4. Những tấm da chết giữa đời
4.1. Khủng hoảng con người
Thánh Tô-ma đã từng sống trong bối cảnh thế tục hóa của xã hội Tây Âu Trung cổ thế kỉ XIII, mà cốt lõi của nó là đề cao khoa học, đề cao lý tính. Do đó, Ngài đã viện vào lý tính để bảo vệ giá trị Kitô giáo[1]. Đồng thời, vào giai đoạn này, các trường đại học lên ngôi, các tác phẩm của Aristôte cũng xuất hiện mạnh mẽ[2]. Aristote là một trong những triết gia đầu tiên đề cao xã hội tính của con người. Dựa theo triết học Aristote, Tô-ma đã tìm thấy một nẻo đường mới để đến cùng Chúa. Nẻo đường trân trọng trần gian và khám phá ra ở đáy sâu của trần gian có sự hiện diện của Chúa, rồi vượt trên trần gian để kết hiệp với Thiên chúa. Thế nên, trong bối cảnh nền tri thức được đề cao đó, thì đối với thánh Tô-ma giá trị về con người lại quan trọng hơn cả. Có lẽ câu nói của thánh nhân: “Tôi không thể học trên những tấm da chết” và đi đến quyết định bán hết sách vở của mình để lấy tiền giúp đỡ người nghèo đã phần nào khẳng định “con người có giá trị vượt trên mọi giá trị vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương” (GLHTCG 1992 số 1701-1729). Là hình ảnh Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8, 4-7).
Thật vậy, giữa cuộc sống của thời đại hôm nay, một cuộc sống mà con người chỉ biết đề cao giá trị cùng ích lợi của bản thân; nhưng đồng thời lại hạ giá nhân phẩm của tha nhân, thì cảm thức của thánh Tô-ma về con người cách đây rất lâu, được xem như một sự thức tỉnh tâm hồn đang bị đông lạnh của con người thời đại, với những sự vô cảm trong tương quan và trong cách họ sống chung với nhau trong một cộng đồng. Ngài đã trình bày con người như một hữu thể xã hội, sống với, sống cùng người khác và có trách nhiệm đối với thiện ích chung như quan điểm của triết gia Aristote (Hoàng Thị Kim Oanh OP, Linh đạo Kitô giáo, 2020). Theo thánh tiến sĩ, xã hội tính nằm trong bản tính của con người, chứ không phải chỉ là cái gì phụ thuộc, tùy nghi. Chính vì vậy, khuynh hướng tự nhiên của con người là hướng về cộng đoàn xã hội. Con người là một cá nhân, nhưng không phải là một hữu thể lẻ loi, mà là một nhân vị, thành phần tất yếu của xã hội. Có thể nói, bối cảnh đại dịch Cô-vid-19 là bối cảnh mà chúng ta cũng đang sống trên những tấm da chết. Từ trang mạng xã hội, chúng ta cảm nhận thế giới như đang bị tê liệt trước tình hình phức tạp của dịch bệnh. Biết bao bệnh nhân đang phải hoang mang, đau đớn quằn quại vì mắc phải căn bệnh này; biết bao con người đang phải than khóc không nên lời, khi không được chứng kiến hay chứng kiến mà không thể đến gần, không thể làm gì trong những giây phút cuối cùng và sự ra đi của những người thân. Biết bao y tá, bác sĩ và các tình nguyện viên đang ngày đêm ra sức để lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ và chăm sóc cho các bệnh nhân trong các tuyến đầu bất chấp thời gian, bất kể đói khát. Họ sẵn sàng xả thân… đến sức cùng, lực kiệt thậm chí đang đánh đổi tất cả tương lai và cả mạng sống của họ để cùng đồng hành, nâng đỡ cũng như chia sẻ sự khốn cùng của anh chị em đồng loại với khát vọng đem lại cuộc sống bình yên cho bao người.
