DẪN NHẬP
Truyền thông, thoạt nghe có nhiều người sẽ chỉ nghĩ đến việc truyền thông tin, là nói cho người khác nghe hay là hiểu về các phương tiện kỹ thuật số. Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI trong Sứ điệp Truyền Thông 2012 có viết: “Truyền thông ngày nay đang được đồng hóa với nói và nói, nói càng nhiều càng to thì càng tốt càng thành công.” Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, truyền thông đâu chỉ là thông tin. Có muôn vàn cách thức để truyền thông, bởi lẽ truyền thông là một tiến trình liên tục, là một dấu chỉ được trao đổi qua một phương tiện nào đó, có khi là qua ánh mắt, qua nụ cười, qua màu sắc, qua các cử hành phụng vụ hay qua một bộ trang phục nào đó…để tạo nên một mối tương quan và đạt được một ý nghĩa chung. Trong tư tưởng đó thì đời sống thánh hiến được xem như một cách thế để truyền thông cho thế giới hôm nay. Đó có thể không hoành tráng, không đa dạng sắc màu, có khi chẳng có tiếng nói. Nhưng người tu sĩ sẽ truyền thông bằng cả cuộc đời. Là một nữ tu tôi cũng nhận thấy vai trò của mình trong thế giới truyền thông. Hôm nay tôi muốn nói về chiếc khăn lúp trên đầu của người nữ tu như một dấu chỉ truyền thông về quà tặng của Thiên Chúa.
I. DÒNG CHẢY TRUYỀN THÔNG CỦA GIÁO HỘI TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
1. Bối cảnh
Lịch sử thế giới đang từng ngày chứng kiến những thay đổi vượt bậc của khoa học công nghệ. Thời đại 4.0 đã trở nên một mạng lưới toàn cầu, tạo nên một thế giới phẳng. Song song với sự phát triển đó thì đời sống con người ngày càng được nâng cao. Không ai có thể phủ nhận những giá trị mà khoa học công nghệ đem lại cho con người. Thế giới ngày nay không còn lạ lẫm gì với màn hình máy tính, với những chiếc điện thoại thông minh có thể thu gọn cả thế giới trong lòng bàn tay. Theo ĐTC Bênêđíctô XVI: “Internet đúng là quà tặng tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa và trí sáng tạo của con người. Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, với tốc độ hết sức nhanh và với lượng thông tin khổng lồ như thế, internet có thể làm cho con người trở nên hời hợt, phân tán và lệ thuộc.”[1] Theo đó, nền văn hóa 4.0 được đánh giá là nền văn hóa của giác quan, một nền văn hóa biến thiên, vô định, đa chiều và đan chéo, một nền văn hóa của tốc độ, của sự nhanh gọn. Trong thế giới đó dễ làm cho con người bị ảo tưởng bởi các giá trị. Thế giới giàu về vật chất nhưng lại nghèo trong các mối tương quan, trong chiều kích tâm linh. Ngày hôm nay người ta bắt đầu có khái niệm về người nghèo mà không phải là nghèo về tiền bạc, nhưng là nghèo tình thương, nghèo sự tương quan, nghèo giấc ngủ, nghèo tiếng cười (x. lời bài hát Nghèo, sáng tác của Lê Cát Trọng Lý). “Ta đang cô đơn trong một thế giới bị đại chúng hóa, một thế giới đề cao quyền lợi cá nhân, mà suy yếu chiều kích cộng đoàn.” [2] Đó là một thực trạng đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.
