Thăm viếng là sáng kiến từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, khi chính Ngài đã đến “ở với và ở trong” con người qua “Đức Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể”, tình yêu ấy được đáp trả bằng cách con người mở lòng đón nhận Đức Giêsu và không ngừng thao thức mang Giêsu đến cho mọi người. “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15). Vì thế, loan báo Tin Mừng là bản chất mang lại sự sống còn cho Giáo Hội, cách riêng trong ơn gọi và sứ mạng của người nữ tu Con Đức Mẹ Đi Viếng là “lan tỏa Đức Kitô cho mọi người.”
Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng tôi được sống, học tập và trải nghiệm phương pháp truyền giáo bằng việc rao giảng Lời Chúa với quý Cha, quý Tu sĩ của các Hội dòng tại các giáo điểm truyền giáo như: giáo xứ Vĩnh Phước, giáo xứ Thịnh An và cuối cùng là giáo xứ Suối Tượng. Đến nơi đây, chúng tôi cảm nhận như mình được bước vào một thế giới khác. Để lại trong chúng tôi là hình ảnh những con người đơn sơ, chất phác – những người dân di cư sang Campuchia nay trở về quê hương trong một hoàn cảnh sống còn thiếu thốn và nghèo nàn. Đây là một vùng ngoại biên cần được thăm viếng và chăm sóc. Đặc biệt, nạn mù chữ thật sự là một vấn đề lớn cần được quan tâm và giúp đỡ lâu dài với những người dân ở đây. Qua những ngày sống và thăm viếng, chúng tôi cảm nhận tấm lòng và tình yêu thương sâu đậm của người dân. Đặc biệt là sự quý mến đối với quý Cha, quý Tu sĩ đang phục vụ giữa họ. Từ trải nghiệm thực tế này, chúng tôi càng hiểu hơn những bài học đầu tiên về truyền giáo: BA KHÔNG, BA CÓ VÀ BA QUAN TÂM.
Để đem Chúa đến với người khác, người môn đệ phải có “Chúa Giêsu” trong mình. Thật vậy, cầu nguyện là nền tảng cho đời sống của người môn đệ, “một tâm hồn đầy sự hiện diện của Chúa,” từ đó lòng nhiệt thành truyền giáo – hồn tông đồ được bồi dưỡng và không ngừng thôi thúc người môn đệ lên đường mỗi ngày. Trong một thời đại “thiếu Lời”, người môn đệ cần phải “có Lời – sống Lời – truyền Lời” nơi mình hiện diện và không ngừng đào luyện cho bản thân kỹ năng truyền giáo (x.Ga 5, 17).
Đồng thời, ba điều bắt buộc mà mỗi người truyền giáo phải thủ đắc cho mình. Thứ nhất là sự hiện diện đậm chất Tin Mừng (x. Ga 1,47) vì người thời nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. Thứ hai là khả năng hi sinh, từ bỏ và rèn luyện bản thân để có thể vượt qua những khó khăn, rào cản về khoảng cách địa lý, tập tục, văn hóa, ngôn ngữ, … Thứ ba là khả năng sống cộng đoàn và làm việc chung với các Hội dòng khác (x.Cv 6,1-6). Bởi vì chính tinh thần huynh đệ hiệp nhất, yêu thương của những người rao giảng Tin Mừng là chứng tá hùng hồn nhất về tình yêu Thiên Chúa.
Sau cùng là ba điều người môn đệ không được làm: lười biếng, giả hình và buôn chuyện. Thật vậy, sự lười biếng (x. Mt 25, 14-30) sẽ làm cho đôi chân người môn đệ nặng trĩu và mệt mỏi khi đến với người khác. Sự giả hình hay “ra vẻ tu sĩ” sẽ tạo khoảng cách nhất định với người được thăm viếng; thói buôn chuyện cũng là điều cấm kỵ vì nó đánh mất sự tin tưởng của người khác nơi chúng ta và làm phai mờ phẩm giá của người tu sĩ. Sống trong một thời đại phức tạp và biến chuyển không ngừng đòi hỏi người môn đệ cần có “Hồn Tông đồ” vững chắc, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng của Lời Chúa để có thể đến với người khác và đưa người khác đến với Thiên Chúa.
Khoảng thời gian học tập và thực hành sứ vụ truyền giáo tuy ngắn nhưng đã đọng lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc và cả những nỗi khắc khoải truyền giáo “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Rm 9, 15). Chúng tôi học được lòng nhiệt thành, sự hăng say truyền giáo cùng những sáng kiến và lòng can đảm của những Tu sĩ đã học qua năm I về khóa truyền giáo tại Giáo phận Xuân Lộc. Cách thức sang bờ bên kia giúp chúng tôi có cái nhìn mới về đời sống của một người Tông đồ. Lời mời gọi không chỉ sống trong vùng an toàn ở giáo điểm của mình, nhưng cần lên đường để đến với các anh chị em của Hội Dòng khác, tại giáo điểm mới với những con đường, hoàn cảnh, con người và nền văn hóa mới.
Tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương, đồng hành và hướng dẫn chúng tôi trong chuyến trải nghiệm thăm viếng vừa qua. Sự quan phòng và tế nhị từ bàn tay Thiên Chúa đã thêm sức cho chị em chúng tôi trong sứ mạng truyền giáo. Được làm con Chúa là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người và chúng tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc này với tất cả những ai chưa biết Chúa. Cùng với Đức Maria, chị em chúng tôi mang trong mình “thao thức về hạnh phúc của tha nhân và chuyển cầu cho họ”. Ước mong ngày càng có nhiều người được biết “Đức Kitô – Tin Mừng vĩnh cửu” để cuộc sống của họ thêm niềm hy vọng, thông truyền sức sống tình yêu và lan tỏa niềm bình an vô tận cho con người trong thế giới hôm nay.
Học Viện Huế FMV