Thầy thuốc tự thân. Một khái niệm không mới nhưng có lẽ không nhiều người dành nhiều thời gian để tìm hiểu xem làm thế nào để mình tự chẩn đoán và chữa trị cho chính mình. Bởi với sự phát triển của ngành Đông y và Tây y, cùng với những dịch vụ y tế quá tiện ích ngày nay làm cho chúng ta thấy việc tìm tòi, nghiên cứu vấn đề trên là không thực sự cấp bách; thậm chí… không cần thiết! Thế nhưng, một phương pháp chẩn đoán và liệu pháp chữa trị mới cho phép mỗi người, nếu tìm hiểu và học hỏi đúng cách, có thể trở thành “bác sĩ” cho chính mình và cho người khác. Hơn nữa, điều đặc biệt của phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị này là không cần đến dược phẩm. Nhằm tạo điều kiện cho chị em học hỏi và áp dụng phương pháp mới này trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như phục vụ tha nhân trong sứ vụ, Hội Dòng đã tổ chức khóa học Diện Chẩn – Điều khiển Liệu Pháp. Khoá học được thực hiện trong 7 ngày (01 – 07.08.2024) cho 70 học viên là các chị em trong Dòng, một nữ giáo dân và một nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Khoá học được dẫn dắt bởi cô Maria Nguyễn Kim Phụng.
Ngày đầu tiên, chị em gặp gỡ và chào đón cô Kim Phụng trong bầu khí đượm tình gia đình. Tiết học đầu tiên diễn ra trong bầu khí phấn khởi và vui tươi. Ngày học đầu tiên, cô Kim Phụng nói về lịch sử, các đặc tính, cũng như các đồ hình phản chiếu của phương pháp chữa bệnh mới này. Theo cô Kim Phụng, người có thâm niên nghề 20 năm, Diện Chẩn – Điều khiển Liệu Pháp (Face diagnosis – Cybernetic Therapy – FACY) là một phương pháp phòng và trị bệnh mới, ra đời vào đầu năm 1980, do nhà nghiên cứu y học dân tộc, GS. TSKH. Bùi Quốc Châu sáng tạo. Diện Chẩn là phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh qua da trên vùng mặt và toàn thân bằng cách tác động lên những điểm rất nhạy cảm (gọi là Sinh huyệt) và vùng tương ứng với các bộ phận bị bệnh trên toàn thân được gọi là Đồ hình Phản chiếu. Cũng theo cô Phụng, khuôn mặt được xem như là điểm thông tin và kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ thể, dựa trên sự phản chiếu và đồng ứng với các bộ phận ngoại vi và nội tạng của cơ thể. Mỗi điểm phản xạ trên khuôn mặt sẽ phản ảnh một cơ quan tương ứng. Từ cơ sở này, ta có thể tác động lên các huyệt đạo trên khuôn mặt để tạo sự biến chuyển trên các cơ quan đó. Đặc biệt là sự kỳ diệu trong kết cấu cơ thể con người cũng như sự đơn giản bất ngờ của phương pháp, dụng cụ giúp chị em tích cực và hào hứng trong việc học hỏi và thực hành các thao tác.
Ngày thứ hai, chị em được cô Phụng hướng dẫn những phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh. Các chị được làm quen với các bộ huyệt trên cơ thể cũng như những tác dụng nhất định và cụ thể chúng. Sở dĩ chị em phải được làm quen và biết rõ về từng bộ huyệt cũng như tác dụng của chúng là vì khi tác động vào các huyệt đạo ở vùng mặt và một số vùng trên cơ thể bằng các kỹ thuật như ấn, day, lăn, xoa, cào… thông qua các công cụ của Diện Chẩn, thì sự tác động đó có khả năng điều khiển để tạo ra những hiệu ứng trên các bộ phận nội tạng và ngoại vi của cơ thể. Theo cô Kim Phụng, khi một bộ phận trong cơ thể ở trạng thái không khỏe mạnh, điều đó sẽ được báo hiệu trên da mặt vì da là “bộ não thứ hai” của con người. Dựa trên những dấu hiệu này, chúng ta sẽ biết được bộ phận nào trong cơ thể đang có vấn đề, từ đó tác động lên các huyệt đạo tương ứng. Việc tác động lên các các huyệt đạo cũng chính là việc khởi động cho quá trình điều chỉnh trên các bộ phận của cơ thể; cụ thể là não bộ sẽ tiết ra những phản ứng sinh hóa học cần thiết để tác động đến cơ quan nội tạng đang trong tình trạng bất ổn, từ đó lập lại sự quân bình cho cơ thể. Vì thế mà cơ chế vận hành này có tên là Điều khiển Liệu Pháp.
Những ngày tiếp theo, cô Kim Phụng nói về những căn bệnh thường gặp như: bệnh hô hấp, bệnh hệ niệu và sinh dục, bệnh hệ tiêu hóa, bệnh hệ vận động, bệnh Thần kinh, bệnh hệ tim mạch, bệnh về mắt và các bệnh khác, đồng thời hướng dẫn cách chi tiết những liệu pháp tương ứng để tiếp cận những loại bệnh này. Toàn bộ nội dung của khóa học này được trích dẫn từ bộ tài liệu Các phác đồ căn bản trong điều trị bệnh của lương y Tạ Minh, người được xem là một trong những học trò đầu tiên của lương y Bùi Quốc Châu, đồng thời cũng là người đầu tiên đem những nghiên cứu của thầy Châu ứng dụng vào thực tiễn chữa bệnh và ghi chú tỉ mỉ lại những phác đồ này. Chị em không những được thụ huấn những kiến thức mang tính lý thuyết, mà còn được thực hành với những dụng cụ chuyên dụng của Diện Chẩn. Do đó, chị em sôi nổi, hào hứng tranh thủ cả những giờ giải lao đến với cô Kim Phụng để được hướng dẫn thêm các thao tác thực hành thực tiễn này, cho từng trường hợp cụ thể.
Kết thúc khóa học, Chị Phụ trách Huấn luyện thay lời Hội Dòng, cách riêng cho 70 học viên, nói lời cảm ơn đến cô Kim Phụng. Quý chị em nhận được không chỉ những kiến thức, kỹ năng cho hành trang sứ vụ của mình, nhưng còn được thôi thúc và hâm nóng bởi sự nhiệt huyết và lòng quảng đại vì người khác của cô hướng dẫn. Từ đó giúp chị em xác tín hơn rằng: Không ai thi hành sứ mạng một mình, nhưng luôn luôn đồng hành cùng người khác, không chỉ với những chị em cùng Dòng, nhưng còn cùng với biết bao con người mà chị em không biết đến cũng đang miệt mài gieo rắc yêu thương và thực hiện sứ mạng Thiên Chúa trao phó. Sự hy sinh và quảng đại về thời gian và sức khỏe của cô Kim Phụng nói lên tình thương mến mà cô ưu ái cho Hội dòng.
Diện Chẩn – Một phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh mới nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng để có những kết quả tốt, thì ngoài việc học hành, tìm tòi học hỏi một cách có hệ thống, việc thực hiện các liệu pháp phải theo đúng tiêu chuẩn 3D: Đúng – Đủ – Đều. Ước mong khóa học này là động lực thôi thúc những chị em nào có ý hướng tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu một cách hệ thống phương pháp này nhằm giúp chính mình và tha nhân trên con đường phục vụ hầu làm sáng danh Chúa.
Học viên Khóa Diện Chẩn