Khát vọng hạnh phúc là cơn khát nằm sâu trong yếu tính của hữu thể con người. Con người mong mỏi, khát khao tìm kiếm hạnh phúc qua tiền tài, danh vọng, quyền lực, sắc đẹp hay thỏa mãn thân xác trong những điều lập dị trái lẽ tự nhiên, …Con người lao đầu vào chạy, chạy mãi, cho đến khi nhận ra mình trong vực thẳm của thất vọng, chán chường không lối thoát. Vậy, hạnh phúc đích thực ở đâu? Đối với người Kitô hữu, hạnh phúc đích thực, trọn vẹn, viên mãn chỉ có thể tìm thấy trong Thiên Chúa, khi con người được sống, được kết hiệp, được diện đối diện với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng của Thiên đàng. Thiên đàng là quê hương và là cùng đích của con người. Tuy nhiên, trong khi mong chờ một nơi hạnh phúc tuyệt đối chắc chắc là Thiên đàng, thì Thiên Chúa đã cho con người cảm nếm phần nào hạnh phúc Thiên đàng ngay trong cuộc lữ hành tại thế này: “là khi con người luôn biết quy hướng về Thiên Chúa; giúp đỡ người thân cận đang túng bấn; khi họ cảm nghiệm được niềm vui tình yêu; và khi trở về làm hòa với Thiên Chúa thì Thiên Đàng đang mở ra ở đó” (You cat, số 518). Nhà thần học Gerhard Ebeling đã từng nói: “Thiên Chúa không ngự ở chốn Thiên Đàng, đúng hơn Thiên Chúa ở đâu thì Thiên Đàng ở đó”.
Thiên đàng, nơi ngập tràn ánh sáng, nơi hạnh phúc viên mãn với niềm vui bất tận vĩnh cửu. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Thiên đàng đã mang cả Thiên đàng đến trần gian và trao tặng cho con người một cách nhưng không; Ngài đã mở cửa Thiên đàng với chìa khoá thập tự, chìa khoá chế tạo bằng tình yêu: tình yêu nối kết đất trời; tình yêu xóa bỏ mọi ngăn cách; tình yêu tái tạo, làm cho sống. Con người ở trong Thiên đàng khi ở trong mức độ được gần kề với Đức Giêsu trong tình yêu, mà Đức Giêsu thì luôn hiện diện và ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20), nên ở đâu có Đức Giêsu, ở đó là Thiên đàng. Sự hiện diện của Đức Giêsu đồng thời cũng là sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa tình yêu. Có thể nói, Thiên đàng! từ xa nay đã gần, từ trời cao nay đã hiện diện trong trần gian nhờ Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là chìa khóa mở cửa Thiên đàng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thiên đàng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô Phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần”. Đúng vậy, Thiên đàng luôn hướng đến một đối tượng duy nhất là Thiên Chúa; là cuộc gặp gỡ giữa con người với một Ngôi Vị sống động, cuộc gặp gỡ đưa đến chuyện trò, gần gũi, hợp nhất và nên một với nhau, sống cho và sống vì nhau; cuộc gặp gỡ đưa đến sự biến đổi trong Thánh Thần tình yêu. Khi chúng ta quy hướng tất cả cuộc đời mình về Chúa trong sự tin tưởng, yêu mến và phó thác; khi chúng ta chọn Chúa giữa muôn vàn chọn lựa, muốn tất cả những gì Chúa muốn, để Chúa làm chủ cuộc đời mình; và khi chúng ta chỉ bám víu, cậy dựa vào một mình Chúa thì đó là lúc chúng ta đang đi vào cung lòng cực thánh của tình yêu Thiên Chúa để hưởng nếm vị ngọt ngào, hạnh phúc bất tận của Thiên đàng, vì có Chúa chúng ta sẽ có tất cả.
Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó là Thiên đàng, nhưng ở đâu có tha nhân thì ở đó cũng có Thiên Chúa, bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Chuyện kể rằng: Một tu sĩ già nhìn thấy một Thiên thần đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa vào một cuốn sách vàng. Vị tu sĩ hỏi xem tên của mình có trong sách không, nhưng không thấy. Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng, ông nói với Thiên thần: – Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân…và thế là tên của ông đã đã dẫn đầu danh sách những người yêu Chúa. Sau khi vị tu sĩ gia qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi”.[1] Vị tu sĩ trong câu chuyện trên đã tìm thấy Thiên Chúa trong tha nhân, khi tìm thấy Thiên Chúa thì đồng nghĩa với việc ông cũng tìm thấy chính mình và hưởng nếm được hạnh phúc Thiên đàng.
