Dưới cái nắng gay gắt ngày tháng sáu
Bao tâm hồn đầy lửa máu tình yêu
Cất bước đi sáng sớm tới xế chiều
Thăm mảnh đời còn quá nhiều bất hạnh
Nói về truyền giáo là nhắc tới cả bầu trời định nghĩa. Nhưng đối với chị em chúng tôi-nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, thì truyền giáo chính là trải nghiệm, một sự trải nghiệm về cuộc đời, về con người mà mỗi người khám phá từ những chuyến đi ngắn ngủi chứa đầy những cảm xúc. Sự trải nghiệm lại trở nên đáng giá hơn khi biết trải lòng ra với những gì đã, đang và được thấy: Trải nghiệm để biết yêu thương hơn.
Thật khó để diễn tả cho ai một câu chuyện mà mình thao thức và mong muốn người khác hiểu và cảm thấu, nếu câu chuyện hay nội dung muốn nói chỉ dừng lại ở những từ ngữ. Cách thức khả thi nhất vẫn là sự thực tế, nghĩa là đi đến và ở lại. Chúa Giêsu khi được người môn đệ thắc mắc nơi ở, Ngài không trả lời ngay nhưng mời gọi họ “đến xem” và chính họ chọn cách “ở lại với Ngài”.
“Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn phải sống mới có thể hiểu được”. Không phải ngẫu nhiên mà Helen Keller lại thốt lên điều ấy. Chúng tôi muốn chứng minh rằng những câu chuyện sẽ khả thi hơn khi được chính những con người đã kinh nghiệm và chia sẻ, người đó không ai khác đó chính là những nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng – những con người vẫn cưu mang trong mình thao thức và sứ mạng thăm viếng lương dân, những kiếp người với những cảnh huống khác nhau trong xã hội. Thật may mắn cho chúng tôi khi được Hội Dòng, cách riêng ban truyền giáo đã ưu tư cho lớp người trẻ có cơ hội được thi hành sứ mạng truyền giáo cách thực tế và sống động, như một sự “hiện diện và yêu thương”. Hãy cùng điểm qua và nhìn lại hành trình thăm viếng với những điểm truyền giáo vừa quen vừa lạ mà chúng tôi đã hiện diện nhé!
Phú lương B– cái tên thoạt nghe ai cũng nghĩ ngay đến con đường về hướng sân bay, nhưng thực ra nó lại là một địa điểm tách biệt hoàn toàn với Phú Lương A, nơi có cộng đoàn Giáo xứ Phú Lương mà Hội dòng chúng tôi đang hiện diện. Cả hai tên gọi đều khiến cho ai nấy ngạc nhiên khi tìm hiểu về lịch sử lâu đời của một vùng quê nghèo mang tên làng Phú Lương. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân về vùng đất Phú Lương B là chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang gần già đi vì số lượng người cao tuổi và già nua ở đây rất nhiều. Nhưng số phận của họ lại kém may mắn hơn khi phải sống trong cảnh neo đơn, không người chăm sóc, an ủi khi bệnh hoạn, khó khăn. Hơn ai hết, họ là những người mong muốn được bầu bạn và trò chuyện hầu khỏa lấp nỗi buồn và thân phận của tuổi già sức yếu. Nhiều bà mẹ vẫn có con cái lâu ngày thay nhau về thăm nom nhưng một vài ngày vui làm sao bù đắp hết 29 ngày cô đơn trong ngôi nhà nhìn về xa xăm, như trông mong một niềm vui sẽ đến. Xót xa hơn cho những mệ già đau đớn nằm trên giường bệnh, chờ đợi sự nâng đỡ của người hàng xóm, hay những bữa ăn của người thân quen đem tới hằng ngày. Nói làm sao hết được cảm xúc không muốn rời mỗi khi đứng lên nói lời tạm biệt, dù chỉ là cái chia tay tạm thời nhưng như là mãi mãi đối với người già neo đơn. Tuổi già khiến người ta trở nên nhỏ nhen hơn khi ganh tỵ với nhau nếu chúng tôi ghé thăm nhà nào đó lâu hơn. Thật nực cười nhưng nó lại biểu lộ rõ niềm mong ước được hiện diện và lắng nghe thực sự nơi họ. Bên cạnh những trăn trở của tuổi già là nỗi băn khoăn khó tả của một số anh chị em tín hữu về đời sống đức tin. Phải nói rằng, số ít này là những “Anawim của Chúa”, giữa bao biến động của thời cuộc, vẫn giữ vững đức tin bằng những việc đạo đức bình dân, thường lui tới nhà thờ khá xa nơi ở vào những ngày Chúa nhật hàng tuần và những khi điều kiện cho phép. Hoa trái này là dấu chỉ cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động cách sống động trong Giáo Hội của Ngài. Nhắc tới đó, chị em chúng tôi lại ưu tư nhiều hơn cho Mệ Tám, vốn đã được Rửa tội trước đó nhưng vì hoàn cảnh không mấy êm xuôi, từ lâu Mệ cũng không tìm thấy niềm tin nơi Chúa, chỉ ước mong rằng với ơn Chúa và sự kiên trì của chúng tôi, Mệ sẽ mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa vào những giây phút cuối đời.
