Bạn thân mến!
Không có vinh quang nào mà không trải qua gian khổ, đắng cay! Dẫu biết thế, nhưng nào mấy ai dám chấp nhận và vui vẻ đón nhận khó khăn thử thách.
Phản ứng tự nhiên của con người là tìm cách trốn tránh và không chấp nhận đau khổ. Trong các sách Tin Mừng, không chỉ một lần, mà nhiều lần Đức Giê-su nói với các môn đệ về con đường Ngài sẽ phải đi: chịu nhiều đau khổ, bị lên án và bị giết chết… Mỗi lần Ngài nói về những điều này, phần lớn các môn đệ hoặc im lặng, hoặc phủ nhận, không thể chấp nhận con đường ấy.
Khoảng sáu ngày trước, khi Đức Giê-su tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất, ông Phê-rô đã lên tiếng can ngăn và gợi ý tìm cách tránh cái nạn này: „Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”[1] Đức Giê-su nói mạnh hơn: „Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta.”[2] Sau đó, các môn đệ có khoảng sáu ngày để suy ngẫm những lời đó, trước khi chứng kiến Đức Giê-su hiển dung trên núi Tabor.
Có thể hiểu lý do tại sao Đức Giê-su can đảm đối diện với thập giá, còn các môn đệ thì chưa (Mc 9,2-10). Khi Đức Giê-su gọi các môn đệ đi theo, Ngài đã trải qua biết bao kinh nghiệm: 40 ngày sống trong sa mạc và bị ma quỷ cám dỗ, nhưng bên cạnh đó, Ngài đã nghe được tiếng Chúa Cha và được các thiên thần giúp đỡ. Trong khi đó, con đường theo Chúa của các môn đệ dường như chưa gặp phải nhiều sóng gió chông gai. Từ khi biết Đức Giê-su, các môn đệ được chứng kiến nhiều phép lạ phi thường, người bệnh được chữa lành, kẻ chết được sống lại… chỉ sau này, các ông mới phải đối diện với khổ đau, chứng kiến Thầy bị giết chết cách tức tưởi và sau ba ngày, Ngài sống lại. Có thể nói, biên giới của hai thế giới thập giá và vinh quang là cuộc biến hình trên núi Tabor.
Kinh nghiệm gặp gỡ thiêng liêng trên núi Tabor là cơ hội cho các môn đệ nhìn lại quá khứ, và hướng về tương lai tươi sáng phía trước.[3] Sau trải qua kinh nghiệm này, các môn đệ dần dần hiểu hơn những lời tiên báo của Đức Giê-su. Họ can đảm hơn, dám đối diện và chấp nhận sự thật: con đường vinh quang luôn có bóng hình thập giá.
Trong cuộc sống của bạn, có chăng điều gì đó Chúa muốn nói với bạn, mà bạn khó đón nhận? Có thể đó là một lời mời gọi thực hiện điều bạn không thích, và nằm trong dự tính của bạn, hoặc Ngài mời gọi bạn vác thập giá, chấp nhận hy sinh… để làm vinh danh Chúa? Bạn sẽ và đang đối diện với những lời mời gọi tương tự thế nào đây?
Có lẽ, chỉ khi nào chúng ta bám vào Thiên Chúa và nài xin Ngài ban cho ta sức mạnh và lòng can đảm, thì chúng ta mới dám đối diện và thanh thản bước đi trên những sỏi đá của cuộc đời. Cũng như các môn đệ, khi các ông đang lo lắng và sợ hãi về những khó khăn ở phía trước, thì Đức Giê-su đã ban cho họ lòng can đảm, niềm tin và niềm hy vọng trong kinh nghiệm gặp gỡ thiêng liêng trên núi Tabor. Kinh nghiệm ấy tuy không dài, nhưng đủ và cần thiết để các môn đệ có thể chấp nhận, hoặc ít ra là can đảm hơn để đối diện với những bất trắc của cuộc sống.
Mỗi khi phải đối diện với thập giá trong cuộc đời, bạn và tôi cũng rất cần những kinh nghiệm an ủi thiêng liêng như thế, để chúng ta có đủ sức chịu đựng và hiên ngang bước đi đến cuối con đường. Chắc chắn, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo như ý mình muốn. Nếu bạn đang gặp thuận lợi và thành công, thì hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì bạn đang được chung chia sự ngọt ngào của Chúa – như các môn đệ, khi họ chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa trên núi Tabor. Bắt chước ông Phê-rô, bạn hãy cất tiếng tạ ơn và mạnh dạn thưa với Chúa: „Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!” Nhưng nếu bạn đang gặp phải những khó khăn trắc trở và nhiều đau khổ trong cuộc sống, thì hãy nhớ rằng: các môn đệ đã phải vật lộn với bao nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi… khi nghe Đức Giê-su tiên báo về cuộc khổ nạn. Họ cần được Chúa dẫn lên núi để chứng kiến vinh quang rạng ngời của Ngài. Bạn cũng được mời gọi hãy trèo lên đỉnh núi Tabor, và để cho niềm hy vọng Phục Sinh của Chúa nâng bạn bước đi.
Nhưng trèo lên núi với Chúa, nghĩa là gì?
Trèo lên núi là đi vào cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Thiên Chúa. Sức mạnh để bạn và tôi có thể bước đi là đức tin kiên vững dựa trên lời cầu nguyện. Chỉ với đời sống cầu nguyện liên lỉ, bạn và tôi mới có thể trèo lên đến đỉnh ngọn núi cao, mới có cơ hội bước vào cuộc gặp gỡ thiêng liêng và nhận lấy sức mạnh từ Thiên Chúa.
Trong thời gian còn lại của mùa Chay, hãy suy ngẫm về lời mời gọi trèo lên núi thánh này. Hãy dành thời gian để lên núi với Chúa. Hãy biết rằng, nếu bạn trèo lên với sự kiên trì và lòng quyết tâm, thì phần thưởng mà bạn sẽ nhận được là niềm hy vọng và an vui. Hãy cầu nguyện luôn để tin tưởng và phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa, Ngài là Đấng đã chiến thắng sự chết và vinh quang đến muôn đời.
Còn chờ gì nữa, mùa Chay là cơ hội thuận lợi để bạn và tôi suy ngẫm về con đường tình yêu mà Đức Giê-su đã đi qua, và học cách bước đi với Ngài. Càng bước theo sát Đức Giê-su trên đường thương khó, chúng ta càng mạnh dạn và bình tâm đối diện với cuộc thương khó của đời mình. Nếu bạn và tôi cùng bước đi với Ngài, chắc chắn chúng ta cũng nghe được tiếng nói của Chúa Cha: „Đây là Con Ta yêu dấu!” Ngài không bỏ rơi, không để chúng ta cô đơn giữa bao đau khổ. Ngài là Người Cha đầy lòng thương xót luôn đồng hành và ở với chúng ta trong mọi hoàn cảnh.
„Lạy Chúa,
Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
Và trọn cả ý muốn của con,
Cùng hết thảy những gì con có,
Và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.”[4]
Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Đức Giê-su tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất (Mc 8,31- 33; Mt 16,21-23, Lc 9,22).
[2] Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su (Lc 9,23-26).
[3] Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa Chay năm B (Mc 9,2-10) – Đức Giê-su biến đổi hình dạng.
[4] Kinh dâng hiến của thánh I-nhã.
Nguồn: dongten.net