Đứng trước những hoàn cảnh có thể làm “buốt tim” người này, mỗi người trong chúng ta không ai không nghẹn lòng, thương xót, muốn làm một cái gì đó để san sẻ yêu thương, để “gánh” tiếp cùng họ những gian khổ, nhọc nhằn. Đó là tình cảm tự nhiên, là “bản chất thiện” vốn có trong mỗi con người. Thế nhưng thật đau xót biết bao, khi bên cạnh nhiều tâm hồn cao thượng đó, vẫn còn không ít những tâm hồn đang bị “xơ cứng cảm xúc,” nếu không nói là đang tê liệt và đông cứng bởi cái chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ cách ích kỷ, lạnh lùng và vô cảm đến đáng thương tâm. Chẳng hạn, những con người không ngừng tụ tập để ăn uống, vui say với bạn bè hằng đêm, mà bỏ ngoài tai lời cầu xin của những con người đang phải hy sinh để ngăn ngừa sự lan tràn của dịch bệnh, như một chia sẻ của vị bác sĩ gửi đến họ như sau: “Xin các bạn hãy ở nhà thay cho chúng tôi, để chúng tôi đi làm thay cho các bạn”. Tệ hại hơn, đến ngay cả khi tha nhân đang phải đối diện với những nghịch cảnh của dịch bệnh và sự khốn cùng ở những khu cách ly, thì vẫn còn đó những con người tìm cách để bòn rút của họ và trục lợi cho mình, mà chúng ta đã nghe như: việc gia tăng giá bán khẩu trang, giá vắc-xin quá mức, chế tạo máy thở kém chất lượng cùng bao luật lệ cứng nhắc không chút cảm thông khác. Thực trạng này chẳng phải là đang sống trên những tấm da chết của tha nhân hay sao? Một thời đại mà có thể nói cái chết tinh thần đi trước cái chết thể xác, khi con người phải đối diện với nỗi lo sợ, cô đơn và sự bất lực của khoa học kỹ thuật, của khả năng giới hạn nơi mình. Tất cả khủng hoảng riêng biệt ấy đều có liên hệ với nhau và đều bắt nguồn từ một khủng hoảng chung, mang tính nền tảng hơn. Khủng hoảng về con người – khủng hoảng niềm tin và hy vọng. “Thật ra, căn bệnh vô cảm không phải chỉ là chuyện của ngày hôm nay và cũng không phải chỉ là chuyện của thời đầu Kitô giáo. Vô cảm là chuyện của con người mọi thời và mọi nơi. Vô cảm có mầm mống trong tội tổ tông. Khi nguyên tổ loài người từ chối một hành trình cuộc sống được kết dệt bằng sống với, sống thân tình với Chúa và trở nên “một xương một thịt” với nhau (Xc. St 2, 24), thì đã chọn phương thức để hoàn thành cuộc đời mình bằng một “trái cấm”. Nguyên tổ chọn trái cấm để trở nên như thần thánh: “…ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5). “Đằng sau trái cấm không có ai khác. Chọn trái cấm là chọn phương thức sống cho mình, vì mình, để hoàn thành cuộc đời mình.[3]
4.2. Cầu nối mọi tương quan
Từ cuộc cách mạng về tự do, con người muốn gạt Thiên Chúa ra bên lề để tự mình quyết định và làm chủ thế giới. Có lúc con người tưởng rằng đâu cần đến Thiên Chúa, mình vẫn có đủ khả năng để làm cho thế giới này tốt đẹp. Nhưng từ khi Côvid-19 xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ, thì những người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài cuộc đời nhất lại là những người lớn tiếng đặt câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu rồi? Phải chăng trong cảm thức, con người biết rằng: cho dù họ có chối bỏ và khước từ Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và ở cùng với con người trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói, dịch bệnh Côvid -19 đã bẽ gãy đi bao mối tương quan cần có và thiết yếu nhất của con người, bởi sự giản cách hay cách ly. Tương quan tình thân giữa người sống và người chết, giữa những người đang sống trong cộng đồng đức tin. Sự cô đơn lên tới tột cùng khi người ta phải trải qua những giây phút cuối đời của mình trong một không gian lạnh lẽo, thiếu vắng những người thân yêu. Mặt khác, dịch bệnh một cách minh nhiên tạo cho con người một chút sợ hãi khi tiếp xúc với một người khác, điều này vô tình đã đẩy con người ngày càng xa nhau. Họ chỉ còn thấy nhau qua các phương tiện truyền thông, qua những mặt phẳng không bao giờ có thể mang đến cảm giác của sự ấm áp từ một bàn tay hay một cái ôm.
