Như thế nào là một giờ dạy giáo lý hữu hiệu? Câu hỏi xem ra dễ dàng để đưa ra câu trả lời, nhưng tiềm ẩn sau đó là cả một nghệ thuật. Dạy giáo lý không chỉ dừng lại ở việc trình bày kinh nghiệm hay bài vở có sẵn nhưng trên hết là một khoa sư phạm đức tin, ở đó người giảng dạy dẫn đưa giáo lý sinh đi vào trong mối tương quan với Thiên Chúa. Điều này càng trở nên cần thiết hơn cho người nữ tu Con Đức Mẹ Đi Viếng qua sứ mạng cộng tác với các giáo xứ trong việc mục vụ giáo lý. Đáp ứng mong đợi của chị em, khoá học bồi dưỡng sư phạm giáo lý của hơn 30 chị Vĩnh khấn và 40 chị Kinh viện đã được khai mở, với sự hướng dẫn của Frère Giuse Lê Văn Phượng, kéo dài trong 4 ngày (28 – 31/7/2024).
Ngày đầu tiên, chị em gặp gỡ, chào đón Frère trong bầu khí đượm tình gia đình. Mở đầu khóa học, Frère đặc biệt trình bày Huấn giáo của Giáo hội về việc dạy giáo lý theo đường hướng canh tân của Công đồng Vat II:“Việc dạy giáo lý hôm nay là một Kerýgma, mỗi lần dạy giáo lý là một lần tuyên xưng đức tin”. Frère tiếp tục khai sáng cho chị em thấy được tầm quan trọng của người giáo lý viên (GLV), nhà sư phạm đức tin, khi nhấn mạnh: “Sư phạm đức tin là trung thành với Thiên Chúa và với con người” bởi vì GLV không thể là thầy dạy đức tin cho người khác mà không là môn đệ xác tín và trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Theo lối khai triển đó, buổi chiều cùng ngày, Frère trình bày cho các học viên về 6 nguyên tắc căn bản của việc dạy – học giáo lý: Trước hết, việc dạy giáo lý phải được tiến hành trong đức tin, kế đó là nói Lời Chúa cách dễ hiểu, có hệ thống, điều lưu ý căn bản là dạy điều cốt yếu, việc dạy giáo lý sẽ không chạm đến đức tin nếu không được gắn liền với sinh hoạt phụng vụ, sau cùng là Lời Chúa phải được trình bày bằng ngôn ngữ con người.
Ngày 29/7, suốt buổi học sáng, Frère khai triển mối liên hệ các khía cạnh trong việc giáo dục với 3 nhân tố chính: mục đích, nội dung và phương pháp. Mục đích có tác dụng định hướng cho các hoạt động, nội dung là hệ thống các tri thức, kinh nghiệm và các chuẩn mực luân lý, còn phương pháp là cách thức hoạt động của người dạy và học. Hiểu được tác động của 3 nhân tố ấy trong việc giáo dục, GLV sẽ thiết lập mô hình tổ chức dạy-học giáo lý có quy hoạch và đạt hiệu quả. Theo đó, quy trình dạy học phải diễn ra trong năm bước: định hướng, lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và hiệu chỉnh. Giờ học chiều diễn tiến với tiết học về tiêu chí lập chương trình giáo lý. Dưới sự dẫn dắt của Frère, các học viên học cách thiết lập chương trình giáo lý qua việc xác định thời điểm năm học, các sinh hoạt ngoại khóa với thời gian thực học để sắp xếp và cân đối bài học hợp lý và có hiệu năng. Bài học này được các học viên tiếp nhận cách tích cực khi làm việc nhóm để xây dựng chương trình cho năm học mới.
Giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ những hoạt động vui chơi có thưởng xen kẽ các tiết học, kèm theo đó là một vài video hữu ích về giáo dục con người, nhờ đó các học viên thêm phấn khởi và tích cực hơn trong việc học.
