Chúng ta bắt đầu vài suy nghĩ bằng huy hiệu FMV: Bé Giêsu được bồng ẫm trên tay, trong tư thế sẵn sàng trao tặng, đưa hai cánh tay lên cao phía trước như vui mừng chào đón, bàn tay mở ra như muốn ôm choàng người đến với mình. Việc chào đón, ôm choàng con người, cách riêng người đau khổ, được diễn đạt qua qua tên gọi của hội dòng và qua bài dụ ngôn hôm nay.
Để minh họa cho bài dụ ngôn, ta đặt câu hỏi: Tại sao tour đi Thái rẻ hơn tour du lịch nội địa? Thưa, có nhiều lý do, một trong những lý do là ông vua Thái Rama IX trợ cấp tiền phí sân bay cho mỗi du khách đến và rời đất Thái. Đó là cách thiết thực vua giúp cho đất nước, thần dân của mình.
Vua Giêsu của chúng ta yêu mến thần dân của mình, yêu đến độ gây bất ngờ cho ta khi đồng hóa mình với các thần dân, nhất là những người cùng khổ. Tiêu chuẩn để tách biệt công dân tốt hay công dân xấu trong Vương quốc của Ngài không phải là những gì ta làm cho Ngài, mà là làm cho người khác bằng các nghĩa cử bác ái với sáu loại cùng khổ: đói khát, rách rưới, vô gia cư, ốm đau, tù tội. Vua Giêsu không nghĩ gì đến mình, mà chỉ quan tâm đến hạnh phúc của thần dân mình.
Ghi nhớ sự thật ấy, chị em hội dòng đã thực hiện lời Vua Giêsu từ chính tên gọi của mình.
FMV: FILLES– MARIE – VISITATION: Con gái – Đức Maria – Việc thăm viếng
Visitation: sự thăm viếng hay cuộc thăm viếng, việc thăm viếng ấy rất gần gũi, gắn kết với các tình huống của bài dụ ngôn hôm nay. Tôi xin được phác họa vài nét về linh đạo, sứ vụ thăm viếng ấy qua ba động từ bắt đầu bằng chữ THĂM.
Chữ THĂM đầu tiên là THĂM NUÔI: Tựa Đức Maria vội vã ra đi đến nhà bà Êlisabét, chị em FMV không chờ người nghèo khó đến với mình, nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường, đến với những người nghèo hôm nay để trợ cấp cho họ những gì thiết yếu cho cuộc sống: cơm, bánh, nước. Thế nhưng, không chỉ là cơm, bánh bằng bột, gạo, thứ nước ký hiệu H20, mà cơm, bánh, nước thấm đẫm lòng thương xót, sự trắc ẩn, tình yêu thương; cũng như trao tặng quần áo cho người thiếu mặc để họ có y phục xứng hợp tư cách con người.
Sống ở miền trung, chị em hẳn thấm thía nỗi buồn của lời ca: Ơi hò, ơi hò. Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An để lan biển khơi, ơi hò, ơi hò.[1] Để rồi đồng cảm và thấu cảm với nỗi đau của đồng bào mình.
Chữ THĂM thứ hai là THĂM HỎI: Chị em FMV cũng không quên đến với những khuôn mặt đau khổ khác là tù nhân, bệnh nhân. Ở các bệnh viện đông đúc bệnh nhân, hai người nằm chung một giường hay nằm ở nhà một mình, người bệnh nào cũng cảm thấy tủi thân, phẩm giá con người bị hạ thấp, cộng thêm cơn bệnh hành hạ, làm tăng thêm đau khổ nơi thân xác cũng như trong tâm hồn.
Sự hiện diện của các thiên thần nữ tu đi thăm viếng tại bệnh viện hay ở gia đình, hỏi han thân tình, bày tỏ yêu thương, sẽ giúp người bệnh cảm nhận được tình yêu thương của con người, và qua đó, phần nào cảm nếm được tình thương Thiên Chúa nhân lành. Thế nhưng, họ đâu biết rằng các chị em nữ tu không nhìn họ chỉ là những bệnh nhân đang đau khổ cần sự cảm thông, nhưng là chính Chúa Kitô đang đau khổ, và vì thế, phục vụ họ là phục vụ cho chính Ngài.