Đi xa hơn địa bàn Phú Lương B, chúng tôi hân hoan thăm viếng các gia đình thôn Mai Dương, thuộc xã Quảng Phước, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Con đường vào làng trở nên xa hơn khi cái nắng chói chang như đang muốn nuốt chửng cả một dòng sông Hương mênh mông, vậy mà nó lại bị thu phục bởi lòng nhiệt huyệt của những chị em DCĐMĐV, băng qua các ngả đường và đem đến sự sẻ chia cho những người bà con nơi đây. Môi trường và tình cảnh của những người nơi đây khá giống Phú Lương B, cũng là những người già, neo đơn vẫn khao khát được một điểm tựa để trải lòng, chính vì thế và sự có mặt của chúng tôi lại mang lại niềm vui và lòng tin nơi cuộc sống của họ. Những em thiếu nhi với làn da sạm nắng vì gió, vì nắng và vì muối mặn của biển làm cho các em như lớn hơn tuổi của mình, nhưng không vì vậy mà các em đánh mất đi sự ngây thơ, trong trắng và hồn nhiên vốn có.
Hành trang mà chị em chúng tôi mang tới không lỉnh kỉnh những cỗ xe đầy lương thực, nhưng quan trọng hơn cả là sự lắng nghe và đi vào câu chuyện của từng người. Nhờ đó mà họ cảm thấy mình được yêu thương trân trọng, được an ủi và nâng đỡ. Đọng lại trong tâm trí về những người bà, người mẹ già nơi đây là hình ảnh thật đẹp đầy chỉnh chu và nết na của người con gái Huế, với tấm áo cánh mỏng bên trong, dù trời mùa hè đang đi vào thời kỳ cao điểm. Đó là cả một bài học về sự đoan trang, đức hạnh cho người phụ nữ Việt Nam, và là bài học đáng giá hơn cho chúng tôi- những tu sĩ trẻ biết gìn giữ sự trong sáng của Đức Khiết tinh qua những điều chi li nhỏ nhặt và xem ra có không mấy ai quan tâm trong thời đại hôm nay. Được đến và ở lại với từng hoàn cảnh nơi đây, chúng tôi được tiếp đón như những người cháu trong gia đình, mọi sự đều trở nên gần gũi và quen thuộc. Cuộc sống nghèo khó những không làm biến chất sự tốt lành vốn có nơi họ, chúng tôi được đón nhận những món quà yêu thương là hoa trái vườn nhà, là tình cảm trân quý của những con người đầy chất phác và bình dị.
Quán cơm Thiện Tâm– một kỉ niệm đáng nhớ mà chúng tôi có cơ may được cộng tác với các anh chị trong nhóm Thiện Tâm là phục vụ người nghèo qua những hộp cơm tình thương. Công việc này dù không quá nặng nề nhưng đòi hỏi sự hy sinh cần mẫn, chúng tôi xuất phát từ rất sớm để kịp chuẩn bị cho phần lương thực sẽ phục vụ, và trao đến tận tay những phần cơm chứa đầy tình yêu thương, trao tặng đến nhiều người nghèo đang phải bôn ba lận đận lo kinh tế cho đời sống gia đình với đồng tiền hết sức hạn hẹp, và cũng không quên trao gửi những người kém may mắn trong xã hội, những người không có khả năng tự lo cho cuộc sống của mình. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của họ như dần xua tan nỗi mệt nhọc và những giọt mồ hôi sau một ngày làm việc vất vả và đầy trách nhiệm.
Điểm hẹn mang lại nhiều cảm xúc nhất phải kể tới Bệnh viện Tim và Mắt, chính nơi đây sự quan phòng của Chúa đang can thiệp cách nhãn tiền vào từng con người, với những cảnh đời khác nhau khi có sự hỗ trợ vật chất và tinh thần qua trung gian của người nữ tu DCĐMĐV. Hầu hết những bệnh nhân được giúp đỡ là các trẻ em bị tim bẩm sinh, người nghèo, bao gồm những ông bà già neo đơn, những gia đình bị giới hạn về kinh tế, đông con ít tiền, công việc làm ăn thiếu ổn định và một số khác có hoàn cảnh hết sức khó khăn trong đó có cả những người đồng bào. Vì hoản cảnh không mấy cải thiện nên với họ tiền luôn là một vấn đề nan giải và việc chữa trị trao gửi “trái tim yêu thương” và “đôi mắt cửa sổ tâm hồn” nhiều khi là chọn lựa có điều kiện đi kèm. Công việc chính của chúng tôi là giúp các bệnh nhân làm thủ tục nhập viện và xuất viện khi hồi phục, hỗ trợ 100% phần chi phí của họ kể cả các loại thuốc bán lẻ, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe từng người kèm theo những chi phí và quà bồi dưỡng riêng.