- Nền tảng truyền thông của đời sống thánh hiến
Có một số cách nghĩ sai lạc khi cho rằng truyền thông chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin. Nhưng không, truyền thông luôn phong phú và đa phương cách. Bản chất đời sống của những con người thánh hiến là một hình thức truyền thông, được thể hiện qua chứng từ sống động của một nếp sống đi ngược lại với thời đại. Mặc dù ở phương cách nào đi nữa thì truyền thông vẫn luôn được đặt nền trên sự thông hiệp sâu xa của Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo TGM Carlo M. Martini: “Mọi hoạt động truyền thông bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, là căn nguyên của mọi tạo vật và mọi hiện hữu,” là sâu sắc, liên tục và trọn ven giữa các Ngôi Vị thánh thiện. Trong chiều kích Ba Ngôi, Thiên Chúa được nhìn nhận như là một vị Thiên Chúa truyền thông trong chính mình. Cha, Con và Thánh Thần truyền thông lẫn nhau trong các chuyển động nội tại của Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần là hoa trái hoàn hảo của cuộc đối thoại tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Sự hiệp thông sâu xa và sự trao đổi sống động của mầu nhiệm Thiên Chúa là cội rễ của tất cả truyền thông của con người, Thiên Chúa tự truyền thông chính mình qua tạo dựng và ân sủng.[3] Tất cả được thể hiện trong dòng chảy của lịch sử ơn cứu độ con người. Từ hư không con người được hiện hữu, từ trong cõi hỗn mang của vũ trụ đã có sự huyền nhiệm trong truyền thông của Ba Ngôi, một sự truyền thông của Ba Ngôi đã tác tạo nên muôn vật muôn loài. Và “trong những ngày cuối cùng này,” Thiên Chúa Cha “đã nói với chúng ta qua Người Con” (Dt 1,2) và Người Con ấy luôn luôn truyền đạt cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha cũng như ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời. Chính lịch sử được sắp đặt để trở thành một thứ ngôn ngữ nói về Thiên Chúa.”[4]
Nói tóm lại: “Thiên Chúa tự bản chất là truyền thông. Người truyền thông chính mình cho thế giới và giúp cho chính thế giới trở thành truyền thông để nhờ đó toàn thể tạo vật trong thế giới trở nên giống Người.”[5] Đó là nền tảng của mọi con đường truyền thông. Vậy nên không thể đặt nền tảng truyền thông của đời thánh hiến ngoài nền tảng duy nhất này.
- Ơn gọi đời thánh hiến: Hoa trái của Thần Khí
“Hội Thánh được gọi và được sai đi vào thực tế của mọi nơi và mọi thời để tiếp tục công việc truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Mặc khải và Nhập Thể, chính Chúa là Đấng sai đi.”[6] Đời sống thánh hiến cũng không nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, trong Tông huấn Vita Consecrata số 19 khẳng định rằng:“đời sống thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần: chính Chúa Thánh Thần luôn luôn thúc đẩy những con người. Chính Chúa Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn.” Vậy nên không phải vô tình hay ngẫu nhiên mà trong Hội Thánh lại xuất hiện những con người sống đời thánh hiến, một bậc sống đặc biệt, được tách biệt để dành riêng cho Thiên Chúa. “Cuộc sống không đơn giản chỉ là chuỗi các sự kiện liên tiếp, nhưng là một lịch sử, là một câu chuyện đang cần được kể ngang qua việc chọn lựa lăng kính diễn giải, vốn có thể chọn lựa và thu thập những dữ liệu xác đáng nhất.”[7] Những người nam nữ tu sĩ đang mạnh mẽ truyền thông cho thế giới biết rằng, lối sống này không phải là một sản phẩm sáng kiến của những con người theo tôn giáo kỳ lạ, nhưng là một tác động, là hoa trái của một Đấng Siêu Việt. Bởi lẽ chính Chúa Thánh Thần khơi lên và giúp họ có thể sống, lớn lên và trung thành.
