2. Thế giới thật gần nhưng thật xa
2.1. Công nghệ thông tin trong đời sống con người
Ngày nay, đi đôi với sự phát triển của công nghệ truyền thông, khoảng cách giữa người với người dần dần được thu hẹp. Việc nói chuyện hay nhìn thấy một người ở xa, không còn là một điều bất khả thi, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, họ có thể thực hiện những điều mà cách đây vài chục năm không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, như con dao hai lưỡi, công nghệ truyền thông có thể làm con người xích lại gần nhau, nhưng cũng có thể đẩy con người ra xa nhau, ngay cả trong đời sống thánh hiến.
Khi đi ngoài đường hay bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những chiếc điện thoại, ipad hay laptop cùng với những con người đang chăm chăm chú chú làm việc, học hành, giải trí hay đang nói chuyện với một ai đó. Giữa công nghệ truyền thông và đời sống, con người đã vô thức hình thành một sự gắn kết sâu đậm và bổ trợ lẫn nhau. Do đó, sẽ là một sự thiệt thòi trong rất nhiều phương diện nếu như không thể sử dụng chúng. Theo đánh giá khách quan và với nhận thức của con người, công nghệ truyền thông đã mang lại rất nhiều tiện ích trong nhiều lĩnh vực như làm việc, học hành và tất nhiên bao gồm cả việc truyền giáo. Gần đây Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh cho một vị thánh trẻ đã sử dụng mạng Internet để đưa nhiều người đến với Chúa, giúp họ nhận ra sự hiện diện và tình thương của Ngài, đặc biệt là giới trẻ. Vị thánh này được mệnh danh là vị thánh mặc quần Jean, Carlo Acutis. Nhiều Hội Dòng, nhiều Giáo xứ đã sử dụng sự nhanh nhạy và rộng rãi của phương tiện truyền thông để giúp cho dân mạng tiếp cận với Lời Chúa và tình hình của Giáo Hội Toàn cầu cũng như Giáo Hội địa phương. Có rất nhiều người đã cảm thấy ấm áp và tâm hồn bình an khi mỗi ngày được đọc những câu Lời Chúa đầy ý nghĩa và giúp họ nhận thức cuộc sống đầy ý nghĩa và hạnh phúc, đặc biệt cảm nhận sự gần gũi của Lời Chúa trong điện thoại hay máy tính của mình. Như vậy, dù cách xa về địa lý, con người cũng có thể chuyển tải những tâm tư, tình cảm của mình cho người khác, và cảm thấy gần gũi với nhau khi họ cùng chia sẻ những cảm thức với nhau.
Bên cạnh những lợi ích do công nghệ truyền thông mang lại, đã có rất nhiều tình huống đáng buồn và đáng tiếc xảy ra do không biết cách sử dụng hay quá lạm dụng chúng. Thật gần nhưng thật xa khi hai con người ngồi cạnh nhau nhưng không nói với nhau một lời vì đang bận bấm điện thoại. Có lẽ nhiều người sẽ bật cười khi chứng kiến việc hai người cạnh nhau nhưng không nói trực tiếp diện đối diện, mà chỉ nói thông qua điện thoại. Tình trạng này ta không chỉ thấy ở bên ngoài, với những con người bận rộn mà còn chứng kiến một cách thường xuyên trong đời sống tu trì. Sẽ rất buồn khi một người tu sĩ cảm thấy tình trạng này là một chuyện rất bình thường của thời đại. Đồng thời, thật đáng tiếc khi một số tu sĩ thích nói chuyện với ai đó trong điện thoại hơn là nói chuyện với Chúa và với người chị em, anh em bên cạnh mình. Đời sống và tâm trí của họ luôn bị chi phối bởi chiếc Alô, nhưng hơn cả là chiếc Alô với nhiều chức năng trong tay của họ. Hơn nữa, một số người đã tự biện minh rằng họ đang truyền giáo thông qua Internet, hay đang thiết lập các mối quan hệ và duy trì chúng để giúp ích cho Hội Dòng.