Điểm qua những điều cơ bản liên quan đến giáo lý, các học viên hân hoan bước vào trọng tâm của khóa học về cách soạn giáo án. Suốt ngày học (30/7), Frère hướng dẫn chị em xây dựng kết cấu của một giờ dạy giáo lý mà GLV sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp. Một tiết dạy lý tưởng cần đạt được 4 mục tiêu thiết yếu: tri thức, thái độ, niềm tin và hành vi. Đây là điều mà rất ít GLV để ý vận dụng. Tiến trình thâm nhập bài giáo lý phải triển khai theo bước tổng hợp đến phân tích cắt nghĩa và bước sau cùng là đề ra phương pháp đào sâu nội dung; trong đó cách thức đặt câu hỏi chính xác và phù hợp sẽ đánh giá tính hiệu quả của một tiết học; các câu hỏi phải khởi đi từ câu hỏi gợi ý đến câu hỏi suy tư, tâm điểm là câu hỏi đào sâu và câu hỏi vận dụng nếu có. Việc đặt câu hỏi để dẫn giải nội dung có thể được thực hiện theo 2 hướng tư duy: kiểu tư duy tiến lên để đi đến một giải pháp hay kết luận và hướng đồng thuận để khám phá và mở rộng vấn đề. Áp dụng mô hình giáo án cách hợp lý là yếu tố quyết định tính hữu hiệu của một giờ dạy giáo lý. Để thực hành bài học này, các nhóm đã được hướng dẫn cùng nhau soạn thảo giáo án cụ thể cho một tiết dạy.
Ngày 31/7, buổi học cuối cùng, Frère đề cập vấn đề Kỷ luật trong lớp giáo lý. Ngài xác định rằng: 2 mục đích chính của việc kỷ luật là rèn luyện bản thân và đảm bảo tính chặt chẽ của tổ chức, đặc biệt lưu ý đến việc sửa phạt có hiệu quả giáo dục. Vậy người dạy dỗ người trẻ có trách nhiệm và bổn phận sửa phạt thế nào? Frère nhấn mạnh cách thức sửa dạy của người hướng dẫn đức tin phải được tiến hành trong tinh thần của Chúa; nói cho các em biết lỗi lầm của mình và trên hết là không tách rời việc cầu nguyện khi muốn sửa dạy. Việc sửa dạy cũng không đem đến lợi ích nếu thiếu lòng kiên nhẫn và tính khách quan. Người sửa dạy khôn ngoan phải chế ngự sự nóng giận và điều tiết cảm xúc. Vào đầu giờ học chiều, Frère dành thời gian sửa giáo án cho các nhóm và tỉ mỉ phân tích các tình tiết để có một bài giáo án trọn vẹn. Giờ học tiếp diễn trong vui nhộn nhờ màn xổ số trúng thưởng mà Frère cất công chuẩn bị, phải chăng là phần thưởng cho những ngày học chăm chỉ? Tất nhiên các học viên phải đưa ra đáp án chính xác mới có cơ may nhận quà.
Kết thúc trò chơi cũng là thời điểm khóa học dần khép lại. Chị Cố vấn Đào tạo thay lời Hội dòng, cách riêng cho hơn 70 học viên hiện diện, nói lời cảm ơn Frère. Bốn ngày trôi qua tuy không nhiều nhưng sự hy sinh và quảng đại về thời gian và sức khỏe của Frère nói lên tình thương mến mà Frère ưu tiên cho Hội dòng. Xin Thiên Chúa tình yêu luôn đồng hành và nâng đỡ Frère trong sứ vụ mà Frère đang lãnh nhận.
Kiến thức sẽ thành vô dụng bao lâu còn dừng lại trên sách vở. Sau khoá học, các kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc dạy Giáo lý, theo đúng khoa sư phạm đức tin, được củng cố, cập nhật. Ước mong mỗi chị em ý thức việc dạy giáo lý không chỉ là trách nhiệm mà hơn hết là một sự hiến tế cho Thiên Chúa, là cách thức tuyên xưng đức tin, như linh đạo Lasan mà Frère từng chia sẻ:“Mỗi giờ dạy học như là một Thánh lễ được cử hành”. Nhờ đó mỗi giờ giảng dạy được đạt hiệu quả thiêng liêng hầu làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Học viên Khoá Sư Phạm Giáo Lý