II. KHĂN LÚP – TRUYỀN THÔNG ÂN SỦNG
Hội Thánh tự bản chất là truyền thông, bắt nguồn từ sự truyền thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hội Thánh được thiết lập để tiếp nối công việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô bằng lời nói và việc làm. Theo quan điểm của Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu về truyền thông: Đời sống thánh hiến nằm trong dòng chảy của ân sủng Thiên Chúa cho nhân loại. Chắc hẳn rằng có muôn vàn cách thế để người tu sĩ có thể truyền thông cho thế giới và chiếc khăn lúp của người nữ tu chắc có lẽ là một dấu hỏi lớn cho người thời đại ngày hôm nay. Đã hẳn chiếc áo dòng không làm nên thầy tu, thế nhưng qua tu phục người thời đại sẽ thấy được một dấu chỉ của những con người có một lối sống đặc biệt nào đó. Vậy chiếc khăn lúp của người nữ tu truyền thông cái gì? Người nữ tu với chiếc lúp trên đầu là dấu chỉ bên ngoài nhắc nhở người tu sĩ về đời sống tu của mình, đó là một sự truyền thông về ân sủng, đó là sự truyền thông cái ý nghĩa thâm sâu bên trong đó.
- Nguồn gốc siêu việt
Thiên Chúa truyền thông qua tạo dựng và ân sủng, và việc chiếc khăn lúp của người nữ tu như một dấu chứng về ân sủng của Thiên Chúa. Truyền thông không đơn giản chỉ là nói cho thật nhiều mà có khi chẳng cần lên tiếng nhưng lại là một cách thế truyền thông mạnh mẽ. Đó là chiếc khăn lúp của người nữ tu khi đội trên đầu. Đời sống thánh hiến thật sống động biết bao khi mà người tu sĩ ý thức sứ mạng truyền thông của mình qua từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống. Làm sao để con người thời đại không bị nhầm lẫn về đời sống thánh hiến như một lối sống đơn thuần, hay chỉ là hội tụ những con người vui tính ở với nhau. Mà đó là một lối sống đáp trả lại sáng kiến của Đấng Siêu Việt. Đó là cách mà người tu sĩ truyền thông. Mỗi người tu sĩ phải làm sao toát lên được nguồn gốc của ân sủng trong việc hiến thân phục vụ Thiên Chúa cho thế giới này được biết về Chúa. “Đời sống thánh hiến là một lời loan báo những gì Chúa Cha thực hiện, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, do tình yêu, do lòng nhân lành, do vẻ đẹp của Người. Quả thế, bậc sống tu trì đặc biệt cho thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế.”[8] Không phải đơn thuần ngẫu nhiên có những con người dám can đảm để từ bỏ mọi sự để bước theo con đường ngược dòng này. Đó là truyền thông.
- Dấu chỉ sự từ bỏ
Tu phục là dấu chỉ bên ngoài nhắc nhở người tu sĩ về đời sống tu của mình. Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng “Tu phục là dấu chỉ bên ngoài của sự thánh hiến cho Thiên Chúa.”[9] Chúng ta biết rằng khi đón nhận tu phục, người tu sĩ xác tín việc mình được thánh hiến cho Thiên Chúa. Họ dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và phải luôn ý thức mình thuộc trọn về Thiên Chúa và Hội dòng để sống theo linh đạo của Hội dòng mà mình đã chọn. Người nữ tu đội lúp như một dấu chỉ của sự thánh hiến. Nó không phải là sự phủ nhận nữ tính, nhưng có nghĩa là từ nay trở đi họ được hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa. Cũng thế nó không phải là một nghĩa vụ, nhưng là một sự hy sinh từ bỏ. Có muôn vàn cách thức để truyền thông, vậy với việc người nữ tu ý thức khi đội chiếc khăn lúp lên mình sẽ truyền thông cái gì cho thế giới hôm nay? Đó là dấu chỉ của sự từ bỏ. Giữa một thế giới được lấp đầy bởi những khoa học kỹ thuật hiện đại, của xu hướng tìm kiếm những giá trị để khẳng định đẳng cấp của mình, giữa những ngành thời trang để xác định chỗ đứng cho mình và giữa những xa hoa lộng lẫy của thời đại, thì chiếc khăn lúp của người nữ tu lại tìm kiếm sự giản đơn vốn có của những con người thầm lặng. Nó như một hạt cải ngấm ngầm trong lòng đất để trổ sinh những mầm sống của những giá trị vĩnh hằng. Đó là cách mà chiếc khăn lúp truyền thông. Có một lúc nào đó, con người thời đại chạy theo thế giới điên đảo này lại được nhắc nhở bởi chiếc khăn lúp làm nên một khoảng lặng. Chiếc lúp đâu biết nói, đâu biết thể hiện bản thân, đâu biết trau chuốt cho bản thân mình. Thế nhưng, chiếc lúp biết truyền thông. Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy (x. Ga 13,35).