Thật vậy, công nghệ truyền thông đang dần dần làm lu mờ những khái niệm và nhận thức của họ về chính họ và bản chất của đời sống thánh hiến. Một cách chắc chắn, những người đó không có thời gian và có lẽ pha lẫn một chút sợ hãi để tự vấn bản thân: Tôi là ai? Tôi có đang sống đúng ơn gọi của tôi không? Tôi có còn quan tâm đến chị em, anh em của tôi không? Việc xét mình mỗi ngày hay trước mỗi việc làm, biến cố xảy ra trong ngày sẽ giúp người tu sĩ trước tiên nhận biết Chúa và nhận biết bản thân, sau đó nhận thức được sự tiến bước hay thụt lùi của mình, và biết được mình đang dành ưu tiên cho cái gì, cụ thể là trong đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, nhiều tu sĩ chỉ coi đó như một điều luật cần phải tuân hành và làm theo chiếu lệ, và một điều tất nhiên, họ không thể nhận ra họ đang dần lún sâu vào các đam mê, làm tổn thương chính mình và ơn gọi của mình, đồng thời dần dần trở nên vô cảm hay không còn nhạy bén trước những nhu cầu và đau khổ của người chị em, anh em bên cạnh mình.
Mục đích sử dụng truyền thông có thể tốt nhưng cũng có thể không tốt, có thể lúc đầu thì tốt nhưng sau đó thì không, tất cả đều phụ thuộc vào ý thức và ý chí của người sử dụng, cách riêng là đời sống cầu nguyện của người thánh hiến.
2.2. Ai với ai hay ai với cái gì
Nhiều tu sĩ đã gặt hái được rất nhiều thành quả nhờ sử dụng công nghệ truyền thông. Họ đã giúp cho rất nhiều người nhận ra rằng: Trên quả đất này vẫn luôn có sự hiện diện của một Đấng Vô Hình nhưng rất gần gũi với họ, Ngài luôn ở đó, bên cạnh họ, song hành với họ trên từng bước đường họ đang đi. Thật vậy, trong tâm khảm mỗi người, luôn có một khát vọng sâu xa vươn đến những gì là hoàn hảo, vươn đến một điều có thể làm thỏa mãn cách toàn vẹn linh hồn của họ. Nhận thức được sự bất toàn của mình, con người luôn không ngừng tìm kiếm và chỉ có thể gặp được nơi Đấng Tạo Dựng nên họ. Tiếp cận với công nghệ truyền thông đã giúp con người tiếp cận với tri thức của thế giới, mở rộng tri thức luôn đi đôi với sự mở rộng tâm hồn và cái nhìn của mình. Nhờ đó, nhiều tu sĩ đã và đang có thể dễ dàng thâm nhập vào đời sống thường nhật của con người, với nhiều biến động thăng trầm và nhiều cung bậc cảm xúc. Thật xa nhưng thật gần khi khoảng cách về địa lý không thể ngăn cản con người chia sẻ với nhau, an ủi nhau và giúp đỡ nhau vượt qua những rào cản của cuộc lữ hành, dù không hoàn toàn trong tất cả.
