MỤC LỤC
2.1. Công nghệ thông tin trong đời sống con người
2.2. Ai với ai hay ai với cái gì
3.1. Cuộc đời với những bóng mờ ảo.
3.2. Tìm lại chính mình dưới Ánh Sáng chân lý.
Dẫn nhập
Trào lưu tục hóa đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong thời đại của khoa kỹ thuật hôm nay. Thật vậy, đứng trước sự phát triển không ngừng của thời đại công nghệ đó, đời sống con người được nâng cao. Tuy nhiên, nó cũng là một sự thách thức và là một vấn nạn cần được quan tâm. Tôi thử hỏi, liệu những vòng xoay lấp lánh của thời đại đó có đưa con người đến với ánh sáng chân lý, có dẫn con người tới hạnh phúc đích thật hay không? Hay chỉ là thứ lấp lánh mờ ảo, không chiếu sáng hết những góc khuất tăm tối của phận người; mà ngược lại còn làm cho đời sống của con người nói chung, cũng như người Kitô hữu nói riêng bắt đầu bị biến thể và thấm chất tục hóa. Liệu con người thời đại hôm nay, có được một sự trong sáng như thánh Tô-ma, để giúp họ vượt qua được những giả trá trong mọi lãnh vực, giả trá trong danh vọng, lối sống, giả trá trong đam mê, trong nhận thức và cả trong một thứ tôn giáo méo mó nào đó,…..để rồi đặt đời mình chìm ngập trong ánh sáng của chân lý, của tình yêu nơi Thiên Chúa với niềm xác tín như thánh nhân: “Ân sủng không phá hủy tự nhiên nhưng kiện toàn tự nhiên”. Với thánh Tô-ma, phần tự nhiên của chúng ta được xem như một mảnh đất, mà chính Thiên Chúa sẽ gieo vào đó những Ân sủng của Ngài. Mảnh đất đó sẽ giúp Ân sủng bén rễ và lớn lên, nếu con người biết cày xới và gieo trồng những gì phù hợp với nó.
Trong nghề nông nghiệp, tôi nhận thức được rằng, hạt lúa không thể nảy mầm và sinh nhiều bông hạt nếu nó không được gieo vãi trên một mảnh đất tươi tốt, phì nhiêu. Thật vậy, hạt giống được xem là Ân sủng mà Thiên Chúa gieo vãi vào trần gian. Một cuộc gieo vãi cách quãng đại, cho đến hạt giống cuối cùng là Đức Giêsu, Ngôi lời Nhập Thể. Ngài không từ khước thế gian, nhưng Ngài sống giữa thế gian với một sự không thuộc về. Ngài không phủ nhận những giá trị trong thế gian, nhưng Ngài minh chứng cho thế gian thấy, những giá trị đó chỉ là phương tiện để con người đạt tới hạnh phúc đích thực, chứ không phải là hạnh phúc đích thực.
Tuy nhiên, một điều nghịch lý trong cuộc sống hôm nay là con người lại luôn bị nhập nhằng hay nhầm lẫn giữa hạnh phúc đích thực và giả tạo của cuộc sống. Họ không ngừng nổ lực tìm kiếm thành công, không ngừng chạy theo sự phát triển của xã hội để khẳng định chính mình, nhưng rồi chợt nhận ra không một điều gì trong đó có thể khỏa lấp được cõi lòng của họ. Họ khép dần mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân theo những xu hướng của thời đại. Một lối sống đề cao cá nhân đến nổi đi đến chủ nghĩa MACKENO đầy nổi trội trong thế giới hôm nay. Sự tục hóa này dần làm cho những giá trị nhân phẩm con người dường như bị biến chất một cách sâu xa, bởi một lối sống loại trừ Thiên Chúa và vô cảm với tha nhân. Họ rơi vào chứng mất trí nhớ mà lãng quên rằng: “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên chúa và trong Tình Yêu Thiên Chúa, nên họ luôn mang trong mình khát vọng tìm về Đấng là nguồn mạch vô biên”. Đó là sự tục hóa mà tôi muốn bàn đến trong bài viết này.
Trong cảm thức của con người, dù họ có học vấn hay không, họ vẫn có thể nhận ra và đánh giá một cách khách quan những biến chuyển của nền văn hóa xã hội.Từ thời xa xưa cho đến nay, bên cạnh những truyền thống và phong cách sống tốt đẹp, vẫn luôn tồn tại những phản ứng trái chiều, đi trệch với cái nhân của con người và cái mỹ của đời sống. Đó là sự thế tục hóa. Theo tiến trình của các giai đoạn, các thời kỳ lịch sử, tục hóa mang những ý niệm khác nhau.