- Màu sắc một ngôn ngữ của truyền thông
Thiên Chúa Ba Ngôi không đóng kín trong mình. Người tự mặc khải và truyền thông với các tạo vật của Người, để làm chúng thành các đối tác của người. Quả là kỳ diệu khi thấy Người vận dụng mọi cách truyền thông khác nhau.[10] Trong cái hỗn mang của cõi tạo thành, Thiên Chúa đã thiết lập một trật tự. Ngài vẽ những đường nét và tô điểm lên chúng những sắc màu. Theo đó, mọi màu sắc đều có ý nghĩa riêng của nó và khi khám phá ra ý nghĩa của nó chính là khi nắm được ngôn ngữ truyền thông. Rồi không đơn thuần là kiểu dáng của chiếc lúp ôm trọn mái tóc của người nữ tu như truyền thông một sự dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, thì ngay màu sắc của chiếc khăn lúp cũng thể hiện giá trị truyền thông cách nào đó. Mỗi màu sắc trong cuộc sống góp phần tô điểm cho đời nên đẹp. Màu sắc làm cho cuộc sống sinh động hơn, tràn đầy sức sống và làm cho con người khám phá ra một cách thế truyền thông mà Thiên Chúa ban tặng, bởi thế mỗi màu sắc ghi dấu một giá trị khác nhau. Thông thường hai màu chủ đạo thường được lựa chọn của các Hội dòng là màu trắng và màu đen. Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, màu đen tượng trưng cho sự mỏng dòn yếu đuối của con người, cũng là sự từ bỏ, chấp nhận chết đi. Còn riêng nét độc đáo của Hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng lại chọn màu xám. Đó là sự hòa quyện giữa màu trắng và màu đen. Điều đó muốn truyền thông cái gì? Đó là cuộc đời của người nữ tu luôn hướng về Thiên Chúa với sự toàn hiến của mình, của sự dâng hiến trọn vẹn. Thế nhưng, nó là một sự nỗ lực để vươn tới, bởi lẽ người nữ tu vẫn còn đó những vương vấn của thế gian này. Từ đó, người nữ tu phải cố gắng chết đi mỗi ngày để hướng đến Thiên Chúa. Đó là cách thế truyền thông mà màu sắc của khăn lúp muốn thể hiện.
