Ký ức là một phần của con người, có người có những ký ức thật tốt đẹp, lại có người có những ký ức không mấy vui, nhưng có người khi nhìn lại những gì đã trải qua, dù vui hay buồn, họ luôn nhận ra rằng mọi sự trên đời này không có gì là ngẫu nhiên. Tất cả mọi sự xảy đến trong cuộc đời mỗi người đều mang một ý nghĩa và ẩn chứa điều gì đó bên trong nó. Chỉ khi lắng đọng mới có thể đọc được những cái hay, cái đẹp trong những điều đó. Điều quan trọng là tôi đã sống và trân trọng những ký ức đó như thế nào? Những năm tháng đời tôi, tôi đã sống hết mình hay chưa? Và có bao giờ tôi đã tự hỏi bản thân mình rằng nếu như không có những ký ức đó, tôi sẽ không lớn nổi thành người? Bởi những ký ức đó dù vui hay buồn, đều là một phần làm nên ý nghĩa trong cuộc đời tôi, để khi nhìn lại, tôi trân trọng và thầm cảm ơn nó, vì không có nó, chắc chắn cuộc sống của tôi sẽ rất buồn và tẻ nhạt.
Tôi được sinh ra ở vùng đất xứ Huế, nơi có những thửa ruộng, con trâu, con gà, nơi mà cái nghèo thường xuyên đeo bám, bởi thiên tai, hạn hán, lũ lụt luôn đe doạ. Nhưng những điều đó không làm sờn lòng những con người nơi đây, chính những điều đó làm cho con người nơi đây mạnh mẽ và cố gắng hơn. Nhớ hồi nhỏ, mỗi khi ăn cơm xong, anh em chúng tôi được mẹ gọi tên: “mấy đứa, xuống mạ lau mặt, rửa chân cho sạch sẽ mà đi ngủ này”. Đó là tiếng địa phương của một người phụ nữ nhà quê, dù chân chất, nhưng mãi mãi là niềm tự hào của tôi. Người Huế hồi xưa thường gọi bằng mạ chứ không gọi bằng mẹ như bây giờ; đặc trưng của người Huế là: “răng, tê, mô, rứa”. Thế là một loạt anh em chúng tôi từ đứa lớn đến đứa nhỏ nhất chạy xuống tranh dành để được rửa đầu tiên. Một cái khăn lau chung 5-6 đứa chẳng sợ bẩn, một chậu nước mẹ giặt và lau mặt cho từng đứa, và cũng chậu nước đó sau khi lau mặt xong, sẽ rửa chân cho từng đứa một. Mẹ tôi thường bắt chúng tôi so sánh bàn tay mỗi khi đã được rửa. Bà thường nói: “Bây chừ tay sạch, hay khi nãy sạch hơn”. Chúng tôi thường đồng loạt trả lời: “bây giờ sạch hơn”. Những kỷ niệm đó hình như đã trôi vào dĩ vãng, và nhiều lúc thấy thật tầm thường. Nhưng khi lớn, con người ta lại hoài niệm lại những ký ức đó.
Lần đầu tiên được sống ở thành phố, sau bốn tháng bắt đầu với những bổn phận của học tập, sứ vụ. Nơi mà tôi phải tập làm quen với mọi thứ, bắt đầu từ giọng nói. Tôi cảm nhận rằng, chẳng nơi đâu bằng chính quê hương của mình. Tôi thèm được nghe giọng nói của những người ở quê và muốn tìm về một nơi bình yên không có khói bụi. Nơi mà tôi cảm thấy thật gần gũi và thân thương. Nơi mà tôi cảm thấy mình thật sự là mình nhất.
Nhớ hồi xưa, cái gì cũng quý, mỗi bữa đi học mẹ cho một đứa 5 trăm đồng, hồi đó mua được 5-6 que kem, lúc đó tưởng mua được cả thế giới, vì đối với bọn nhóc chúng tôi, từng đó là cả một bầu trời. Mỗi khi làm được việc gì to tát, chúng tôi đều tới lãnh lương như vậy. Ngồi nghĩ lại sao hồi xưa nghèo thật, nhưng vui, nghèo nhưng tất cả đều cảm thấy giàu có, bởi chẳng có gì quan trọng bằng gia đình. Mẹ tôi, một người phụ nữ quá mạnh mẽ, bởi một tay bà đã chăm sóc chúng tôi rất chu đáo. Dù ba tôi mất sớm, nhưng bà luôn làm tròn bổn phận của một người mẹ và người cha, bà chăm sóc chúng tôi từ những điều nhỏ bé như thế. Chính sự chăm sóc đó của mẹ tôi, đã làm cho tôi ý thức được rằng, tôi đã được sinh ra và lớn lên từ đó. Chính khi đọc lại những biến cố của bản thân đã trải qua, tôi mới nhận ra mình quá hạnh phúc, bởi không có ai sẽ có được những điều như tôi đã sống và đã trải qua, khi nhớ lại chậu nước và cái khăn hồi nhỏ tôi thường được mẹ lau mặt và rửa chân vào mỗi buổi tối, tôi nhớ đến hình ảnh của Chúa Giê-su cũng rửa chân cho các môn đệ trong một chậu nước như vậy. Ngài cúi xuống để rửa chân, cúi xuống đến cái tầm thường và dơ bẩn nhất của con người mà không hề kiên nể, một vị Thiên Chúa hy sinh đến tột cùng như vậy. Tôi lại liên tưởng đến mẹ tôi, người đã luôn hy sinh và tận tụy cho đoàn con, người mà mỗi tối luôn rửa chân cho tôi, lau mặt cho tôi, và nhắc nhở tôi mỗi khi tôi chưa làm được một điều gì đó.