Hơn nữa, con người không thể ngồi cạnh nhau, đồng nghĩa với việc họ không thể cùng nhau chia sẻ Bàn Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể cách trực tiếp. Tuy nhiên, lịch sử Giáo Hội cũng đã cho thấy, càng thiếu thốn và càng bị bách hại, đức tin của con người càng mạnh mẽ và sâu sắc. Thực tế cho thấy, khi mọi điểm tựa của con người không còn, khi con người không thể kiểm soát và bảo đảm cho sự an toàn của mình, dưới mọi phương diện thì khát vọng về Thiên Chúa – Đấng Siêu Việt, sẽ là khát vọng sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người dù họ là ai, là người có đức tin hay không có đức tin như Thánh Augustino nói: “Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”. Thật vậy, trong phòng bệnh, nhiều bệnh nhân vẫn xin các nữ tu đang phục vụ nói cho họ nghe về Thiên Chúa. Dường như, khoảng cách giữa họ với Thiên Chúa thật gần hơn bao giờ hết. Ngài vẫn ở đó và cùng đau nỗi đau với họ, qua sự dấn thân đầy tận tình của những con người, mà có thể họ chẳng quen biết. Chính vì thế, với ý thức từ nền tảng đức tin, chúng ta tin rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, nhưng sẽ là cầu nối cho mọi tương quan đã từng đổ vỡ và đang đổ vỡ trong thời đại hôm nay, như Ngài vẫn không ngừng nối tương quan đã bị phá đổ bởi tội Ađam xưa, bằng chính giao ước Tình Yêu giữa Thiên Chúa với con người.
Tạm Kết
Khi mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, con người cũng mang trong mình vận mạng sống trong yêu thương và sống vì tình yêu thương. Thế nhưng qua mọi thời, vận mạng đó không những không được hoàn thành, mà còn ngày càng bị rạn nứt bởi lối sống của con người. Một lối sống ngại sống cùng, sống với và sống cho người khác. Một lối sống muốn loại trừ Thiên Chúa, để tự do nắm giữ và thực hiện cuộc đời mình. Thực ra trái tim con người được tạo nên bởi Tình Yêu Thiên Chúa; và họ có thể tìm thấy niềm hạnh phúc khi sống “Tình Yêu Hiến Tế,” trong sự trao tặng chính bản thân mình như Mầu nhiệm Nhập Thể và tự hủy của Đức Kitô. Điều làm nên nét đặc trưng của linh đạo Kitô giáo. Tuy nhiên, sống trong một thế giới đầy sự lấp lánh của khoa học kỹ thuật, con người như bị rơi vào hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Quan niệm về hạnh phúc của con người đi lệch với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Thay vì chọn lựa niềm vui sống với Chúa và sống cùng nhau, họ đã khước từ bằng việc tìm kiếm niềm vui nơi những bóng mờ giả tạo, theo những nẻo đường của “Cái tôi” ích kỷ và hẹp hòi, để rồi khép lại cánh cửa lòng mình trước những gì là của người thân cận, mà đôi lúc họ cũng chẳng xác định được người đó là ai. Bởi lẽ, họ chỉ biết quanh quẩn trong những gì là nhu cầu của chính mình. Chính vì thế, vô cảm luôn là cám dỗ sâu xa nhất của cuộc đời con người, vì giữa cuộc sống hôm nay người ta sợ bị thua lỗ, mất mát khi phải sống vì ai khác. Vậy nên, lời mời gọi yêu thương dường như khó, hay không thể chạm thấu cõi lòng của con người thời đại hôm nay. Một thời đại đang mất dần đi về “cảm thức đức tin” và tìm cách chối bỏ Thiên Chúa và con đường yêu thương của Ngài, khởi đi từ thái độ không để cho lòng mình được rung cảm vì ai khác. Chính vì thế, “mầm mống sự ác đã tìm thấy kẽ hở để có thể thoát ra và hoành hành trong cuộc sống nhân sinh”. Từ khía cạnh đó, chúng ta cần bén rễ sâu trong lòng mình và tự vấn: “Tôi không đi qua tôi để lại gì?” để đi vào kinh nghiệm và tương quan sống cùng, sống với và sống cho Ai của Kitô giáo.