- Bước theo Đức Kitô ngang qua Đặc sủng của Hội dòng
Lịch sử nhân loại và mọi tương giao nhân loại tồn tại trong cơ cấu được thiết lập qua việc chính Thiên Chúa tự thông ban mình nơi Chúa Kitô. Chính lịch sử được sắp đặt để trở thành một thứ ngôn ngữ nói về Thiên Chúa, và một phần của ơn gọi con người đóng góp cho việc này được thành sự bằng cách sống sự thông ban liên tục và vô hạn của tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa qua những cách thức được sáng tạo mới mẻ khác. Chúng ta phải làm việc này qua ngôn ngữ của hy vọng và những việc làm của tình thương, qua chính lối sống của chúng ta. Như thế, truyền thông phải đặt ở chính giữa lòng của cộng đoàn Hội Thánh.[11] Trong niềm tin tưởng đó và với tác động của Chúa Thánh Thần, Hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng được nảy mầm trong Giáo Hội. Sự ra đời của Hội Dòng không phải là sự xuất hiện của một kết quả suy tư đơn thuần nào đó, nhưng là sáng kiến của Tình Yêu vĩ đại. Theo đó với ý định được gieo vào ý hướng của Đấng Sáng Lập để thiết lập nên Hội dòng như góp thêm một chút hương sắc cho vườn hoa của Giáo Hội. Với đặc sủng của Hội dòng là: Truyền giáo cho lương dân theo mẫu gương của Mẹ Maria đi viếng. Ngang qua đặc sủng này, Hội dòng muốn góp một chút nhỏ bé của mình vào việc truyền thông ơn cứu độ.[12] Ngay ở Đặc sủng của Hội dòng đã là một cách thế để truyền thông mãnh mẽ. Bởi lẽ truyền thông truyền giáo nhất thiết là truyền thông Tin mừng về đức Giêsu Kitô. Đó là công bố Tin mừng như là một lời ngôn sứ, giải phóng những con người nam nữ trong thời đại chúng ta, trước việc thế tục hóa tận căn, đó là chứng tá về chân lý của Thiên Chúa.[13] Người nữ tu khi khoác trên mình bộ tu phục và đội trên đầu chiếc khăn lúp như dấu chỉ của sự thuộc về Thiên Chúa. Theo đó người nữ tu luôn ý thức vai trò truyền thông của mình qua Đặc sủng trong Hội dòng mà bản thân lựa chọn. Với việc dấn thân trong ơn gọi người nữ tu muốn thể hiện ý muốn dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và dấn thân phục vụ các linh hồn.
III. TRUYỀN THÔNG ÂN SỦNG CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN NHƯ QUÀ TẶNG ĐỂ TRAO BAN
Chắc có lẽ rằng ai cũng thấm nhuần việc chia sẻ các giá trị trong cuộc sống, bởi vì khi niềm vui được chia sẻ thì được nhân đôi, còn nỗi buồn mà được chia sẻ thì sẽ vơi đi một nửa. Ân sủng của đời thánh hiến cũng vậy. Đó là một quà tặng, mà quà tặng thì luôn đòi hỏi sự trao ban. Thiên Chúa truyền thông ân sủng của đời thánh hiến như một món quà cho người tu sĩ. Và để làm cho món quà đó ngày càng triển nở trong đời sống thì đòi hỏi phải có sự cho đi. Người nữ tu ý thức được rằng, khi mình đội chiếc lúp là khi mình mặc lấy ân sủng, là một sự tròn đầy của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Người nữ tu muốn mạnh mẽ nói với thế giới rằng: chính Chúa là gia nghiệp, là niềm hạnh phúc, là sự tròn đầy của tình yêu mà không một giá trị trần thế nào so sánh được.
- Người nữ tu sống sung mãn ơn gọi của mình
Chiếc khăn lúp thể hiện con người của người nữ tu với ơn gọi dâng hiến của mình. Thật đẹp biết bao khi giữa những tấp nập của phố xá hoa lệ thì bóng dáng của người nữ tu thật nhẹ nhàng và giản dị. Có lẽ nhiều người thấy đó như những con người dại dột, nhưng cho dù có sự dại dột thì đó cũng làm cho sự thắc mắc của tâm trí con người phải suy nghĩ. Họ là ai?
Mỗi người tu sĩ được mời gọi sống sứ mạng truyền thông của mình là phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa. “Chúng ta được mời gọi tiếp tục cuộc hành trình tiến về Giêrusalem trên trời mà không sợ hãi. Thật đẹp việc chúng ta cam kết hiến thân phục vụ Nước Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi đón tiếp, loan báo và chia sẻ với mọi người Cái Đẹp cứu rỗi thế giới.”[14] Chia sẻ hồng ân của Cái Đẹp có nghĩa là chúng ta phải sống sự nhưng không của tình yêu: đức bác ái là Cái Đẹp lan tỏa và biến đổi tất cả những ai chạm đến nó.
