Hôm nay, cộng đoàn hành trình đến với địa điểm truyền giáo khá mới lạ. Đó là vùng đất khá xa so với thành phố. Nơi đây là một vùng truyền giáo theo dự án của nhóm truyền giáo và Hội dòng đã có hai chị hiện diện tham gia học tập vào dự án này. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người hãy đi đến những vùng ngoài biên, ra khỏi ranh giới an toàn của chính mình. Có lẽ khi dấn thân ở những nơi như thế này là bước đầu chấp nhận ra khỏi cái an toàn của chính mình để thi hành sứ mạng.
Đức Maria là mẫu gương sống động cho những người môn đệ Chúa trong việc thi hành sứ vụ. Thánh Benadino mời gọi: “Hãy chiêm ngắm sức mạnh của Người Mẹ Trinh Nữ, Bà đã gây thương tích và cầm tù Trái Tim Thiên Chúa”[1] Gợi hứng từ trình thuật Thăm viếng của Mẹ Maria, “với danh hiệu Con Đức Mẹ Đi Viếng, chị em lấy Đức Maria là nguồn cảm hứng và là kiểu mẫu của việc đem Chúa đến cho lương dân.” Thật đẹp biết bao hình ảnh của Mẹ Maria mau mắn lên đường đến với người chị họ của mình. Tôi không biết ngày xưa hành trình của Mẹ từ Nadaret đến miền núi Giu-đê xa đến từng nào, cũng chưa cảm nhận được Mẹ đã vất vả ra sao, chỉ được biết đây là đường đồi núi khoảng 60km. Nhưng hôm nay, tôi có đôi chút cảm nhận được hành trình của Mẹ ngày xưa. Đoạn đường từ đường chính vào đến địa điểm truyền giáo tương đối xa, đường đầy sỏi đá, xung quanh không một bóng người, toàn rừng với rừng. Nghe nói người dân xung quanh đây sợ nhất là voi và đã có người bị voi dẫm chết. Tôi không biết ngày xưa Mẹ một thân một mình đi có sợ hay không. Nhưng nếu bây giờ thì tôi thấy có chút gì đó sợ, pha một chút ưu tư. Thế nhưng, khi đến địa điểm truyền giáo nơi có in dấu chân của những người môn đệ Chúa, tôi lại có cảm nhận hoàn toàn khác. Giờ đây, tôi lại thấy thấm thía câu nói của Chúa Giêsu: Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì chúng như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mc 6,34). Trước mắt tôi là cánh đồng truyền giáo vô cùng rộng lớn và tự nhiên tôi lại thấy mình thật nhỏ bé.
Mẹ Têrêsa đã từng nói: “Tình yêu không thể bị giới hạn trong mức độ tối thiểu cần thiết, tình yêu đòi hỏi ở mức tối đa. Không có Chúa, chúng ta là những kẻ quá nghèo, không thể giúp đỡ những người nghèo.” Thật vậy, với một Hội dòng chuyên về truyền giáo, và tất cả mọi hoạt động luôn hướng về một điều duy nhất là làm sao cho mọi người nhận biết Chúa. Mỗi một chị em Con Đức Mẹ Đi Viếng được mời gọi thi hành Sứ vụ bằng tất cả đời sống của mình, “chính sự thánh hiến tu trì làm cho chúng ta luôn hiện diện với thế giới cách thâm sâu trong tình yêu Chúa Kitô, và đưa vào trần gian một luồng gió mới từ cõi vô biên.”[2]
Với ý hướng của Đấng Sáng Lập “Cha lập Dòng này chỉ vì lương dân,” hay nói cách khác “lương dân” chính là lý do để Hội Dòng hiện hữu. Mỗi một hoạt động Sứ vụ của Hội dòng đều “hướng thẳng về việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho lương dân.” Noi theo bước chân của Mẹ vội vã ra đi để đem Chúa đến cho người khác, chị em đón nhận những thử thách trên đường như đón nhận chính Thập giá trong tình yêu của Thánh Tâm Chúa, cốt làm sao để cho tinh thần Linh đạo thấm vào trong mỗi bước chân của mình. Đồng thời, chính các hoạt động của Sứ vụ mà mỗi chị em thể hiện là “khí cụ của ân sủng để truyền đạt bác ái của Thiên Chúa, và kiến tạo những mạng lưới bác ái qua những sứ vụ cụ thể.”[3]