Bản chất mọi thứ đều rất tốt, nhưng chúng luôn tiềm ẩn những cám dỗ khi con người sử dụng với những mục đích nhuốm màu vẩn đục. Khi đời sống cầu nguyện đi xuống, người tu sĩ có thể bắt đầu mất kiểm soát, họ tìm mọi lý do để biện minh hay an ủi mình. Một nguyên nhân sâu xa là do những ức chế trong một thời gian dài ở giai đoạn đào tạo cơ bản, thay vì xây dựng đời sống cá vị thâm sâu với Chúa, để dần dần thanh thoát và thanh lọc những điều không thích hợp với ơn gọi của mình, họ tìm cách để đền bù và thỏa mãn những đam mê và nhu cầu của bản thân. Thay vì sống cho và với chị em, anh em trong cộng đoàn, họ dần quên đi cảm thức về sự gắn bó, sự hổ tương của những người cùng chung một gia đình thiêng thiêng, để sống trong thế giới ích kỉ cá nhân. Thay vì cùng giúp đỡ nhau để nhanh chóng hoàn tất công việc, cùng nhau chia sẻ những sự việc xảy ra trong ngày, hay chỉ là những cuộc nói chuyện giúp nhau thư giản và gắn kết tình huynh đệ. Họ chọn lựa đóng cửa phòng lại, vì còn bận phải trả lời những cuộc gọi và những comments. Sự bận rộn do công nghệ truyền thông đem lại có thể làm cho người tu sĩ không còn thời gian, để quan tâm đến cuộc sống của người bên cạnh, nhạy bén trước những thay đổi và những khó khăn của họ. Có người nói rằng: Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu. Thật vậy, “tu nhưng không tu,” nhiều tu sĩ đang rơi vào ngã rẽ của hai hướng, bàn chân của họ cứ bị khập khiễng làm cho đời sống họ không hạnh phúc, hay chỉ là hạnh phúc giả tạo mà họ đang nổ lực tạo ra để lừa dối chính mình. Trong tâm khảm mỗi con người, cái tôi luôn tồn tại và họ không thể chạy trốn chính mình, dù họ có thể chạy trốn hay lừa dối người khác. Hơn nữa, có một Đấng luôn nhìn thấy dù họ “đi lại hay nghỉ ngơi,” “chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây” (Tv 139, 3. 9). Vì vậy, công nghệ truyền thông có thể làm người tu sĩ rơi vào ngõ cụt của ơn gọi thánh hiến, khi họ mất dần mối tương quan với Đấng duy nhất có thể mang đến hạnh phúc đích thực, và tình huynh đệ với những người nhà thiêng liêng của mình, bằng việc tạo lập những mối tương quan nhân loại trên chiếc Alô của mình, với những niềm vui và bình an giả tạo.
3. Sân khấu cuộc đời
3.1. Cuộc đời với những bóng mờ ảo
Tục hóa được ví như một sân khấu, với những ánh đèn lấp lánh và những bộ trang phục lộng lẫy, nhiều sắc thái mà các diễn viên, các anh hề đang mặc để biểu diễn các tiết mục của mình. Thế nhưng bên trong những bộ trang phục đó lại là những mảnh đời hết sức kỳ diệu mà họ phải đảm nhiệm. Là những diễn viên, họ vui họ buồn với vai diễn, chứ không phải là sống với cảm xúc thật của mình. Có thể nói, họ mang trong mình ơn gọi của một ngôi sao. Những ánh đèn sân khấu, những tiếng vỗ tay của khán giả giúp họ cảm thấy cuộc sống của họ có giá trị và làm họ rơi vào vào một thế giới ảo. Thế giới với những ánh đèn pha đầy màu sắc của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học kỹ thuật chỉ có thể tô điểm và pha chiếu nhiều màu sắc cho cuộc sống của con người, làm cho sân khấu cuộc đời của họ thêm lộng lẫy mà thôi, còn các diễn viên mới là những phần tử thể hiện mục đích và ý nghĩa của các thông điệp cuộc sống. Bởi lẽ, những ánh đèn sân khấu đó không thể đụng chạm đến cõi lòng của phận người. Những cõi lòng được trang điểm và hóa trang như những anh hề trên sân khấu. Người xem chỉ có thể biết về họ với những vai diễn chứ không thể biết về cuộc đời của họ đằng sau bức màng sân khấu.