Tự bản chất người tu sĩ đã là truyền thông, không phải là truyền thông bằng những phương tiện hiện đại nhưng là truyền thông bằng cả con người. Giữa một thế giới tôn thờ thân xác thì người nữ tu chọn sống khiết tịnh. Thế giới và con người ngày nay đang điên đảo đi tìm kiếm tiền tài danh vọng thì người nữ tu chọn đời sống khó nghèo. Giữa lúc con người cố gắng để khẳng định giá trị bản thân, chủ nghĩa cá nhân dường như ngự trị, thì người nữ tu chọn sống vâng phục. Đó là một lối sống lội ngược dòng, đó là một cách thế mà người nữ tu với chiếc khăn lúp của mình muốn truyền thông với thế giới. Chiếc lúp muốn truyền thông sự giản đơn vốn có của mình để đánh động tâm thức con người. Có khi truyền thông mà không cần phải nói. Giữa tiếng rang rảng của những đồng tiền của biết bao người giàu có khi dâng cúng trong đền thờ được họa lại trong Tin Mừng, thì Chúa Giêsu lại nghe được tiếng rơi khe khẽ của hai đồng tiền nhỏ của bà góa. Có lẽ đồng tiền đó nhỏ đến nỗi chẳng thể phát ra được tiếng để người khác để ý, nhưng với đôi tai tinh tế thì Chúa Giêsu lại nghe được đồng tiền phát lên tiếng nói của cõi lòng, của tình yêu và sự phó thác cho Thiên Chúa của người phụ nữ đáng thương này (x. Lc 21,1-4). Có lẽ rằng bà góa này đã truyền thông một thông điệp về sự dâng hiến cho Thiên Chúa. Người nữ tu cũng muốn truyền thông cho thế giới về ơn gọi của mình khi họ cảm nhận được niềm vui của sự dâng hiến, khi họ lấp đầy cuộc sống của mình bằng tình yêu của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở những người tu sĩ phải đánh thức thế giới. “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”[15] đó là lời mời gọi của vị Cha chung, tiếp đến ngài mong muốn người thánh hiến thể hiện niềm vui là hồng ân cứu thế thượng hạng và đó là vẻ đẹp của người tu sĩ.
2. Niềm vui trao ban
2.1. Sống an vui trong đời sống cộng đoàn
Chúa Giêsu nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Đời sống cộng đoàn là môi trường truyền thông đầu tiên của người tu sĩ. Sự hiệp thông huynh đệ luôn đụng chạm đến mọi góc cạnh của đời tu. Một niềm vui đích thực cho những người khác, là kinh nghiệm và cái đẹp tốt lành của Thiên Chúa, và thông truyền nó với tư cách là những hình ảnh của Thiên Chúa. Chắc chắn rằng con người có chức năng truyền thông niềm vui và tình yêu của Thiên Chúa. “Để trở thành anh chị em của nhau, cần phải hiểu biết nhau. Muốn hiểu biết nhau, cần phải truyền thông cho nhau một cách rộng rãi hơn và sâu xa hơn.”[16] Trong Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ số 32 có nhắc đến khía cạnh của sự truyền thông: “Sự truyền thông nảy sinh nhất là trong việc chia sẻ các hồng ân của Thần Khí, chia sẻ đức tin và trong đức tin, ở đâu chúng ta càng chia sẻ những điều cốt lõi và sống động, ở đó mối dây huynh đệ càng lớn mạnh.” Nền tảng truyền thông trong mầu nhiệm Ba Ngôi là khuôn mẫu của đời sống cộng đoàn huynh đệ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở những người thánh hiến là hãy đánh thức thế giới: “Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy đời sống cộng đoàn của các môn đệ.”