Nhiều trẻ thơ không được đến trường và nhiều gia đình phải sống trên những chiếc ghe trên sông nước vì không có được một mảnh đất cắm dùi. Cuộc sống của họ bấp bênh như chính chiếc ghe trên sóng nước vậy. Tôi thấy thật cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của quý cha, quý thầy, quý sơ của các Hội dòng, trong đó có sự hiện diện của quý chị trong Hội dòng mình, đã và đang bắt đầu tham gia vào chương trình huấn luyện để trở thành những môn đệ truyền giáo đích thực. Với biết bao sứ vụ như: Dạy giáo lý, dạy chữ, chia sẻ Lời Chúa, đồng hành với họ trong mọi lãnh vực. Ghé thăm một lớp học khoảng chừng 20 em, được sơ dòng Đức Bà Truyền Giáo dạy chữ, tôi thấy một chút gì đó chạnh lòng khi nhìn các em không được đến trường, không nhận được những điều kiện để học tập, vui chơi, điều mà các em phải được hưởng. Nơi đây trẻ em và ngay cả người lớn cũng không biết chữ. Mẹ Têrêsa từng nói: “Nếu chúng ta không thể giúp được tất cả, thì hãy giúp một người.” Mỗi người con của Mẹ Đi Viếng luôn có tâm thức “thao thức về hạnh phúc của tha nhân và chuyển cầu cho họ”[4]. Thật vậy, vì thao thức này mà Hội Dòng đã và đang từng bước muốn họa lại bước chân của Mẹ. Chỉ khi đến với những mảnh đời bấp bênh, tôi mới thấy thấm thía câu nói này. Có lẽ trên cánh đồng của sứ vụ, mỗi một môn đệ của Chúa sẽ gặp rất nhiều người, và nhiều khi chúng ta thấy mình bất lực trước nỗi thống khổ của người khác. Tuy nhiên, mỗi người hãy bắt đầu với việc giúp một người và góp nhặt những điều tốt lành thì có lẽ lời kinh Lạy Cha: “xin cho Triều Đại Cha mau đến” sẽ trở nên hiện hữu.
Trong định hướng của Tu Nghị Dòng lần thứ XV, với chủ đề: Kiện cường căn tính ơn gọi người Con Đức Mẹ Đi Viếng, nhấn mạnh đến việc “kiện cường” và “tăng cường” vững chắc hơn với căn tính của Hội Dòng.[5] Một trăm năm đã trôi qua ghi dấu những bước chân không biết mỏi mệt của Quý chị tiền bối. Giờ đây một trăm năm mới dành cho những người trẻ, phải kiện cường không gì khác hơn là sống trong một tâm thức mới, không phải là thay đổi quá khứ nhưng là để cho “rượu mới thì bầu cũng phải mới.” Ước mong sao, mỗi một chị em trong Hội Dòng luôn mang trong mình tâm thức truyền giáo, và làm sao cho Linh đạo thấm nhập vào trong mọi góc cạnh của đời sống. Mong sao mỗi người sẽ cảm nhận được niềm vui trong đời dâng hiến, để hân hoan ra đi: “Cùng Mẹ lan tỏa Đức Kitô khắp nơi.”
Học viện Bêtania FMV
[1] TERENCE COOKE, Những Bài Suy Niệm Về Mẹ Maria, tr 33.
[2] HC điều 84.
[3] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Caritas In Veritate, số 5.
[4] HC điều 5, họa ảnh 4
[5] x. DÒNG CON ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG, Định hướng Tu nghị Dòng lần thứ XV: Kiện Cường Căn Tính Ơn Gọi Người Con Đức Mẹ Đi Viếng, 2021.