Rồi cũng có những người đang bị giam cầm trong những ngục tù tinh thần, đằng sau những song sắt vô hình, nhưng rất chắc chắn, đó là người đang bị giam hãm trong ngục thù hận, giận dữ, ghen ghét, hay tù ưu phiền, stress, trầm cảm, buồn phiền, lo lắng. Họ cũng cần được chị em thăm hỏi, nâng đỡ để vơi đi, hay giúp họ ra khỏi các ngục tù tinh thần ấy.
Chữ THĂM thứ ba là THĂM NOM: Chị em chiêm ngắm Đức Mẹ như kiểu mẫu cho mình khi đem Chúa Giêsu đến với người nghèo khó và anh em lương dân như Hiến pháp qui định (4,1). Càng nhìn ngắm mẫu gương của Mẹ, chị em càng được gợi hứng, thêm động lực để thực hiện việc thăm nom, chăm sóc, phục vụ con người dưới mọi hình thức.
Thêm vào đó, chị em thăm nom, phục vụ người lân cận, nhất là người cùng khổ, vì tâm hồn chị em luôn thao thức về hạnh phục, thiện ích của họ như được mời gọi trong điều 4 của Hiến pháp (4,4). Họ đau buồn, ưu phiền, ta cũng đau buồn, ưu tư; họ vui tươi, tâm hồn ta cũng chung niềm vui ấy. Họ lo lắng, bồn chồn, chị em cũng thấu cảm với nỗi lo lắng, bồn chồn ấy. Tâm hồn chị em cùng thấu cảm với tất cả vui buồn, lo lắng, hy vọng, thao thức của người khác, vì với đôi mắt đức tin, chung nhịp đập với Trái tim Giêsu, chị em nhận ra, khám phá thấy chân dung Giêsu nơi những con người đau khổ ấy.
Ngạn ngữ tiếng Anh nói rằng A friend in need is a friend indeed. Một người bạn lúc ta cần là người bạn đích thật. Ta cũng có thể sửa câu ngạn ngữ ấy thành: một người môn đệ Chúa Giêsu lúc người khác cần là một người môn đệ Chúa Giêsu đích thật. Chúng ta mong ước các chị em FMV luôn thật sự là môn đệ Ngài.
Để kết thúc, chúng ta cũng trở lại với huy hiệu FMV như đã bắt đầu vài phút suy niệm này. Huy hiệu diễn tả Đức Mẹ đi thăm viếng bà Êlisabét như sau: dáng người nghiêng nghiêng đi tới, chân trái đặt lên phía trước, chân sau đang nhấc lên chuẩn bị, làm tôi nhớ đến một nhà thần học đã so sánh hành trình đức tin của người Kitô hữu tựa bước chân đi của ta.
Một chân bám mặt đất, một chân giơ cao để bước đến. Nếu cả hai chân bám mặt đất, ta sẽ đứng nguyên tại chỗ, nhưng nếu cả hai chân đều giơ cao, ta sẽ như bay bổng và kết quả là té sấp mặt. Chân bám mặt đất nói lên ta đang sống tại thế, với cảnh vực môi trường con người xã hội, công ăn việc làm, bao sinh hoạt khác của kiếp người. Nhưng bàn chân kia phải giơ cao để tiến bước, cho thấy sự phiêu lưu, tin tưởng phó thác cho Chúa, vượt lên trên mặt đất, chứ không phải chỉ biết bám vào trái đất này.
Bước đi của đức tin ấy cũng là bước đi đức tin của chị em FMV trăm năm nay, trăm năm hiện diện trên đất Việt Nam là trăm năm của hành trình bước theo Chúa Giêsu, chứng tá cho Nước Trời bằng ba chữ thăm nuôi, thăm hỏi, thăm nom theo hình tượng Đức Maria. Cùng với chị em FMV, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn đức tin, đặc sủng cho hội dòng khi nhìn lại quá khứ, cám ơn bao người khi nhìn nhau hôm nay, cũng như phó thác cậy trông hy vọng vào Chúa khi hướng nhìn tương lai trăm năm kế tiếp của hội dòng. Amen.
Lm. FX. Nguyễn Văn Thịnh
[1] Phạm Đình Chương, Tiếng Sông Hương.