Trong thần học của Thánh Phaolô, từ ngữ này được dùng để chỉ “thế giới hiện tại bị tội lỗi thống trị.” Đến thời đầu Trung cổ từ ngữ Saeculum được các Giáo Phụ sử dụng để chỉ thế giới mà người ta phải xa lánh, thế giới của những chuyện trần gian như chính trị, kinh tế, gia đình… Như thế từ một quan niệm trong Kinh Thánh có tính chất luân lý, từ ngữ đã chuyển sang ý nghĩa không gian và thời gian cụ thể. Theo đó, tất cả những sinh hoạt trần thế trong cuộc sống trần gian điều trở thành xấu xa. Vậy nên, có thể nói nguồn gốc trào lưu tục hóa được xuất phát từ Kinh Thánh. Từ quan niệm tội lỗi: thế gian, xác thịt, ma quỷ, xã hội – tôn giáo. Trung cổ Tây Âu phân chia người Kitô hữu ra làm hai loại: Những con người thiêng liêng bao gồm các tu sĩ và hàng Giáo phẩm; còn những con người xác thịt là những người giáo dân.
Trong bối cảnh đó, thế tục hóa là một trào lưu chống lại và đi đến lập trường triệt để: người ta muốn làm giàu, muốn thăng tiến hơn là muốn nên thánh. Thế tục hóa sau đó gắn liền với thời đại khoa học kỹ thuật, với tinh thần duy lý, với thái độ thực dụng, với tinh thần thụ hưởng của nền kinh tế thị trường và xã hội tiêu thụ với nhiều hiện trạng như: Các sinh hoạt tôn giáo ngày càng ít người tham dự, nhiều người Kitô hữu chỉ đến nhà thờ ba lần trong đời: sinh ra, kết hôn và qua đời. Khá đông tín hữu Tây Phương không còn cần đến ân phúc Chúa qua các sinh hoạt phụng tự. Ngược lại, tất cả cuộc sống được giải quyết bằng khoa học và các phương tiện kỹ thuật tân tiến. Với những ưu thế về đời sống vật chất, nhiều tín hữu cảm thấy ý nghĩa và giá trị tôn giáo như thuộc về một thế giới khác, thế giới “khảo cổ”. Chính những cảm thức này đã đưa con người dần đi vào một thế giới chỉ còn biêt đến chính mình với nhu cầu, lợi ích vật chất, mà không còn nghĩ đến hay tìm kiếm những giá trị tinh thần nữa.
Từ những ý niệm trên, theo phát biểu của cha Raniero Cantalamessa: “Tục hóa là một hiện tượng phức tạp và hàm hồ, hỗn độn. Tục hóa có thể ám chỉ sự độc lập của các thực tại trần thế và sự phân biệt giữa nước Chúa và nước của Cesar. Tục hóa cũng có thể ám chỉ các thái độ đối nghịch đối với tôn giáo và đức tin. Thật vậy, tục hóa đã len lỏi vào tâm tình tôn giáo từ lâu, từ thời Chúa Giêsu, gán cho Chúa Giêsu, Thiên Chúa đủ điều nhưng không do Thiên Chúa, lấy ý mình làm ý Chúa. Vì thế, người ta thấy không phải là hiếm gặp những người “mang danh đạo đức” nhưng lại có những ứng xử thiếu nhân bản và biểu lộ một cõi lòng ích kỷ sâu xa mà người ta khó có thể chấp nhận được. Đó là lối sống, là căn bệnh mà Chúa Giêsu đã thường lên án những người Pharisêu và kinh sư trong Kinh Thánh. Căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. Khốn cho các người ! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”(Lc 11, 42- 46). Quả thật, căn bệnh này vừa nguy hại đến mối tương giao người-người, làm băng hoại xã hội, đồng thời nó lây lan nhanh chóng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Thế nhưng thật là một điều tệ hại cho người thời đại, khi sự tục hóa đó hầu như ngày càng tái diễn và phát triển một cách nhanh chóng, đậm nét hơn trong cuộc sống quá hiện đại hôm nay. Thời đại mà người ta đang lượt bỏ đi cái huyền nhiệm nơi nhau, còn đồng tiền được đưa lên hàng đầu; và lợi ích cá nhân đặt trên lợi ích của tập thể. Họ thờ ơ với cảm xúc của họ, với những cái đẹp-xấu, thiện-ác, với các hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Thế nên giữa một thời đại mà con người đáng lẽ ra có thể có một tương quan thật gần gũi nhau, nhờ những sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thì sự tục hóa lại làm khoảng cách đó bị lệch đi, đến mức con người không còn nhận ra đâu là phương tiện, đâu là mục đích của đời mình.
Học viện Bêtania FMV
(còn tiếp…..)