Cũng vậy, sống trong thời đại @ hôm nay, chất lượng cuộc sống của con người được phát triển hơn, nhưng tôi thiết nghĩ đó cũng chỉ là một sự gia tăng giá trị bề mặt của cuộc sống, chứ không thể gia tăng và đụng chạm đến giá trị tinh thần sâu thẳm của phận người. Đó có thể là một tâm hồn trống rỗng đang cần được lấp đầy bởi Tình Yêu của Đấng Siêu Việt, của những người anh chị em đang sống bên cạnh họ. Một nội tâm chất chứa bao nỗi ưu sầu nặng nề đang cần sự sẻ chia, nâng đỡ của thực tại mà họ phải đảm nhận, cũng như những thử thách của phận người. Tắt một lời, đó là tất cả những gì thuộc về cuộc sống của họ. Chính vì thế, triết gia Marcel xác tín rằng “hữu thể người” là một huyền nhiệm, vì con người có mối dây liên kết đặc biệt với Thượng Đế siêu việt toàn năng. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8, 5).
Thật vậy, thế giới với những chuyển biến liên tục của công nghệ, khoa học kỹ thuật cũng giống như một sân khấu với những màn trình diễn khác nhau. Nó luôn hấp dẫn và thu hút sự chú ý của con người. Đến nỗi những bạn trẻ có thể bỏ ra cả hàng chục giờ trong ngày chỉ để online, chơi game,…..mà không cần quan tâm đến những gì đang xảy ra với người khác, với thế giới. Dường như họ đang để mình trở nên những chiếc tủ lạnh di động, dưới ánh sáng lấp lánh của công nghệ truyền thông và sống ảo với thế giới đó. Từ góc nhìn của mình, tôi nhận thấy rằng: càng sống trong thế giới văn minh, con người càng trở nên lãnh đạm, vô cảm với nhau hơn. Khi con người càng nhà cao cửa rộng bao nhiêu thì họ lại càng thu hẹp tương quan với tha nhân, hàng xóm bấy nhiêu. Theo thời gian, con người chỉ biết sống theo kiểu: “Đèn nhà ai, nhà nấy sáng”. Họ chỉ quanh quẩn trong cái tôi của mình, chẳng cần quan tâm đến nỗi khốn cùng của tha nhân và điều xót xa hơn nữa là họ lại thỏa mãn những niềm vui nham nhở của mình, trên sự đau khổ và bất hạnh của người khác qua những phương tiện truyền thông. Họ tạo ra những hoạt cảnh giả tạo để mua like, làm phồng lên hình tượng của chính mình, thay vì để trái tim mình được rung cảm và thể hiện lòng chạnh thương trước những nỗi khổ đau của tha nhân. Thế nên mới xảy ra nhan nhản những vụ học sinh quay video, chụp ảnh khi thấy bạn bè đánh nhau. Những con người chạy ra để thu lấy những món hàng về cho chính mình, thay vì đưa tay ra để nhặt giúp nạn nhân khi xe của họ bị lật đổ. Dường như những giọt nước mắt, những lời cầu xin, van nài của tha nhân chẳng đụng chạm đến cõi lòng của họ. Một sự xa cách sâu thẳm của cõi lòng, đã xảy ra ngay từ thời Chúa Giêsu như chuyện dụ ngôn người phú hộ giàu có và người nghèo Ladarô. Dụ ngôn này vẫn còn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay, bởi bao lâu người ta vẫn qui về mình, hoặc chỉ đặt trọng tâm vào sự vật trung gian, vào phương thức diễn tả cho đúng đắn, cũng như còn lợi dụng tai hoạ của người khác để kiếm lợi cho bản thân mình, thay vì tìm kiếm một thái độ, một hành vi đúng đắn trong mối tương quan liên đới, thì thứ “vô cảm thấp hèn” này vẫn đang lan rộng trong cuộc sống chúng ta. Điều này được thể hiện một cách nổi bật hơn hết, qua dụ ngôn Samaritano trong Kinh Thánh (Lc 10, 29-37). Sự vô cảm, ích kỷ đã lôi kéo con người ra xa người hoạn nạn với những lý do khác nhau. Họ đã đi qua mà không hề nhìn anh ta, hoặc có lẽ họ đã nghĩ chà! một người không may mắn chứ không thấy đó là một người thân cận của họ. Họ chỉ biết hỏi xem: Ai là người đã làm nên điều này mà không tự hỏi xem trái tim mình có bị chai cứng không? Trái tim mình có trở thành băng giá không trước con người đáng thương này.
