Các bạn thân mến!
Việc được kêu gọi để trở thành người môn đệ của Chúa là niềm hạnh phúc cho bạn và tôi. Tuy nhiên niềm hạnh phúc này có làm cho bạn dễ dàng chấp nhận những điều kiện để đi theo Chúa hay không. Việc quảng đại chấp nhận những điều kiện để đi theo Thầy cho thấy tình yêu và mức độ tự do của người môn đệ dành cho Thầy.
Trước hết, ơn gọi là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa dành cho một người. Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc và vì thế Ngài cũng muốn con người được hưởng hạnh phúc với Ngài. Hạnh phúc của con người là nhận ra ý muốn của Thiên Chúa và kết hợp với Ngài. Ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong một bậc sống, một hoàn cảnh cụ thể. Không có hạnh phúc phi bậc sống nhưng hạnh phúc của con người là hạnh phúc được ở với Chúa nơi một bậc sống cụ thể. Nói cách khác, Ngài gọi mỗi người vào một bậc sống cụ thể để qua bậc sống đó họ cảm thấy hạnh phúc, bình an trong hành trình là mộn đệ của Đức Ki-tô.
Lời gọi của Thiên Chúa như giấc mơ nung nấu trong tâm hồn của con người khiến người được gọi cảm thấy bị thôi thúc và quyết tâm để sống cho bậc sống ấy. Đôi bạn trẻ sau khi đã tìm hiểu nhau, khi tình yêu đã chín muồi, họ được thôi thúc tiến đến bàn thờ Chúa, trước vị đại diện của Hội Thánh để thực hiện một giao ước vĩnh viễn, không thể đảo ngược, và để họ trọn đời thuộc về nhau. Cũng thế, các tu sỹ được thôi thúc, được mời gọi sống kết thân với Chúa và chọn Chúa là kho tàng và niềm hạnh phúc đích thực cho đời sống của mình. Điều quan trọng là họ cảm thấy được thôi thúc, cuốn hút và hạnh phúc trong chọn lựa ấy.
Chính tiên tri Giê-rê-mi-a là người đã có những cảm nghiệm này. Ông diễn tả sự thôi thúc của Thiên Chúa như ngọn lủa cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. “ 7Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng…9 Có lần con tự nhủ : “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!”[1]Chính những thôi thúc mãnh liệt đó mời gọi ông dấn thân trọn vẹn cho Chúa và cho sứ mạng mà Chúa mời gọi. Cũng thế, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Rôma ý thức về giá trị của ơn kêu gọi là do lòng thương xót của Chúa để họ hiến dâng thân mình làm của lễ đẹp lòng Chúa. “1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.”[2] Chính các tông đồ cũng là người đã ý thức về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa dã dành cho mình để rồi các ông tự do đáp lại và dấn thân trọn vẹn cho lời mời gọi ấy. Ơn gọi của các ông cũng dần được thanh luyện và lớn lên để đạt đến sự trưởng thành sau kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
Thứ đến ân huệ lớn lao của ơn kêu gọi không làm cho người môn đệ tránh khỏi những thách đố. Thách đố của đời sống người môn đệ là cám dỗ từ bỏ thập giá. Bạn biết rằng đời sống ơn gọi là một ân huệ Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Vả lại, đời sống ấy là một đời sống có giá trị. Tuy nhiên việc đón nhận những điều kiện để sống theo bậc sống đó luôn là một thách đố với bạn. Thách đố đó nằm ngay tại lòng người. Sau khi đại diện anh em trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su về căn tính của Ngài ở Xê-da-rê Phi-líp-phê, và được nghe Chúa Giê-su loan báo cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải trải qua, Phê-rô kéo người riêng ra để ngăn Người bước vào con đường thập giá. Ông bị Chúa gọi là Satan vì đã cản lối Thầy.[3] Cám dỗ của Phê-rô là cám dỗ từ bỏ con đường khiêm hạ, tự hủy, là chối bỏ những điều kiện để theo Chúa, điều kiện để có được hạnh phúc, cám dỗ của việc muốn đi theo Đức Ki-tô không thánh giá.[4] Điều này cho thấy động lực theo Chúa của ông rất trần thế. Cách hiểu của ông về Đấng Messiah rất con người. Các ông muốn đi theo một Đấng Messiah uy hùng thay vì một Người Tôi Tớ đau khổ. Chúa Giê-su phơi bày hiện thực của con đường theo Chúa, việc từ bỏ, mời gọi sự hoán cải của com tim để làm một với kế hoạch của Chúa.
