Nếu bạn gặp tôi và điều bạn nhận được không phải là sự bình an, niềm vui, niềm an ủi, đỡ nâng, lắng nghe, sẻ chia… thì tôi chưa thực sự là tông đồ của Tin Mừng. Đó là điều tôi nghiệm ra sau những lần tôi tiếp xúc, gặp gỡ với người khác, với bạn bè và đặc biệt hơn trong những tháng ngày thực tập sứ vụ của tôi.
Trước đây, đối với tôi, cụm từ loan báo Tin Mừng hay truyền giáo khá mơ hồ. Tôi nghĩ thật khó để thuyết phục người lương theo đạo? Khó hơn khi người đó đang theo một tôn giáo khác. Phải nói thế nào? Phải làm cách nào để người khác có thể theo và tin vào Chúa?… Nhưng khi đọc Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội của ĐTC Phanxicô, hình ảnh thánh Phanxicô hướng đến một tình huynh đệ không biên giới, không gây ra những cuộc chiến lý lẽ nhằm áp đặt các luận thuyết, nhưng hơn hết là thông truyền tình yêu Thiên Chúa. Theo thông điệp, “chỉ có ai sẵn sàng đến bên người khác trong chính nếp sống của họ nhằm giúp họ trở nên chính mình nhiều hơn chứ không nhằm lôi kéo họ về phía mình, mới thực sự được gọi là cha”[1]. Từ đó tôi hiểu rằng loan báo Tin Mừng không có nghĩa là cải đạo của người khác, nhưng là tôn trọng và cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp trong niềm tin và trong cuộc sống.
Giờ đây, tôi đã định nghĩa về loan báo Tin Mừng một cách đơn giản hơn: Loan báo Tin Mừng không có nghĩa là nói về những giáo lý, những tín điều nhưng là sống tình yêu với Thiên Chúa; là mang đến một ngọn đèn cho những ai đang ở trong bóng tối, một ly nước cho những ai đang khát… là hiện diện với tất cả con người của tôi ngay tại thời điểm tôi đang hiện diện.
Là một Kitô hữu, nếu niềm tin của tôi vào Chúa – Đấng đã chết và đã sống lại, không mang đến cho tôi niềm hy vọng, sự giải thoát, bình an nội tâm, thì làm sao tôi có thể mang đến cho người khác những điều họ đang thiếu. Lúc ấy, niềm tin của tôi thật trống rỗng.
Mọi người cứ nghĩ đến thăm ai là phải mang quà, cho tiền; phải có cái này cái kia để cho. Nhưng nói như thánh Phêrô trong sách Công vụ sứ đồ[2] rằng: tiền thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho là chính Tin Mừng, là Đức Kitô. Một Đức Kitô sẵn sàng mang lấy cuộc sống của bạn, một Đức Kitô có thể giúp bạn tiếp tục sống phẩm giá của một người con, một Đức Kitô luôn ở dưới bạn, để dù bạn rơi xuống, cũng có Ngài làm tấm nệm đỡ lấy bạn.
Nhìn vào một thế giới đang bị tổn thương không chỉ về bên ngoài nhưng cả bên trong, không chỉ vật chất nhưng cả tinh thần, nơi đó có đầy những con người cần một đôi chân nhanh nhẹn, đôi tay mạnh mẽ; cần đôi tai biết lắng nghe; cần tấm lòng quảng đại biết cảm thông; cần sự hiện diện tích cực không đòi hỏi… để trở thành chi thể cho người tàn tật, người thân của người neo đơn, thậm chí là một nơi để họ có thể thở than, trút nỗi buồn phiền… Thế giới cần lắm bạn và tôi, những con người ít là có thể cho người khác một nụ cười, một lời chào, một cái nắm tay, một cái ôm chúc bình an hay ít là một cái nhìn thấu hiểu.
Dù bạn là ai, tôi mong bạn biết ơn quá khứ, bình an với hiện tại và không nao núng với tương lai, vì Ông Trời – Đấng ở trên kia vẫn nhìn thấy bạn và chúc lành cho cuộc sống của bạn, những chi tiết rất nhỏ nhưng nó tạo nên cuộc sống của bạn.
|18.10.2024|
Bụi Sa Mạc
[1]Eloi Leclerc, O.F.M., Exil et tendresse, Éd. Franciscaines (1962), p. 205.
[2]Cv 3, 6