LỜI CHÚA
Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.
SUY NIỆM
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”
Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong chương 8, với câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” rất nổi tiếng của Chúa Giê-su, được nhiều người biết đến. Sau khi tuyên bố “trắng án” cho người phụ nữ, Ngài tiếp tục giảng dạy, bằng những cuộc tranh luận với người Pharisêu và người Do Thái.
Chúa Giê-su đã định nghĩa về người môn đệ của mình: đó là những người ở lại trong lời Người giảng dạy. Lời Người giảng dạy là chân lý, là sự thật, và sự thật sẽ giải phóng con người.
Chúng ta lại tiếp tục hỏi: “Giải phóng nghĩa là gì?”. Đặt trong bối cảnh lịch sử, đất nước Do Thái đang bị xâm chiếm bởi Đế Quốc La Mã. Muốn giải phóng dân tộc Do Thái, thì phải bằng một cuộc đấu tranh. Nhưng Chúa Giê-su đâu có nói gì đến việc chống lại nhà cầm quyền, chống lại bất công?
Những người theo Do Thái Giáo, những người Pharisêu ắt hẳn là những người nắm luật lệ. Họ tuân thủ luật lệ, và để ý xem người khác tuân thủ luật lệ thế nào. Thay vì để luật lệ hướng dẫn cách sống, họ giam hãm mình trong 4 bức tường của luật lệ. Họ dùng luật lệ để ràng buộc, và kết tội người khác, và thông qua đó tự kết án chính mình.
Có một sự thật mà Chúa Giê-su chỉ ra: “hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội”. Ý thức mình có tội là ý thức mình đang làm nô lệ. Nhờ Chúa Giê-su chỉ cho một sự thật, nhìn nhận sự thật sẽ làm cho tâm trí được giải phóng. Sự tự do cao nhất mà Chúa Giê-su muốn dành tặng cho loài người là tự do nội tâm. Tự do không cần những điều kiện bên ngoài, không bị ảnh hưởng bởi thể chế chính trị và quyền lực trần gian.
Mùa Chay năm nay, đại dịch Covid ̶ 19 đang hoành hành. Cả nhân loại đang khốn cùng vì nó. Nhưng từ sâu thẳm mỗi người, chúng ta có cảm nhận được rằng, mình đang tự do? Một sự tự do tuyệt đối, nhờ tháo cởi khỏi mặc cảm tội lỗi đang đè nén con người mình.
Đức Giê su muốn giải phóng bạn, nhưng bạn có muốn mình được giải phóng hay không?
Lạy Chúa, con mong muốn được giải thoát khỏi mọi tội lỗi để con có thể sống trong tự do và trở nên con cái đích thực của Ngài. Xin giúp con, lạy Thiên Chúa, để đối diện với tội lỗi của con cách thành thật và cởi mở. Amen.
Nhóm Bạn Đường Linh Thao