Thực ra xã hội nào cũng tồn tại hiện tượng này không ít thì nhiều. Một khi không dựa trên tính liên vị, lòng trung thành sáng tạo và tình yêu, thì ta dễ xem con người đơn thuần chỉ là “ai đó xa lạ”. Qua đó cho chúng ta thấy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng vô cảm của con người xa xưa, thời Chúa Giêsu cũng như trong thời đại hôm nay không chỉ nằm ở ngoại tại, mà còn ở cõi lòng. Cõi lòng tôi muốn nói tới ở đây, không phải là nơi phát xuất tình cảm của con người, để đối chiếu với tâm trí là nơi phát xuất các ý tưởng, mà cõi lòng được đề cập ở đây là trung tâm của con người, nơi Thiên Chúa đến và ở lại với con người và đem cho con người những ân sủng của Ngài là Đức tin, Đức cậy, Đức mến. Chính vì thế, khi con người chối bỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa là lúc họ đã không cho phép cõi lòng mình đi vào trong các mối tương quan; cũng như không thể kinh nghiệm được rằng, họ là con cái Thiên chúa và là anh chị em với nhau.
Hệ quả này một mặt là do họ không nhận biết về giá trị và phẩm giá cao quý của chính mình mình và của tha nhân, nên đi đến hạ thấp phẩm giá con người. Mặt khác là do họ lãng quên bản chất thánh thiêng và tình yêu mà Thiên Chúa gieo vào lòng con người. Một cách nào đó, suốt những thế kỷ qua con người thường lầm tưởng rằng cái làm nên con người chính là trí tuệ. Ngay cả những người không quen với tiếng Latinh cũng đều biết định nghĩa về con người của Seneca: Con người là một sinh vật có lý trí. Thế nhưng, theo dòng mạc khải chúng ta nhận ra rằng, điều làm nên con người trước hết không phải là lý trí, nhưng là cõi lòng chúng ta; và cái đem lại cho ta căn tính đặc biệt của mình trong tạo thành này, trước hết không phải khả năng suy nghĩ, mà là khả năng yêu thương. Vậy nên, ai đó sẽ bỏ mất mầu nhiệm thánh thiêng này nếu chỉ nhìn thấy một người, ngay cả người bại não trong chiều kích lý trí. Bởi lẽ dù họ là ai, thì họ vẫn có đầy khả năng đón nhận và trao ban tình yêu. Họ vẫn là một con người đầy đủ chứ không phải là chỉ là người có một chút, không phải chỉ là người có một nữa, cũng không phải gần như con người, nhưng là người đầy đủ và toàn diện, vì toàn bộ con người họ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa[1]. Thế mà, trong thời đại văn minh này, khi mọi cái đều cần phải trả phí để được phục vụ, đến việc tiêm vacxin hay điều trị Co-vid cũng phải có tiền mới được vào viện, thì việc phá thai hôm nay lại được khuyến khích và đôi khi còn cho không chẳng tốn đồng nào. Đứng trước thực trạng phẩm giá con người đang bị hạ giá, bởi những trào lưu tục hóa đó, con người cần được đánh thức bằng lương tri và sự trở về của cõi lòng.