[17] Đời sống huynh đệ cộng đoàn không đơn thuần là một tập hợp những người sống chung với nhau theo một khuôn phép nào đó, nhưng bản chất sâu xa trong đó diễn tả mầu nhiệm của sự hiệp thông trong Thiên Chúa. Giữa một thế giới đầy những xung đột của bạo lực, của chủ nghĩa cá nhân thì đời sống cộng đoàn truyền thông cho người thời đại một tình yêu của sự gắn kết. Bởi lẽ đời sống cộng đoàn là hình ảnh phản chiếu và truyền tải tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đây niềm vui được lan tỏa, trong đó mọi người sống vì nhau, với nhau và cho nhau. Nền tảng truyền thông trong đời sống cộng đoàn là đức ái. Khi tình yêu của những con người cùng chung sống được lấp đầy mọi khoảng cách thì chính là lúc thế giới bên ngoài nhận thấy sự ấm áp được lan tỏa. Đó là cách thế truyền thông của đời sống cộng đoàn. “Chúng ta phải chiếu tỏa cái đẹp đích thực và chân chính này trong cuộc sống, bởi vì chỉ có cái đẹp này mới chinh phục được tâm hồn và chuyển hướng nó về Thiên Chúa. Thật là đẹp việc tìm kiếm những dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa trong lịch sử. Thật là đẹp việc bước theo Chúa Giêsu và yêu mến Giáo Hội của Ngài.”[18] Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Fratelli Tutti mời gọi mọi người thể hiện tình huynh đệ rộng mở thấm nhuần tình thương của Thiên Chúa và phải mở ra với thế giới rộng lớn. Khi sống tình huynh đệ trong tình yêu là lúc người môn đệ truyền thông tình yêu của Thiên Chúa cách hữu hiệu nhất.
2.2. Cùng Mẹ lan tỏa Đức Kitô
Đức Maria là nhà truyền thông tuyệt vời. Một cách nào đó Mẹ như trung gian truyền thông ân sủng giữa Thiên Chúa và con người trong biến cố Truyền tin. Khi cảm nhận được “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48), Mẹ đã vội vã lên đường để chuyển trao niềm vui và ân sủng cho người chị họ. Bằng cách này Mẹ thể hiện vai trò truyền thông của Mẹ là cho mọi người biết về tình thương của Thiên Chúa. Trong Hiến chương của Hội dòng điều 2 “cùng với Đức Maria hướng thẳng về việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho lương dân.” Người môn đệ có nhiệm vụ lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa đến cho thế giới này “truyền thông mục vụ và truyền giáo bắt đầu với việc chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô ăn rễ sâu trong đức tin.”[19] ĐTC Phanxicô trong sứ điệp truyền thông 3 năm liên tiếp với những chủ đề đan xen với nhau, ngài mời gọi “Hãy đến mà xem” (sứ điệp 2021), để “lắng nghe bằng trái tim” (sứ điệp 2022), và khi đã xem đã nghe thì “nói bằng trái tim, sự thật trong tình yêu” (sứ điệp 2023). Cùng Mẹ lan tỏa Đức Kitô cho thế giới hôm nay là cách thế truyền thông của người nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Mỗi chị em được mời gọi đến với thế giới để lắng nghe, để hiểu, để nói cho người khác biết về Chúa qua đời sống của mình. Không phải là dùng những phương tiện truyền thông hiện đại nhưng là dùng chính đời sống, tình yêu của người nữ tu. Hình ảnh chiếc khăn lúp sẽ mãi thật đẹp để chuyển trao cho thế giới một thông điệp về tình yêu, về sự dâng hiến, về sự hy sinh từ bỏ, về khát vọng thẳm sâu của cõi lòng.
