LỜI CHÚA
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
SUY NIỆM
Phê-rô được Chúa Giêsu nhận xét “thật là có phúc” vì được Chúa Cha mặc khải cho biết Chúa Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nhưng chẳng bao lâu sau ông lại bị Chúa Giêsu bảo là “Xa-tan“, là “cản lối Thầy“. Khi đọc đến đoạn này, có lẽ ta sẽ thấy phản ứng của Chúa Giêsu khá khó hiểu. Ta có thể cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng của Phê-rô trong lời trách của ông, và dường như phản ứng của ông cũng là một điều hết sức thông thường như khi ta nghe một người mình thương mến sắp làm chuyện “nguy hiểm chết người” như thế. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại quở trách ông cách nặng nề như vậy? Khi nghe những lời ấy của Chúa Giêsu, không biết Phê-rô có cảm giác gì, và ông phản ứng ra sao? Liệu ông có buồn, mất mát, thất vọng, tức giận và có muốn từ bỏ hay không? Tin Mừng không ghi lại cảm nhận và phản ứng của Phê-rô, nhưng cho dù ông có cảm xúc tiêu cực nào hay không đi chăng nữa, chúng ta đều biết rõ lựa chọn cuối cùng của ông: theo Chúa đến cùng!
Đặt vào hoàn cảnh sống của chúng ta hôm nay, nếu gặp phải một điều tương tự như Phê-rô, hẳn chúng ta sẽ cho rằng đó là “làm ơn mắc oán” hay “hảo tâm không có hảo báo”, khi sự quan tâm của ta chẳng được đón nhận hoặc thậm chí còn bị “chà đạp”. Và sự thường là ta dễ dàng để cho sự oán giận và bực bội làm thoái chí nản lòng mà bỏ cuộc. Tệ hơn, đôi khi sau một (vài) lần “mắc oán”, con tim bằng thịt của ta dần hoá đá, trở nên lạnh lẽo vô cảm trước tha nhân, chỉ biết bo bo lấy mình trước hết, dễ ngờ vực hoặc nhìn đời qua lăng kính của sự cay nghiệt. Hôm nay, chúng ta hãy học hỏi thánh Phê-rô, cho dù lòng tốt, sự quan tâm của chúng ta có bị đối xử như thế nào đi chăng nữa, thì xin hãy để lựa chọn sau cuối của chúng ta là: yêu thương cho đến cùng!
Một điều nữa mà chúng ta rút ra được trong bài Tin Mừng hôm nay. Ấy là, đôi khi có những điều chúng ta xem như là đau khổ, là tai hoạ nhưng thật ra lại là những ơn lành mang lại nhiều ích lợi. Trong mắt Phê-rô, việc Chúa Giêsu lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn là một bất hạnh khủng khiếp, nhưng sự thật đó lại là nguồn ơn cứu độ vô ngần cho nhân loại hưởng nhờ. Vốn dĩ chẳng ai trong chúng ta mong muốn phải đau khổ, lại càng khó để mà vui mừng chấp nhận đau khổ. Nhưng chính Chúa Giêsu Ki-tô, Đấng là Thiên Chúa và cũng là Người Anh Cả của chúng ta, đã đi bước trước để chỉ cho chúng ta thấy giá trị nhiệm màu của đau khổ nếu chúng ta biết đón nhận theo Thánh Ý Chúa. Ngày hôm nay, nếu có điều gì bạn cảm thấy khó chấp nhận, xin hãy để những lời Chúa Giêsu nói với Phê-rô vang lên trong tâm trí bạn. Ước gì những tư tưởng cố chấp của chúng ta được khuất phục trước Chúa, Đấng ngàn lần khôn ngoan thông thái hơn ta.
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng.” (Gr 20,7)
—-//—–//—–
Nhóm Bạn Đường Linh Thao