Khi chia sẻ về việc thăm viếng tại bệnh viện, nhiều chị em không khỏi xúc động trước những mảnh đời bi thương ấy, chúng tôi không thể không nhắc lại dòng chia sẻ đầy cảm xúc của Sr. Anna -Trưởng ban truyền giáo: “tiêu chí cho việc tông đồ là truyền lửa cho nhau, truyền giáo không đòi hỏi những người có bằng cấp chuyên môn nhưng cần những người có tấm lòng trắc ẩn, sự dấn thân và hồn tông đồ, cũng đừng bao giờ kêu nản lòng dù điều đó có tồn tại”. Công việc ở đây đòi hỏi sự hy sinh rất lớn, bởi phải hiện diện vào bất cứ lúc nào bệnh nhân cần tới, cái nắng mùa này làm sao so bì với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông xứ Huế, thế mà chúng tôi vẫn luôn nói “có” trong mọi trường hợp, để những bệnh nhân luôn cảm thấy an tâm và bớt đi gánh nặng. Sự nhiệt tâm mà chúng tôi mang tới đã được đền đáp nhờ hỗ trợ tinh thần từ phía các nhân viên và hộ lý của Bệnh viện. Họ cũng được truyền lửa yêu thương để từ bây giờ việc tìm kiếm những phận người kém may mắn không còn là việc phải làm của riêng chúng tôi mà là sự chung tay của hết mọi người trong bệnh viện. Đến thi hành sứ vụ nơi này, chúng tôi không còn trở nên người xa lạ nhưng như là những người quen thân được đón tiếp và trợ giúp cách tận tình.
Khoảng thời gian hai tuần đối với việc truyền giáo có thể là không đủ để thực hiện một chiến lược mang lại thành quả lớn lao, nhưng với chỉ tiêu mà ban truyền giáo đã ưu tiên “truyền lửa cho nhau” thì đó lại là một sự đột phá cho một khởi đầu đầy trách nhiệm và ý thức trong ơn gọi người con Đức Mẹ Đi Viếng. Chúng tôi được biết về câu chuyện thực của những mảnh đời nghèo khổ và bất hạnh, và hơn ai hết là được đi vào trong câu chuyện đó để thấu hiểu và cảm thông.
Khi nhìn vào thực tế những câu chuyện ấy, dâng trào trong cảm xúc của cá nhân mỗi người là lời tạ ơn Chúa vì Ngài đã ưu ái hơn cho chúng ta về cả con người, gia đình và cuộc sống. Ai trong chúng ta có thể quên được hình ảnh của bé Misa, mang trong mình căn bệnh đột biến gen và mãi mãi phải sống với nó, ai không khỏi xót xa cho số phận của bé, nhưng nghị lực vượt lên chính mình lại là bài học tỉnh thức về thái độ biết ơn Thiên Chúa của mỗi người. Chúng ta phải tạ ơn Chúa luôn luôn vì được nằm trong số may mắn nhất của những người may mắn. Đừng vội than vãn với những thử thách nhỏ nhặt mà hãy đặt mình vào sự bi đát của họ để thấu cảm và sống bao dung hơn.
Có thể việc truyền giáo của Hội Dòng không mang lại kết quả đáng nể như nhiều người ước mong là họ sớm tiếp nhận ơn gọi Kitô hữu, hoặc quay về với Chúa sau một thời gian dài ơ hờ nguội lạnh. Nhưng điều đáng lưu tâm hơn cả là họ nhận ra có một Đấng vẫn luôn yêu thương họ, và qua sự tận tình, yêu thương, trân trọng của mỗi người chị em Con Đức Mẹ Đi Viếng, họ cảm nhận được tính khả thi qua ơn gọi mà mỗi chị em chúng ta đang làm chứng. Vì một khi làm việc vì Chúa và trong Chúa, thì hoa trái tốt đẹp mà chúng ta nhận được chính là phần thưởng và sự đáp trả của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Việc thăm viếng, gặp gỡ để thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia với những kiếp người không thể dừng lại ở ngày một ngày hai, nhưng phải là một quá trình dài và kiên trì trong đức tin và lòng yêu mến Chúa. Đó là điều mà chúng tôi nhận thấy được qua sự hy sinh âm thầm của những người chị em đã và đang hiện diện cách sống động ở những nơi quý chị đã ươm gieo, mà tôi gọi đó là những con người “gieo mầm xanh”, cách riêng là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Sr. Anna Thành và Sr. Lệ Phương. Quý chị đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho lớp người trẻ chúng em được cộng tác phần việc nhỏ vào sứ mạng to lớn của Hội Dòng. Để bắt đầu từ giây phút này, chúng em- những tu sĩ trẻ tương lai của Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng được tiếp tục nối gót và cùng chung tay làm cho những mầm xanh ấy thêm phần sức sống bền bỉ và tốt tươi.
Trên bước đường cùng Mẹ lan tỏa Đức Kitô luôn có dấu chân của gian nan và thử thách kéo ghì lòng nhiệt huyết tông đồ, nhưng trong tình yêu Chúa và qua sự chuyển cầu thân thương của Mẹ, chúng con sẽ hân hoan lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo mà Đấng Sáng Lập đã thao thức và Hội Dòng đang trao phó cho chúng con.
Nhóm Truyền Giáo Học Viện – Hè 2023