TẠM KẾT
Có muôn vàn cách thế để truyền thông cho con người thời đại này. Khi mà một thế giới giàu về vật chất thì lại thiếu thốn cái cảm thức về cuộc sống. Người nữ tu với chiếc khăn lúp mong muốn góp một chút vào dòng chảy truyền thông giữa Thiên Chúa và con người. Đời sống của người nữ tu mong muốn được góp một chút gì đó vào việc truyền thông cho người thời đại này. Như lời của ĐTC Phanxicô “các con hãy đánh thức thế giới,” và chiếc khăn lúp như một ngôn ngữ giúp người nữ tu lặng lẽ, giản đơn nhưng mang thông điệp đánh thức thế giới, dù chỉ là một chút gì đó nhỏ nhoi mà thôi.
Học Viện FMV – LVS
[1] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Truyền Thông 2012 Thinh lặng để truyền thông.
[2] Thông điệp Fratelli Tutti, số 18.
[3] x. FRANZ-JOSEF EILERS,S.V.D., Truyền thông trong mục vụ và truyền giáo, tr 24-30.
[4] Huấn thị AETATIS NOVAE, số 32.
[5] FRANZ-JOSEF EILERS,S.V.D.,op.cit., tr 24.
[6] Ibit.,tr 34
[7] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày quốc tế Truyền Thông lần thứ 51 (2017)
9 Tháng Hai, 2017
[8] Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 20.
[9] Công Đồng Vatican II, sắc lệch về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfectae Caritatis, (28/10/1965).
[10] x. FRANZ-JOSEF EILERS,S.V.D.,op.cit., tr 30.
[11] Huấn thị mục vụ AETATIS NOVAE, số 6.
[12] x. Định hướng tu nghị dòng lần thứ 15
[13] Huấn thị mục vụ AETATIS NOVAE
[14] HỒNG Y CARLO MARTINI, Cái Đẹp Cứu Rỗi Linh Hồn, tr 34
[15] PHANXICÔ, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số III.1
[16] Thánh Bộ Đời tu, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 29.
[17] PHANXICÔ, Hãy Đánh Thức Thế Giới, tr 33.
[18] HỒNG Y CARLO MARTINI, Cái Đẹp Cứu Rỗi Linh Hồn, tr 9.
[19] Truyền thông 48
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- BÊNÊĐICTÔ XVI, Thinh Lặng Để Truyền Thông, 2012
- BỘ TU SĨ, Văn Kiện Hồng Ân Trung Tín Và Niềm Vui Kiên trì, 2022.
- CARLO MARTINI, Cái Đẹp Cứu Rỗi Linh Hồn, Nxb Hồng Đức, 2021.
- CÔNG ĐỒNG VATICANO II, sắc lệch về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfectae Caritatis, (28/10/1965).
- CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1965.
- CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Sắc lệnh Inter Mỉifica, 1967.
- CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 1965.
- DÒNG CON ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG, Hiến Chương, 2021.
- FRANZ-JOSEF EILERS,SVD, Truyền Thông Trong Mục Vụ và Truyền Giáo, Logos Word Pubications, Manila, ấn bản lần 2, 2004.
- GIUSE ĐỖ VĂN THỤY,MSV, Truyền Thông Để Loan Báo Tin Mừng. Nxb Tôn Giáo,2018.
- HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị Aetatis Novae,
- HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị Aetatis Novae,
- NHÓM GIỜ KINH PHỤNG VỤ, Kinh Thánh, ấn bản 2011
- PHANXICÔ Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2020, Hãy đến mà xem.
- PHANXICÔ Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2022, Lắng nghe bằng trái tim.
- PHANXICÔ Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2023, Truyền thông bằng trái tim.
- PHANXICÔ, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2020, Để ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) – Cuộc sống trở thành câu chuyện.
- PHANXICÔ, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 48, Truyền thông phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực.
- PHANXICÔ, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 53 (2019), Chúng ta là chi thể của nhau.
- PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti. Nxb Tôn Giáo, 2020.