Thuyết Chính Danh, một nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng của Khổng Tử, nhấn mạnh rằng danh phải đúng với thực, con người phải sống đúng với vị trí và trách nhiệm của mình trong xã hội[1]. Nguyên tắc này không chỉ có giá trị trong triết học phương Đông mà còn mang ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống Kitô hữu. Khi một người tự xưng là Kitô hữu, họ không chỉ mang danh hiệu ấy một cách hình thức mà còn phải thể hiện đức tin của mình qua hành động, lối sống và sự kết nối mật thiết với Thiên Chúa.
Kitô hữu là những người tin nhận Đức Kitô và đi theo con đường Ngài chỉ dạy[2]. Danh xưng này không đơn thuần là một nhãn mác hay một danh hiệu bên ngoài, mà là một lời cam kết sống theo Tin Mừng. Chính vì thế, nguyên tắc Chính Danh đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải sống đúng với danh xưng của mình[3]. Nếu tự nhận là người có Chúa Kitô mà không sống theo giáo huấn của Ngài, không thể hiện lòng yêu thương, bác ái và khiêm nhường, thì danh xưng ấy trở nên vô nghĩa. Chính Chúa Giêsu đã từng quở trách những người chỉ thờ phượng Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ xa cách Ngài (x.Mt 15,8). Điều này cho thấy sự không chính danh trong đời sống đức tin có thể dẫn đến sự giả hình và rạn nứt giữa lời nói và hành động.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, sống một đời sống Kitô hữu đích thực ngày càng trở nên thách đố. Nhiều người vẫn giữ những thực hành tôn giáo như tham dự Thánh lễ, cầu nguyện hay làm việc bác ái, nhưng lại thiếu mối quan hệ cá vị với Chúa. Có thể họ chỉ thực hiện những điều này theo thói quen, theo sự sắp đặt của gia đình hay cộng đồng, mà không xuất phát từ niềm tin sâu xa. Điều này khiến danh xưng Kitô hữu trở thành một lớp vỏ bề ngoài hơn là một thực tại sống động. Xã hội ngày nay cũng đầy rẫy những cám dỗ hưởng thụ, thực dụng, khiến nhiều Kitô hữu bị cuốn theo lối sống tục hóa, xem nhẹ đời sống tâm linh và các giá trị Tin Mừng.
Một trong những biểu hiện của sự không chính danh trong đời sống Kitô hữu là thái độ sống hai mặt: một mặt giữ đạo theo hình thức[4], nhưng mặt khác lại hành xử trái ngược với đức tin. Chẳng hạn, có những người đi lễ đều đặn nhưng lại sống thiếu bác ái, gian dối trong công việc, hoặc chạy theo quyền lực và danh vọng mà quên đi tinh thần khiêm nhường của Đức Kitô. Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì nếu Kitô hữu không sống đúng với danh xưng của mình, họ có thể trở thành gương xấu và làm mất đi giá trị chứng tá của Tin Mừng trong xã hội. Bên cạnh đó, Người Kitô hữu được mời gọi làm bạn với Chúa Kitô, nhưng nhiều tín hữu ngày nay không nhận ra sự hiện diện sống động của Ngài, chỉ xem Thiên Chúa như một ý niệm trừu tượng. Họ loại bỏ Chúa khỏi đời sống thường nhật, dẫn đến sự gia tăng của tội lỗi. Ngay cả giáo sĩ và tu sĩ, dù gần gũi với Chúa qua Bí tích Thánh Thể và Thánh lễ, cũng có nguy cơ thực hành đức tin một cách hình thức và máy móc.
Vậy làm thế nào để Kitô hữu sống đúng với danh xưng của mình theo nguyên tắc Chính Danh? Trước hết, cần xác tín rằng danh xưng Kitô hữu không phải là một danh hiệu trống rỗng mà là một ơn gọi và một sứ vụ[5]. Sống đức tin không chỉ giới hạn trong việc tham dự các nghi thức tôn giáo, mà phải là một sự biến đổi từ bên trong, để Chúa Kitô thực sự hiện diện và hành động trong đời sống mỗi người. Điều này đòi hỏi Kitô hữu phải có mối tương quan cá vị với Chúa qua cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và thực hành đức tin trong đời sống hằng ngày.
Thứ hai, Kitô hữu cần ý thức về trách nhiệm làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường sống của mình[6]. Sống đúng với danh xưng Kitô hữu có nghĩa là thể hiện những giá trị của Tin Mừng trong gia đình, nơi làm việc và ngoài xã hội. Đó là một đời sống yêu thương, tha thứ, khiêm nhường và phục vụ. Khi Kitô hữu sống theo những giá trị này, họ không chỉ chính danh với đức tin của mình mà còn giúp người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới.
Bên cạnh đó, việc đào sâu hiểu biết về giáo lý và Kinh Thánh cũng rất quan trọng. Nhiều Kitô hữu ngày nay có thể tham dự các sinh hoạt tôn giáo nhưng lại thiếu kiến thức vững chắc về đức tin, dẫn đến tình trạng sống đạo một cách mơ hồ hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lệch. Việc học hỏi giáo lý không chỉ giúp củng cố đức tin mà còn giúp Kitô hữu có thể bảo vệ và giải thích niềm tin của mình trước những thách đố của thời đại.
Cuối cùng, sống đúng với danh xưng Kitô hữu cũng đồng nghĩa với việc dám dấn thân để bảo vệ sự thật và công lý. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Điều này có nghĩa là sống theo Tin Mừng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bách hại, nhưng một Kitô hữu chính danh sẽ không vì thế mà thỏa hiệp với những điều sai trái. Họ sẵn sàng đứng lên bảo vệ sự thật, bênh vực những người bị áp bức, và dám đi ngược lại những xu hướng tiêu cực của xã hội.
Tóm lại, nguyên tắc Chính Danh nhắc nhở Kitô hữu về trách nhiệm sống đúng với danh xưng của mình. Để thực sự là Kitô hữu, mỗi người cần có một đời sống đức tin chân thực, gắn bó mật thiết với Chúa, thể hiện đức tin qua hành động yêu thương và phục vụ. Trong một thế giới đầy cám dỗ và thách đố, chỉ khi nào Kitô hữu sống đúng với căn tính của mình, họ mới có thể trở thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng và làm sáng danh Chúa giữa đời sống thường ngày.
Học viện Bêtania FMV
[1] Khổng Tử. Luận ngữ, XIII.3 “Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận, chắc sự bất thành”
[2] Công đồng Vatican II. Sắc lệnh về Hợp nhất, số 20. “Kitô hữu (là người) công khai tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần”
[3] Nguyễn Hồng Giáo. Người Kitô hữu là ai?, tr. 56.
[4] Bài nói chuyện của Đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận khi còn làm Tổng Giám mục giới trẻ Việt Nam hải ngoại tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998 https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/kito-huu-va-can-benh-vo-cam-cua-con-nguoi-40720 truy cập ngày 19/5/2024
[5] Đức Giáo Hoàng Phanxico, thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, số 3.
[6] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tông huấn Christifideles Laici – Kitô hữu giáo dân về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong giáo hội và thế giới, số 122