Đức Giêsu cũng đã khẳng định, không ai yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình (x.1Ga 4,20) vì yêu Chúa và yêu tha nhân chỉ xuất phát từ một tình yêu duy nhất, không tách rời, không biến đổi; yêu Chúa làm sao thì yêu tha nhân cũng sẽ như vậy. Triết gia hiện sinh người Pháp Jean-Paul Sartre ở thế kỷ 20 đã từng có câu nói nổi tiếng: “Tha nhân là hỏa ngục”. Câu nói đó đã làm dấy lên làn sóng nghi ngờ, dửng dưng, vô cảm giữa con người với con người. Đồng thời, nó làm chết ngạt, tê liệt lòng thương xót, sự cảm thương mà Chúa đặt để trong mỗi con người. Đó là quan điểm của Jean-Paul Sartre, còn chúng ta thì sao? “Tha nhân là hỏa ngục” chăng? Không, “Tha nhân là Thiên đàng,” là món quà mà chúng ta được diễm phúc nhận lãnh. Mỗi người phải chắc chắn và xác tín về điều đó, vì chính nơi tha nhân mà chúng ta sẽ được gặp gỡ, tiếp cận và nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu. Ngài hiện diện nơi tha nhân, mà chính Ngài là Thiên đàng, nên chúng ta sẽ cảm nếm được niềm vui và hạnh phúc Thiên đàng khi chúng ta sống cho và sống vì tha nhân. Khi chúng ta biết mở con tim để rung cảm và nhạy bén trước những hoàn cảnh đau khổ, túng bấn của anh chị em; khi chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ vô điều kiên; biết cúi xuống phục vụ cách quảng đại nhưng không; khi chúng ta âm thầm lặng lẽ ban tặng thời giờ, sức khỏe, tâm trí của mình; và khi chúng ta để cho sự dịu dàng của Chúa được lan tỏa trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, lời nói của chúng ta. Sống cho tha nhân là một cách sống cho Chúa, nhiệt tâm giúp đỡ tha nhân là nhiệt tâm với chính Chúa vì “Thiên Chúa và Bác ái chỉ là một” (Thánh Bênađô). Khi sống cho, sống vì người khác chúng ta nghĩ mình sẽ mất, nhưng điều mất chẳng đáng là gì so với điều chúng ta nhận được, “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”[2]. Giúp người là giúp mình, “điều tôi tiêu đi là tôi có, điều tôi giữ lại là tôi mất, điều tôi cho đi là tôi được”[3]. Đúng vậy, chúng ta sẽ được gột rửa, được an ủi, được lớn lên trong sự quảng đại, bao dung. Sự an ủi của tha nhân là sự an ủi của chúng ta; niềm vui, niềm hạnh phúc của tha nhân cũng là niềm vui và niềm hạnh phúc của chúng ta. Đặc biệt, một món quà lớn lao mà chúng ta sẽ được, đó là “được Đức Kitô”. Được Đức Kitô chúng ta được cả Thiên đàng. Vì vậy, chúng ta có thể xác tín rằng “tha nhân không là hỏa ngục” nhưng nếu một thế giới vắng bóng tình yêu và lòng thương xót thì sẽ là hỏa ngục ở trần gian này.
Không chỉ nơi tha nhân, chúng ta còn tìm thấy niềm vui Thiên đàng ngay chính trong hữu thể sâu xa và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu và cuộc đời mỗi con người được lôi kéo, bao bọc, nâng niu một cách kĩ càng trong tình yêu vô biên đó. Dù cho họ là ai và có đang ở trong tình trạng nào, thì tình yêu Thiên Chúa cũng không bao giờ suy giảm hay biến đổi. Trong tình yêu, chúng ta sẽ hạnh phúc, vì hạnh phúc không hệ tại ở những gì bên ngoài ta có hay cần phải có, cũng không nằm trong những gì ta được, nhưng hệ tại ở việc tin rằng mình được Thiên Chúa yêu thương. Khi ý thức về hồng ân sự sống, khi nhìn ngắm chính mình với dáng vẻ hình hài độc đáo cũng đủ làm cho chúng ta phải sung sướng reo lên lời ca ngợi, tạ ơn… Thật quá kì diệu! (x. Tv 139,14). Hơn nữa, những giây phút được ngụp lặng, chìm sâu trong trong cầu nguyện; mỗi khi được đụng chạm và nên một với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể; mỗi khi nhận ra con người yếu đuối, tội lỗi và trở về giao hòa với Chúa cũng chính là lúc chúng ta được đụng chạm và hòa tan trong cõi hạnh phúc Thiên đàng.