Tại sao một người phụ nữ nhỏ bé lại có một sức mạnh phi thường như vậy nhỉ? Phải chăng chính tình yêu có thể làm được mọi sự, và cũng chính tình yêu, một vị Thiên Chúa đã cúi mình để rửa chân cho các môn đệ của mình. Chính tình yêu, mà mẹ tôi đã hy sinh cả thanh xuân để vun đắp cho những ước mơ của chúng tôi, và hình như bà cũng quên dần đi ước mơ của mình là gì. Nhớ nhiều kỷ niêm hồi xưa, kể mãi chẳng bao giờ hết. Mỗi dịp tết, cả mấy anh em ngồi bên mẹ làm 5-6 kg bánh lọc để ăn tết, năm nào cũng vậy. Nhiều khi thèm cái tết của hồi xưa, thèm bởi vì cái tết xưa khác tết nay không phải bởi cao lương mỹ vị, nhưng tết xưa có đầy đủ các thành viên trong gia đình; còn tết nay đã vắng bóng đi một vài thành viên. Chẳng ai có thể thay đổi được, hay có thể chạy đua được với thời gian là như vậy.
Càng lớn, con người ta lại muốn trở về với những kỉ niệm hồi nhỏ để được ở mãi với những người thân bên mình. Thèm cái bình dị rất bình thường đó, nhưng lại khó có thể có lại lần nữa. Đứng giữa một dòng người đang hối hả sau một ngày làm việc mệt mỏi, ai ai cũng muốn lao mình thật nhanh để được về nhà, để được nghỉ ngơi. Sự vội vã của những con người mà tôi đã vô tình gặp mà chưa nhìn thấy mặt đó, đã làm cho tôi nhận ra cuộc sống này hình như cũng đang vội vã như vậy. Thời gian hình như cũng đang vội vã chăng? Bất giác, tôi tự hỏi: những người này họ có còn thời gian để dành cho gia đình những sự chăm sóc, hay những cử chỉ yêu thương hay không? Có chăng là sau những mệt mỏi của cuộc sống, mỗi người đều mong tìm về một chỗ là nhà để được nghỉ ngơi mà thôi. Tôi thầm cảm ơn Chúa, bởi chính Người đã cho tôi làm con của mẹ tôi, đã cho tôi nhận ra những điều đẹp đẽ từ chính sự mộc mạc của một người phụ nữ giàu nghị lực và chu đáo này.
Mẹ tôi chẳng học hành gì, nhưng cái gì mẹ cũng biết; không được đi học nhưng lại biết chữ. Mẹ kể: mỗi khi gánh nước đi ngang qua lớp học, các anh chị bị la nên mẹ sợ, thế là từ cái sợ đó, mẹ học lóm đôi ba chữ. Nhờ kiên trì mà biết được chữ, rồi đi học may, đan len, chằm nón….hầu như những nghề đó mẹ không được đi học như các dì, vậy mà mẹ đều có thể làm được. Sau những câu chuyện được kể đi kể lại cả hàng trăm lần đó, hình như chúng tôi đã thuộc nằm lòng, vậy mà mỗi khi nghe mẹ kể, đứa nào đứa nấy vẫn vảnh tai lên nghe như mới vậy.
Lặng nhìn dòng người qua lại, nhớ những kỷ niệm hồi nhỏ, nhớ những ngày cắt lúa, phơi lúa, đi làm ruộng với ba với mẹ, với anh chị em, thèm cảm giác đó một lần nữa, nhưng hình như điều đó thật khó để thực hiện được. Bởi sự hối hả của tất cả đã đem mọi sự mộc mạc chân chất ấy đi thật xa với con người.
Bây giờ lớn rồi tôi không còn có cơ hội được mẹ lau mặt rửa chân như lúc nhỏ nữa, nhưng mỗi khi có cơ hội được về thăm nhà, tôi thường hỏi mẹ tôi: “mạ ơi, tối ni mạ không lau mặt rửa chân cho con à”. Bà thường nở một nụ cười thật tươi và trả lời rằng: “tối ni nghỉ việc,” thế là cả nhà cười thật tươi. Những kỷ niệm đó như mới hôm qua vậy, bởi nó như một phần của con người tôi, luôn đi theo tôi suốt cả cuộc đời.
Kỷ niệm là một phần của con người tôi, bởi nó chất chứa hàng trăm điều mà tôi đã sống trong những năm tháng qua. Và những kỷ niệm đó sẽ không có ý nghĩa, nếu như không xuất hiện một người phụ nữ, đó là mẹ của tôi. Người mà tôi luôn luôn tự hào và yêu quý, bởi không có sự hy sinh của bà, tôi đã không có cơ hội được sống với những ước mơ của mình; một người phụ nữ quá phi thường và mạnh mẽ, mạnh mẽ bởi một mình bà đã nuôi dạy một đoàn con 8 đứa mà không than thở một điều dù ba tôi mất quá sớm. Chính tình yêu dành cho con cái đã làm cho bà nghị lực hơn, mạnh mẽ can trường hơn, một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng lại mang một sức mạnh phi thường.
Tôi thầm cảm ơn Chúa, bởi Chúa đã cho tôi được làm con của Chúa, làm con của mẹ tôi, một người phụ nữ lý tưởng của tôi. Dù ít học, dù không khéo léo, không duyên dáng, hay lắm sự bất toàn đi chăng nữa, đối với tôi, mẹ là một người mẹ vĩ đại nhất trong lòng tôi.
Học Viện Betania FMV