LỜI CHÚA
Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.”
Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Anh đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bại liệt cả về phần xác lẫn phần hồn: Về thể xác, anh được chữa khỏi bệnh bại liệu bao năm qua; Về phần hồn, anh được thứ tha tội lỗi. Vậy trong hai điều này, điều nào trọng hơn? Bạn nghĩ anh bại liệt mong muốn được chữa lành phần nào nhất?
Thật khó để trả lời câu hỏi thứ hai vì chúng ta không biết suy nghĩ của anh, nhưng câu hỏi đầu tiên thì không khó lắm. Chữa lành phần hồn luôn là điều quan trọng hơn cả, vì nó có ảnh hưởng vĩnh viễn đến linh hồn. Đối với hầu hết chúng ta, cầu nguyện để xin Chúa những điều như chữa lành thể xác, hoặc một ơn lành nào đó thì thật dễ dàng. Nhưng cầu nguyện để nài xin ơn tha thứ thì liệu có dễ dàng chăng? Có lẽ sẽ khó khăn lắm, vì nó đòi hỏi một sự khiêm nhường chủ động từ phía chúng ta, rằng chúng ta trước tiên phải thừa nhận mình là kẻ có tội và cần sự tha thứ của Chúa. Để có thể làm được điều đó buộc ta phải có lòng can đảm để đối diện với sự hư không của bản thân trong thái độ khiêm tốn. Một khi ta biết chấp nhận con người thật của mình, ta sẽ nhận thấy ta cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa biết dường nào! Cầu xin lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa trong cuộc sống là lời cầu nguyện quan trọng nhất mà chúng ta có thể cất lên, và cũng là nền tảng cho mọi thỉnh cầu khác của chúng ta.
Hôm nay, mời bạn nhìn lại, xem bạn đã khiêm tốn thừa nhận tội lỗi của mình và can đảm xin Chúa tha thứ ra sao. Ở đây, chúng ta cần lưu ý rằng, sự khiêm tốn là điều thiết yếu và mấu chốt. Tại sao ư? Khiêm tốn là hiểu sự thật về chính mình, là nhìn nhận bản thân một cách trung thực và tỉnh táo, nghĩa là nhìn mình như Thiên Chúa nhìn vậy. Do đó, nếu không có sự khiêm nhường đích thực, ta sẽ khó lòng thoát khỏi toà cao của vênh vang tự đắc hoặc rơi xuống vực thẳm của tự ti bi quan. Một lòng can đảm và khiêm tốn thực sự để thừa nhận tội lỗi cùng cầu xin tha thứ không phải là dễ dàng, nhưng nếu biết cậy dựa vào ơn Chúa, thì chẳng có điều gì là không thể cả.
Lạy Chúa, xin ban cho con lòng khiếm tốn cùng can đảm để hạ mình xuống trước Nhan Ngài và nhìn nhận tất cả tội lỗi của con. Sau hết, xin giúp con luôn tìm kiếm sự tha thứ của Chúa mỗi ngày trong cuộc sống con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
—–//—–//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/thirteenth-week-in-ordinary-time/