3.2. Tìm lại chính mình dưới Ánh Sáng chân lý
Trong một thời đại vàng thau lẫn lộn hôm nay, con người không ngừng ra sức sáng tạo nên những chiếc mặt nạ cho mình, những chiếc mặt nạ khác nhau để phù hợp với vai diễn của mình trên sân khấu. Đôi khi họ mải miết với việc đóng vai đến nỗi sống ảo tưởng trong vai diễn. Họ quên mất đi chính bản thân mình là ai và những người đang sống bên cạnh họ là ai. Điều này dần tạo nên những vết nứt bên trong nhân cách của con người giữa thời đại sân khấu hôm nay. Thật vậy sự khác nhau giữa sân khấu điện ảnh và sân khấu cuộc đời là vai diễn. Điện ảnh chỉ là sự hóa trang của một số người trong chuyên nghành, nhằm mang lại tiếng cười cho con người. Còn sân khấu cuộc đời thì mỗi người đều là những diễn viên, phải thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong thực tại cuộc sống theo mỗi ơn gọi. Chính vì thế mà con người luôn cần đến nhau, cần gánh nhau trong cuộc đời. Không chỉ là gánh nặng của cái nghèo đói, của bệnh tình thể lý, mà còn là những gánh nặng của tinh thần. Những nỗi niềm đang cần ai đó để chia sẻ, để cùng đối diện. Thế nhưng thực tế trong cuộc sống cho thấy, con người đang sống tình đồng loại với nhau một cách rất thờ ơ, hời hợt như những khán giả ngồi xem một vở kịch sân khấu điện ảnh. Một chút suýt xoa khi người khác gặp nạn, rồi quên lãng chẳng chút bận tâm; hay có khi là vài cái vỗ tay trước cái hay, cái giỏi của người khác. Đối với họ, đó là những gì của người khác chứ không phải của tôi, người thân tôi v.v.
Ngay cả trong đời sống tu trì của những người thánh hiến, thực trạng tục hóa này vẫn đang len lỏi vào đời sống của họ một cách tinh vi. Đó có thể là việc tu sĩ tìm kiếm những hư danh để rồi sẵn sàng nói xấu, hạ bệ nhau. Tôi cảm tưởng sống trong một xã hội phát triển, người tu sĩ trở nên bận rộn với cuộc sống và với những dự định riêng của mình hơn, nên đôi lúc một cách vô thức họ đã tạo nên khoảng cách giữa mình với anh, chị em trong cộng đoàn; cũng như có ít thời gian để quan tâm hay thăm viếng người khác hơn. Đôi lúc, một số tu sĩ đã quên đi mình “là tu sĩ” và chỉ thích “làm tu sĩ” mà thôi. Họ nghĩ mình cần phải hòa nhịp với thời đại để việc “Loan báo Tin Mừng” được thể hiện một cách hữu hiệu hơn. Thế nhưng, điều đáng buồn là họ lại để mình bị hòa tan vào trong đó, để rồi không sống đúng căn tính của một người tu sĩ. Chúng ta thấy rõ điều đó nơi những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, nơi những người hoàn toàn tùy thuộc hiện tại của họ, đam mê, tính thay đổi nhất thời, và những thứ kỳ quặc khác, để rồi ngày càng trở thành nô lệ cho các thần tượng mà tay họ kiến tạo nên. Họ cắt giảm những giờ cầu nguyện để thêm giờ cho các hoạt động. Đức Thánh Cha Phanxico gọi đây là căn bệnh “suy thoái não bộ tinh thần,” hay là quên đi ”lịch sử cứu độ,” lịch sử quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2,4). Bên cạnh đó, những cuộc trò chuyện, chơi chung với cộng đoàn được thay thế bằng những giờ trong phòng riêng và những giờ nói chuyện trung gian. Dần dần họ trở nên dửng dưng với người khác.
Thật vậy, khi mỗi người chỉ nghĩ đến mình và đánh mất sự thành thực và quan hệ nồng nhiệt với nhau. Khi người giỏi nhất không đặt kiến thức của mình để phục vụ đồng nghiệp yếu kém hơn. Khi người ta biết được điều gì và giữ riêng cho mình thay vì chia sẻ tích cực với những người khác. Khi vì ghen tương và tinh ranh, họ cảm thấy vui mừng khi thấy người khác ngã xuống, thay vì nâng người ấy dậy và khích lệ họ, thì con người đã vô tình làm cho mình trở nên những chiếc tủ lạnh biết di chuyển bằng thực trạng sống đó (ĐTC Phanxicô, Những căn bệnh của Giáo triều Rôma cần chữa trị, 2021).
