“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,1).
Vũ trụ là một mầu nhiệm và Thiên Chúa là nguồn gốc bí ẩn lớn nhất của vũ trụ. Ngài là năng lượng tràn ngập vũ trụ. Năng lượng kỳ lạ, hoang dã, bí ẩn ở tận chiều sâu nhất của hữu thể Ngài. Qua vũ trụ, đặc biệt qua “khu vườn nhỏ xinh xắn”, Thiên Chúa muốn “tỏ tình” với muôn tạo vật một tình yêu vô cùng tận, bất đảo ngược.[1] Mầu nhiệm vũ trụ cũng là mầu nhiệm tương tác, tất cả điều liên kết, hòa điệu, liên lụy với nhau. Mỗi tạo vật điều được nội ẩn trong “cung lòng” của Thiên Chúa để phản chiếu sự khôn ngoan và tình yêu vô cùng của Ngài. Vì được sinh ra từ tình yêu, nên mọi tạo vật điều xinh đẹp, phong phú, rực rỡ, sinh động và tràn đầy sức sống như chính tình yêu vậy. Là hình ảnh của Thiên Chúa và là đỉnh cao của công trình tạo dựng nhưng con người lại thuộc về thế giới không con người. Con người được sống và phát triển một cách đầy đủ, nhân bản trong thế giới đó. Theo Thánh Bonaventura: “Vũ trụ này chính là cuốn sách có thể đọc, một cuốn sách mạc khải và phô diễn nét thiện hảo của Đấng Tạo Hóa”. Vũ trụ, thật xinh đẹp! nhưng… vũ trụ ấy đang bị lây nhiễm bởi tội lỗi, bản tính chiếm đoạt, lòng tham vô đáy và khát vọng thống trị của con người. Mẹ trái đất “nhăn mặt” hứng chịu những “món quà” gây thương tích. Con người đang phá hủy chính “ngôi nhà” của mình, sự sống của mình và đang biến mọi thứ thành rác rưởi. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trái Đất không bao giờ tha thứ: nếu chúng ta hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ”.[2]
Đúng vậy, hậu quả thật tồi tệ, trái đất đang lên cơn “sốt” và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu diễn ra khắp nơi đem lại bệnh tật, đau khổ và cái chết cho hàng triệu con người, nhiều động thực vật biến mất vĩnh viễn, nhiều vùng đang ngày càng bị nhấn chìm dưới lòng biển, trong khi đó nhiều vùng đang ngày càng trở nên hoang mạc hóa. Vậy, nguyên nhân từ đâu? Và ai là người có trách nhiệm?
Nhà thần học Cải cách người Đức J. Moltmann cho rằng: “vũ trụ là ‘cái nhà’, là ‘cung lòng’ của Thiên Chúa để con người vào trú ẩn. Vì là ‘nhà của mình’, nên mọi người điều có chỗ, điều có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ, xây dựng. Khủng hoảng môi trường đụng đến con người, tạo dựng, sự sống và mỗi người điều là tác nhân trách nhiệm”. Còn Brueggemann nhà thần học Tin lành người Mỹ thì cho rằng: “sự khủng hoảng môi trường như là hậu quả của tinh thần mất cội rễ và tha hóa của con người,….. Mối tương quan lành mạnh giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với thiên nhiên giúp cho sự hoán cải, trở về với mẹ đất”. Thật vậy, Thiên Chúa, vũ trụ, con người có mối tương liên hòa điệu, chặt chẽ, đan chéo và mang tính hỗ tương. Duy trì thiên nhiên là duy trì sự sống.[3]
Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị cho chúng ta “một ngôi nhà” trước khi Ngài cho chúng ta hiện hữu. Một ngôi nhà xinh đẹp, huyền bí, tràn ngập yêu thương. Tự bản chất chúng ta thuộc về, gắn kết, nên một với ngôi nhà mà chúng ta đang sống và cuộc đời mỗi người sẽ được sung mãn trong chính huyền nhiệm tình yêu đó. Vậy, mỗi chúng ta có học cách dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên? Chúng ta có nhận thấy toàn thân đau nhói khi chính “thân thể mình” đang kêu gào, đau đớn vì thương tích? Chúng ta là tác nhân và có phần trách nhiệm! một sự sám hối tận căn trong chúng ta hay chỉ là sự hời hợt, vô tâm, mặc kệ? Chúng ta có muốn dấn thân sâu đậm vào môi trường, muốn sống triệt để hơn ơn gọi là “môn đệ xanh” không? Cụ thể, là người Con Đức Mẹ Đi Viếng tôi và cộng đoàn tôi đã quyết tâm chữa lành mẹ trái đất như thế nào?
