúc của Anh Em được khởi sắc trên mặt đất này và sẽ hoàn tất vào ngày nào đó trên thiên quốc.[17]
- Huấn luyện liên tục – Thường huấn (đọc nhiều, viết…)
ĐỨC CHÚA phán thế này: “Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bằng và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. – Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. (Gr 9, 22-23)
Thánh Gioan La San dạy rằng: Anh em có bổn phận mỗi ngày phải lên tới Thiên Chúa qua tâm nguyện, để học nơi Người tất cả những gì Anh em phải dạy lại cho học sinh… bằng cách thích nghi với trình độ của chúng, để dạy chúng những gì Thiên Chúa đã truyền đạt cho Anh em liên quan đến chúng… Để được việc, Anh em không được tỏ ra mình dốt nát về bất cứ điểm nào, chẳng những một cách chung, mà quan trọng là Anh em phải nắm vững tất cả các chân lý ấy một cách khá sâu rộng, hầu giúp các học sinh có ý niệm về chúng, một cách rõ ràng và trong chi tiết.[18]
Kiến thức và kinh nghiệm ta có ta học được trong trường học 30%, còn lại 70% là nhờ tự học, đọc sách, rèn luyện, rút kinh nghiệm. Chúng ta cần rèn luyện về kiến thức đời và chẳng bao giờ là đủ, đòi hỏi chúng ta có ý chí. Là vị thừa sai đích thực, chúng ta hiểu chúng ta không học để cho mình mà thôi, nhưng là để thực thi sứ mạng, đó là động cơ để chúng ta học hỏi và là mục tiêu để chúng ta nhắm đến.
- Kết Luận
Khi chọn bước theo Chúa Giêsu để trở nên người tông đồ – tức là người được Chúa sai đi, người tông đồ luôn tìm khám phá niềm vui và sự bình an của Chúa trong đời sống mình. Chúa nói: Thầy ban bình an của Thầy cho anh em, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian ban tặng. Anh em đừng xao xuyến sợ hãi (Gioan 14,27). Chọn bước theo Chúa là bước trên con đường hẹp, đó là đường thánh giá. Người tông đồ xác tín rằng, đây là con đường đưa tới sự hoán cải, trước hết là làm cho ta được biến đổi và biến đổi ta thành phương tiện trong bàn tay quan phòng của Chúa để Ngài biến đổi những người chúng ta gặp gỡ. Những đặc tính nêu ở trong bài chia sẻ này, như là gợi ý để mời gọi mỗi người tông đồ tự khảo sát và khám phá nơi chính mình những đặc tính mà Chúa Giêsu muốn ta trở nên là tông đồ – người loan báo Tin mừng của Chúa tại những nơi mà ta được Chúa sai đến, để yêu thích và khám phá hạnh phúc nơi chính những phận vụ mà ta được trao phó và hoàn cảnh mà ta được sai đến. Hãy khám phá hạnh phúc nơi việc ta làm và nơi ta được sai đến, đừng tìm kiếm hạnh phúc trong những việc làm ta thích và nơi ta muốn ở.
Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, fsc
[1] Lời Kinh Cầu Nguyện cho Tổng Công Hội lần thứ 46 của Dòng La San.
[2] Bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha được viết bởi tác giả Edgar Henriquez cho Catholic-Link, dịch từ bản tiếng Anh của Lorena Tabares. Nguồn http://catholic-link.org/2017/05/15/7-characteristics-authentic-evangelist/
[3] Luật Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô Giáo số 6: Tinh thần đức tin khiến Sư Huynh “nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin, làm mọi sự vì Chúa và quy mọi sự về Chúa”. Trong đức tin, Sư Huynh đánh giá mọi thực tại trần thế theo ánh sáng Phúc Âm. Trong đức tin, Sư Huynh nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong công việc, trong niềm vui và nỗi lo của mình. Trong đức tin, Sư Huynh tập nhận ra dấu chỉ và tiếng gọi của Thần Khí trong từng biến cố, nơi mỗi người, và nhất là nơi người nghèo. Trong đức tin, là “cộng tác viên của Chúa Giêsu Kitô”, Sư huynh dâng trọn đời mình cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa bằng công tác phục vụ giáo dục.
Trong đức tin, như Đấng Lập Dòng, Sư Huynh phó mình cho Chúa dẫn dắt.
[4] Xem Cahiers Lasalliens, 8 p. 318-319
[5] Thánh Gioan La San, Bài Suy Gẫm 86,2
[6] Thánh Gioan La San, Bài Suy Gẫm 86,3
[7] Thánh Josemaría Escrivá, Những người bạn của Thiên Chúa, số 8
[8] Luật Dòng các Sư Huynh Trường Kitô Giáo (1987) số 68. SƯ HUYNH. John Johnston, Thư Mục Vụ 1996 – chủ đề Năm Cầu Nguyện – Mục Cầu Nguyện Riêng.
[9] Thánh Gioan La San, Bài Suy Gẫm số 39,2
[10] Luật Dòng các Sư Huynh quy định: Mỗi ngày ít nhất là vào buổi sáng và buổi chiều các Sư Huynh hội lại để cửa hành Phụng Vụ Giờ Kinh, hiệp nhất với lời tụng các và cầu xin liên lĩ của Giáo Hội (LD 2015 số 73)
[11] Thánh Gioan La San, Bài Suy Gẫm số 89,1
[12] Luật Dòng các Sư Huynh Trường Kitô Giáo (1987) số 68. SƯ HUYNH. John Johnston, Thư Mục Vụ 1996 – chủ đề Năm Cầu Nguyện – Mục Cầu Nguyện Riêng.
[13] Xem thánh Gioan La San, Bài Nguyện Gẫm số 62,1
[14] Xem Luật Dòng Các Sư Huynh Trường Ki tô Giáo số 69; 73
[15] TLL 455, Văn Kiện Tổng Công Hội 44, I,2,2.4. Bản tiếng Việt do VPGT TDLSVN trang 14
[16] Dòng La San, TLL 466, 2.9. Roma 1/1/2013
[17] Xem thánh Gioan La San, Bài Nguyện Gẫm số 191,1
[18] Thánh Gioan La San, Bài Suy Gẫm 198,1