Thiên Chúa, Đấng không bị đóng khung trong một thể chế hay hình thức nào. Ngài hiện diện trong mọi sự, trong ngày sống, trong bổn phận và trong công việc của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta mở con tim, khối óc để đón rước Ngài, để nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Ngài trong từng giây, từng phút của cuộc đời mình. Có Chúa chúng ta có hạnh phúc, có đủ sức để đảm nhận cuộc đời mình trong niềm vui, tin tưởng và sống trọn giây phút hiện tại với lòng biết ơn. Nhà phân tâm học Theodore Reik nói rằng “Bí ẩn của hạnh phúc con người không nằm trong sự tìm kiếm bản thân, nhưng trong sự quên mình”. Thật vậy, khi quên mình, khi chết đi cho sự kêu ngạo, cái tôi ích kỉ, đó cũng là lúc chúng ta nhường chỗ cho Thiên đàng được lớn lên và triển nở trong ta; khi chúng ta biết đón nhận mình như “mình là” với những khả năng, giới hạn, yếu đuối trong sự tin tưởng, phó thác, yêu mến thì cũng là lúc ta cảm nghiệm được niềm vui, sự bình an mãnh liệt trong âm thầm, kín đáo.
Ngoài ra, chúng ta còn cảm nghiệm hạnh phúc Thiên đàng trong cảnh tối tăm, đau khổ. Có lẽ cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận là một chứng từ rõ nét, Ngài đã tìm thấy niềm vui Thiên đàng trong cảnh ngục tù đau khổ, nghe có vẻ nghịch lý! Nhưng nó chẳng hề nghịch lý nếu ai đó đã có lần kinh qua. Quả thật, đau khổ cho chúng ta nhiều bài học và giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong huyền nhiệm tình yêu. Dù đắng cay nhưng nó cũng chứa đựng vị ngọt ngào âm thầm sâu lặng của hạnh phúc; chúng ta sẽ chẳng hiểu thấu mà chỉ có thể trải nghiệm và cảm nếm. Trong đau khổ chúng ta không chỉ thấy thật rõ khuôn mặt của Chúa nhưng còn sống trong Chúa, nên một với Chúa và trong đau khổ chúng ta sẽ khám phá ra một chân lý: chẳng có gì xảy đến cho chúng ta mà nằm ngoài ý định của Chúa; mọi sự Ngài gửi đến cũng chỉ mong điều tốt nhất cho chúng ta. Đó chính là lý do làm cho chúng ta hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta phải xác tín một điều rằng: để có thể đạt được niềm vui Thiên đàng ở đời này hoàn toàn không phải tự sức chúng ta, nhưng tất cả là nhờ tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là những khí cụ bất toàn được cộng tác trong sự tự do vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình.
Đức Giêsu Kitô là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu; Ngài đến để thiết lập Thiên đàng ở trần gian này. Ngay từ bây giờ, sự sống đời đời đã bắt đầu và đang phát triển. Thiên đàng không phải là phần thưởng mà Thiên Chúa đột ngột ban cho chúng ta sau cuộc sống trần gian, nhưng Thiên đàng là chặng cuối cùng của cuộc hành trình dài. Vì vậy, chúng ta đừng tìm kiếm, hay ngồi chờ trong mơ màng một Thiên đàng “tĩnh” ở nơi nào đó xa xôi, vì Thiên đàng là một trạng thái sống (state of being) chứ không phải là một nơi chốn (place).[4] Và ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa, mà ở đâu có Thiên Chúa thì ở đó có Thiên Đàng vì “Thiên đàng ở bất cứ chỗ nào trên trái đất có những người đầy tình yêu mến Chúa, yêu mến người khác, và yêu mến chính họ nữa.” (Thánh nữ Hildegarde de Bingen). Tuy nhiên, chúng ta không dừng lại Thiên đàng đời này vì Thiên đàng vẫn là một hiện tại sâu xa còn ẩn kín mà chúng ta cần khám phá mỗi ngày. Những niềm vui, hạnh phúc mà Thiên Chúa cho chúng ta hưởng nếm ở trần gian này sẽ là sức mạnh và động lực để chúng ta tiếp tục bước đi, hướng về cùng đích là Thiên đàng vĩnh cửu, nơi chúng ta được hiệp thông trọn vẹn trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khoảng Lặng
[1] Trích trong “mỗi ngày một tin vui”
[2] Lời bài hát Kinh Hòa Bình của nhạc sĩ Kim Long
[3] Ngạn ngữ Anh
[4] Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21 tháng 7 năm 1999