Trong khi mong chờ những kế hoạch, những dự kiến mang tầm mức vĩ mô của chính phủ hay một tổ chức nào đó thì mỗi người chúng ta được mời gọi có những hành động cụ thể và thiết thực trong chính môi trường sống của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta phải vượt qua não trạng tỏ ra quan tâm nhưng lại không đủ can đảm để tạo ra những thay đổi thiết yếu”.[4] Thật vậy, lời, hành động và hiện hữu của chúng ta phải là một. Vì lẽ đó, tôi thiết nghĩ, là người Con Đức Mẹ Đi Viếng, chúng ta được mời gọi sống linh đạo môi trường trong nền linh đạo của Hội dòng, điều đó được cụ thể:
- Trước tiên, mỗi người chúng ta phải sám hối trở về giao hòa với Thiên Chúa.
- Hãy cưu mang trái đất trong chính lời cầu nguyện hằng ngày của mình.
- Để tiết kiệm nguồn năng lượng chung, mỗi người phải tự hạn chế trong những nhu cầu riêng của bản thân.
- Phân loại rác thải một cách nghiêm túc, trách nhiệm.
- Tái sử dụng hoặc tái chế một vật thông thường đã qua sử dụng hơn là mua mới.
- Nói không với bao nilông và rác thải nhựa khi thực sự không cần thiết.
- Trồng nhiều cây xanh.
- Trong sứ mạng thăm viếng, chúng ta hãy thông truyền thực trạng của môi trường và sứ điệp bảo vệ môi trường cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Khuyến khích người dân, những tiểu thương nhỏ sử dụng bao giấy, ly giấy có thể tái chế và thân thiện với môi trường. Đồng thời, chúng ta cũng thông truyền sứ điệp đó cho các bạn trẻ qua các giờ dạy giáo lý và sinh hoạt chung.
- Cuối cùng, mỗi người chúng ta phải luôn sống trong tâm tình biết ơn về những món quà mà thiên nhiên ban tặng, tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe, hòa điệu với thiên nhiên trong chính môi trường sống của mình.
Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói: “Chúng ta cảm thấy điều chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít hơn nếu thiếu đi giọt nước ấy”. Thật vậy, tất cả những cố gắng bé nhỏ đó chỉ như một giọt nước trong đại dương nhưng giọt nước đó sẽ đem lại những giá trị lớn lao để tô điểm và tái tạo môi trường; giọt nước đó giúp tạo nên nền văn hóa mới, nền văn hóa tôn trọng, bảo vệ thay vì loại bỏ và nếu như nhiều giọt nước góp lại chúng ta sẽ làm nên đại dương. Tình yêu là chất keo kết dính giữa chúng ta với Thiên Chúa, tha nhân và tạo thành. Vì vậy, mỗi lần chúng ta trân trọng, chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng môi trường với tất cả tình yêu chính là lúc chúng ta đang hòa điệu trong các mối tương quan hỗ tương đó; chính là lúc chúng ta đang góp phần chữa lành mẹ trái đất, đem lại sự sống cho chính chúng ta và cứu sống một sinh linh nào đó; là lúc xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng lẫn nhau, một xã hội thấm đượm tình Chúa và tình người ngay tại trần gian này.
Mỗi người chúng ta phải cộng tác như những khí cụ của Thiên Chúa để cứu giúp sáng tạo, mỗi người theo văn hóa, kinh nghiệm và khả năng của mình[5]. Thật vậy, khi tôi và bạn coi môi trường như là một nơi mà chúng ta thuộc về, lớn lên, sinh sống, thì chúng ta sẽ sử dụng chúng với tất cả tình yêu và sự kính trọng”.
Khoảng Lặng
[1] x. Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, Linh đạo môi trường, lưu hành nội bộ
[2] ĐTC PHANXICÔ. Tìm lại ý nghĩa thánh thiêng của việc chăm sóc trái đất – ngôi nhà của chúng ta và của Thiên Chúa https://caritasvietnam.org/dtc-phanxico-tim-lai-y-nghia-thanh-thieng-cua-viec-cham-soc-trai-dat-ngoi-nha-cua-chung-ta-va-cua-thien-chua/
[3] x. Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, Linh đạo môi trường, lưu hành nội bộ
[4] Laudate Deum, số 56
[5] x. Laudato Si’, số 14