Tôi nhận thấy rằng, những điều này thật là một sự nghịch lý, đối lập với tâm thức cần có nơi người thánh hiến. Bởi lẽ nó là nguồn gốc của biết bao lệch lạc, xung đột trong đời sống của họ. Hơn nữa, lối sống đó sẽ ngày càng ăn sâu và bào mòn đi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, làm cho con người không còn thuộc về Thiên Chúa và thuộc về nhau nữa. Nói cách khác, đó là một đời sống bị chi phối và ảnh hưởng bởi tinh thần thế tục, với những lỗ thủng của nẻo đường luân lý, cùng với tầm ảnh hưởng nghiêm trọng của công nghệ thông tin và của các chủ thuyết vào trong đời sống Giáo Hội và nhân loại. Một thế giới đổ vỡ tình thương như trong thời kỳ đầu của nhân loại, Cain giết Aben chỉ vì sự ghen tức và khi Thiên chúa hỏi tới “Em ngươi đâu? Ông đã trả lời con không biết, con là người giữ em con sao (St 3, 9-10); cùng với bao đỗ vỡ khác trong cuộc đời chỉ vì sự vô cảm này. Trên đường đời, hiện tượng vô cảm vẫn xảy ra nhan nhản quanh ta: thai nhi bị chính cha mẹ mình giết bỏ; con cái hắt hủi cha mẹ, cá lớn nuốt cá bé, người giàu khinh kẻ nghèo, người quyền thế áp bức dân lành, lạnh lùng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại v.v. Một thái độ chẳng còn chút trách nhiệm nào trên sự sống của người đồng loại, cũng như một tâm thức đang mất dần ý thức và cảm giác về sự hiện hữu.
Đứng trước sự tục hóa về nhân cách đó tôi thiết nghĩ, việc gây lại ý thức và tìm lại cảm giác của một mối tương giao trong tình liên đới, là điều cần thiết cho mỗi người hôm nay. Điều này có thể nảy sinh từ những lần gặp gỡ chân thành trong tương quan liên vị. Một mối tương giao thiết yếu cần phải có và không gì có thể thay thế được, để qua đó mọi người có thể hưởng được cuộc sống triển nở bình an, bằng sự trung thành sáng tạo cho nhau hạnh phúc. Bởi lẽ, con người được Thiên Chúa sáng tạo nên để sống với Chúa và sống với nhau. Đó chính là món quà Thượng Đế ban cho con người. Theo quan điểm Kitô giáo, con người lao động, con người hưởng thụ, con người thống trị,.. chưa phải là con người đích thực. Con người cần lao động, con người cần khai thác và hưởng dùng những sản phẩm của thiên nhiên, nhưng đó không phải là lẽ sống của con người mà chỉ là phương tiện để con người góp phần xây dựng tình yêu thương.[2] Tuy nhiên, vấn đề hệ ở chỗ con người có mở lòng để đón nhận món quà; hay mở rộng để đón chào tiếng nói của Đấng siêu việt, để thực thi sứ mạng xây dựng thế giới yêu thương hay không? Hay chỉ biết tìm kiếm sứ mạng làm chủ trái đất. Chính vì thế, tinh thần trân trọng đối với mọi người và rộng mở đối với chân lý là một đặc nét trong đời sống của Thánh Tô-ma. Ngài cho rằng, ở trần gian này không phải trí tuệ, nhưng chính Tình yêu làm cho hoàn hảo và thánh hóa, vì Tình yêu nối kết với Thiên chúa và khi được Tình yêu Thiên chúa bao trùm thì nhận thức nơi con người sẽ trở nên nguồn phát sinh Tình yêu trong tương quan với Thiên Chúa.
Học viện Bêtania FMV
(còn tiếp….)
[1] Henri Nouwen. Tìm được đường về. 2004 (Dg. Nguyễn Đức Thông, cSsR, 2006)
[2] Nguyễn Trọng Viễn O.P. Bệnh Vô Cảm, Nhìn từ Đức Ái Kitô giáo. 2021