Học viện Bêtania FMV
[1] Nguyễn Trọng Viễn O.P. Lịch sử Triết học Tây Phương. Lưu hành nội bộ. 2020
[2] Đỗ Huy Nghĩa O.P. Lịch sử Giáo Hội thời thượng cổ và trung cổ. Lưu hành nội bộ
[3] Ibid., 2020
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các sách tham khảo
1 | ĐGM GB. Bùi Tuần – Bài Gương yêu người – Tập sách Nói với chính mình. NXB Văn hóa Văn nghệ. 2015 |
2 | ĐỖ HUY NGHĨA O.P. Lịch sử Giáo Hội thời thượng cổ và trung cổ. Lưu hành nội bộ. 2020 |
3 | FELICISIMO DIEZ MARTINEZ OP. Đời tu gạn đục khơi trong. (Dg GiuSe ĐỖ NGỌC BẢO. OP). 2006 |
4 | HĐGM VIỆT NAM, Uỷ Ban Giáo lý đức tin. Giáo Lý Hội Thánh Công
giáo. Nxb Tôn giáo. 2011. |
5 | Henri Nouwen. (D.ng Nguyễn Đức Thông). Tìm được đường về. claretian publication, 2004. Tr. 44-60 |
6 | KINH THÁNH TRỌN BỘ. Nxb tôn giáo. 2011 |
7 | NGUYỄN TRỌNG VIỄN O.P. Lịch sử triết học tây phương thời thượng cổ và trung cổ. Lưu hành nội bộ. 2020 |
8 | NGUYỄN TRỌNG VIỄN O.P. Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin công giáo tại Việt Nam. Nxb Phương Đông. 2008 |
9 | Sr. ANNA HOÀNG THỊ KIM OANH O.P. Linh đạo Kitô giáo. Lưu hành nội bộ. 2020 |
10 | VITAL-LUCA NGUYỄN HỮU QUANG, FSC. Nhân học thần học: Con người trong dòng mạc khải. Signum Fidei Tu Thư Sài Gòn. 2015 |
Tài liệu mạng.
1 | Căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay. Tải xuống ngày 28/07/2021. Tại
https://wikicachlam.com/can-benh-vo-cam-trong-xa-hoi-hien-nay/ |
2 | Đức Thánh cha Phanxicô, Đừng để mình bị sự vô cảm, ích kỷ lôi kéo. Tải xuống ngày 28/07/2021.Tại
http://caritasvietnam.org/dtc-phanxico-dung-de-minh-bi-su-vo-cam-ich-ky-loi-keo |
3 | Nguyễn Trọng Viễn O.P., Bệnh Vô Cảm, nhìn từ Đức Ái Kitô giáo. Tải xuống ngày 28/07/2021 tại https://conggiaoonline.com/11347-2/ |
4 | Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Mười căn bệnh làm băng hoại người Công Giáo. Tải xuống ngày 01/08/2021. Tại
http://conggiao.info/muoi-can-benh-lam-bang-hoai-nguoi-cong-giao-d-48860 |
5 | Nguyễn Trọng Viễn O.P., Bệnh Vô Cảm, nhìn từ Đức Ái Kitô giáo. Tải xuống ngày 01/08/2021. Tại
https://conggiaoonline.com/11347-2/ |
6
7 |
Phan Tấn Thành OP. Thần học về con người theo các Giáo Phụ và thánh Tô-ma. Tải xuống ngày 01/08/2021. Tại
http://daminhvn.net/hoc-thuyet-thomas/than-hoc-ve-con-nguoi-theo-cac-giao-phu-va-thanh-toma-6125.html Nguyễn Trọng Viễn. Hiện Tình Đất Nước, nhìn từ một vài yêu tố cơ bản của văn hoá Á Châu, Nội san Chia Sẻ liên tu sĩ thành phố, số 65, trang53-70. Tải xuống ngày 05/08/2021. Tại http://nguyentrongvien.blogspot.com/2014/05/benh-vo-cam-nhin-tu-uc-ai-kito-giao.html |
8 | Đức Giám mục Bùi Tuần. Đừng vô cảm. Tải xuống ngày 05/08/2021. Tại
http://www.cgvdt.vn/dgm-bui-tuan/du-ng-vo-ca-m_a1238 |
9 | Trịnh Minh Phú, OP. Các ưu phẩm của Thiên Chúa theo thánh Tô-ma. Tải xuống ngày 05/08/2021. Tại
https://catechesis.net/cac-uu-pham-cua-thien-chua-theo-thanh-toma-aquino/ |
10 | G. Trần Đức Anh OP. 15 căn bệnh của giáo triều Roma cần chữa trị. Tải xuống ngày 05/08/2021. Tại
http://www.archivioradiovaticana.va/storico/2014/12/23/15_c%C4%83n_b%E1%BB%87nh_c%E1%BB%A7a_gi%C3%A1o_tri%E1%BB%81u_roma_c%E1%BA%A7n_ch%E1%BB%AFa_tr%E1%BB%8B/vie-841446 |