Phản ứng của Phê-rô cho thấy có một sự xung đột và sự kháng cự trong tâm hồn của ông. Một mặt ông là người phấn khởi hồ hởi đi theo Chúa. Mặt khác đâu đó trong tâm hồn ông vẫn có cám dỗ trốn chạy thập giá. “Chúng ta quả rất mong manh, giới hạn và dễ thay đổi. Tuy nhiên chúng ta không nên ngờ vực và thất vọng về chính mình.”[5] Thánh giá thực sự thách đố tình yêu và sự tư do của người môn đệ. Chắc chắn khi bước vào một bậc sống, không ai sẽ hình dung hết những thách đố và đòi hỏi của bậc sống đó. Chính những hiện thực không mong muốn trắc nghiệm lời hứa ban đầu. Mười mấy năm sống chung thủy với người vợ bị tai biến, bại liệt quả là không dễ nhưng thực tại này lại trắc nghiệm tính bền vững của tình yêu, sự trung thành và lời hứa ban đầu. Thách đố của đời sống sứ mạng, những giới hạn của bản thân, những cám dỗ lại là điều trắc nghiệm tình yêu dâng hiến. Dĩ nhiên đời sống ơn gọi và đời sống gia đình không chỉ toàn những thách đố nhưng còn có cả niềm vui, niềm hy vọng, niềm hạnh phúc, sự kỳ diệu của việc trao tặng tình yêu và sự sống và của chính sự sống. Khoảng cách giữa hiện thực đời sống và tương lai đầy hứa hẹn là cánh cửa mở ra cho niềm hy vọng. Khi đi theo Chúa, Ngài không hứa với bạn và tôi rằng cuộc sống không có thánh giá nhưng Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta khi chúng ta đối diện với những thánh giá.
Cuối cùng người môn đệ chấp nhận điều kiện đi theo Chúa vì họ cảm nhận được tình yêu của Ngài. Chúa Giê-su không dấu diếm các môn đệ về những thách đố và kết quả của việc đi theo Chúa. Ngài nêu lên điều kiện để đi theo Người. “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?”[6] Việc từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa đòi hỏi người môn đệ chấp nhận đánh đổi giá trị dựa trên tình yêu và đức tin. Đức tin giúp người môn đệ nhận ra kho tàng trên trời quý hơn mọi kho tàng dưới đất. Tình yêu giúp người môn đệ gắn bó với Đức Giê-su quan trọng hơn gắn bó với những thực tại trần gian kể cả sự sống của mình. Bạn khó có thể chấp nhận điều kiện đi theo Chúa nếu trước hết bạn chưa cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho bạn. Chỉ khi ý thức rằng sự sống và linh hồn của con người đến từ Thiên Chúa và cùng đích của con người là thuộc về Chúa bạn mới có thể dám liều mất mạng sống mình. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và công chính sẽ trả lại cho bạn điều mà bạn đã hy sinh vì lòng yêu mến Ngài.
Các bạn thân mến! Cứu cánh của người môn đệ là sống hạnh phúc với Chúa nhờ sự kết thân với Ngài. Cứu cánh của con người không phải là đau khổ, mục đích của đời người không phải là “tích lũy sự thiếu thốn và sự từ bỏ” nhưng là sống thân tình với Chúa. Để sống trọn vẹn mối thân tình này, chúng ta loại bỏ những nguyên nhân gây ra những cản trở. Mục tiêu của đời sống chúng ta không phải là đau khổ nhưng có những hoàn cảnh mời gọi bạn chấp nhận đau khổ như là phương thế để làm chứng cho sự thật và đem lại hạnh phúc cho người khác.[7] Khi chúng ta biết chết là thế nào thì chúng ta cũng biết sống ra sao. Còn những ai chưa biết ý nghĩa của cái chết thì dường như họ chưa từng sống! Mục đích của đời người sẽ quyết định chọn lựa của bạn! Nếu tôi là người được Đức Giê-su chia sẻ dự án của Ngài, tôi sẽ đáp lại ra sao?
[1] Gr 20, 7,9)
[2] Rm 12, 1
[3] Mt 16, 21-23
[4] ĐTC Phanxico, Tin Mừng Chúa Nhất Năm A, NXBĐN, chuyển ngữ Lưu Văn Lộc, 2019, Tr. 254-257
[5] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Mát-thêu Dùng Trong Phụng Vụ, tái bản lần 1, NXBTG 2017, Tr. 284
[6] Mt 16, 24
[7] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Mát Thêu Dùng Trong Phụng Vụ, tái bản lần 1, NXBTG 2017, Tr. 284 – 285
Nguồn: https://dongten.net/suy-tu-tmcn-22-tna-mot-duc-ki-to-khong-thap-gia/