“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)
Thưa Mẹ yêu dấu, Tin Mừng đã không nói cụ thể những việc Mẹ làm khi đến viếng thăm và ở lại với người chị họ Elizabeth, hay là những năm tháng ẩn dật với Thánh Giuse và Chúa Giêsu ở Nazareth, cũng như khoảng thời gian Chúa Giêsu công khai rao giảng Tin Mừng. Nhưng con nghĩ ai cũng có thể diễn tả được khi nhìn vào hoàn cảnh của Mẹ khi Mẹ đến thăm Elizabeth, người phụ nữ đã già và trong những tháng cuối của thời kì thai nghén, chắc chắn Mẹ ở lại để thay Elizabeth làm mọi công việc và chăm sóc cho Elizabeth lúc bà sinh con; rồi trong gia đình thánh gia, Mẹ là người phụ nữ, thì bổn phận của Mẹ đương nhiên là chuyện nội trợ và những công việc phục vụ không tên khác nữa.
Từ khi nói lời Xin Vâng Mẹ đã thực sự cộng tác vào công trình cứu chuộc của Chúa như một “hợp đồng” mà Thiên Chúa ngỏ lời và Mẹ đã ký kết, không phải Mẹ nhìn vào khả năng của Mẹ để thi hành quyết định vì nghĩ rằng Mẹ có thể thực hiện được; hơn nữa, Mẹ đâu biết những gì Mẹ sẽ chấp nhận, sẽ làm ngoài việc biết rằng mình sẽ mang thai do Thần Khí, một điều vượt quá tư tưởng của con người. Tuy nhiên, Mẹ đã can đảm nói lời xin vâng như một sự ký kết với đầy đủ trách nhiệm của một người phụ nữ trưởng thành, trong tự do và hoàn toàn buông mình phó thác trong bàn tay quyền năng yêu thương của Thiên Chúa – nghĩa là Mẹ sẽ đồng ý và đón nhận mọi sự trong Thánh Ý Thiên Chúa, những gì mà Chúa gửi đến cho Mẹ. Và rồi, từ đó, mọi hành động của Mẹ đều là hành động được thực hiện cho việc cứu độ, mỗi một hành vi Mẹ làm đều sinh ra hoa quả cứu độ, mỗi bước chân của Mẹ đều là bước chân của sứ giả chuyển trao ân sủng. Bởi vì kế hoạch Thiên Chúa muốn thực hiện qua Mẹ là cứu độ mọi loài trong vũ trụ này.
Mẹ yêu dấu, những cụm từ trong họa ảnh này làm con muốn suy tư nhiều hơn để giúp con thấu hiểu và có một thái độ phục vụ càng giống Mẹ hơn. Trước tiên, từ “sẵn sàng” – muốn nói một thái độ đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cả tâm sinh lý, ra lệnh là thực hiện, cần là có ngay – từ điển Tiếng Việt diễn đạt từ “sẵn sàng” nghĩa là sự vui lòng làm một việc gì khó, vui lòng nói lên một biểu hiện của yêu thương, quảng đại muốn giúp đỡ. Tiếp theo là từ “dấn thân” – nghĩa là sự dốc hết sức vào hoạt động hay công việc nào đó bất chấp gian nan nguy hiểm. Hình ảnh người Samaritanô nhân hậu có thể giúp con hiểu hơn về từ ngữ này. Anh ta đã quên đi chính mình, lịch sử dân tộc gốc gác của mình, không nghĩ đến thiệt hại và những gì sẽ xảy ra sau đó. Lúc này anh ta chỉ biết dốc sức vì một tình bác ái đối với người anh em đồng loại, khác với thầy Lêvi và Tư tế tiên vàn phải bảo vệ thân phận và chức vị của mình. Từ cuối cùng là “phục vụ”. Từ điển quảng diễn nghĩa của từ ngữ này là làm công việc thuộc trách nhiệm của mình. Với nghĩa của từ ngữ này giúp con đặt câu hỏi: Trách nhiệm của người Kitô hữu là gì? Là công dân, anh có trách nhiệm thực thi pháp luật của đất nước mà anh mang quốc tịch, vậy thì người Kitô hữu là một người cũng biết thực thi luật. Vậy thì luật của người Kitô hữu mà Đức Giêsu đã công bố rõ ràng là luật tình yêu, luật bác ái. Anh muốn sống trong nước Việt Nam anh hãy chấp hành luật Việt Nam với từng điều khoản đã được quy định. Cũng vậy, muốn thuộc về và bước đi trong Giáo hội, thì phải thực thi luật của người Kitô hữu, luật của Giáo hội, dân riêng của Chúa. Luật này Thiên Chúa đã ban cho dân qua Môsê và đã được Chúa Giêsu tóm tắt thành hai điều khoản: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn đều răn thứ hai, cũng giống đều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37).
Ôi! Mẹ yêu dấu! Đức Giêsu đã chọn Mẹ là Mẹ của Ngài khi nhập thể làm người. Làm con của Mẹ là chấp nhận được thụ huấn lối sống, cách thế ứng xử và giá trị chuẩn mực của Mẹ. Vì vậy mà giữa muôn ngàn phụ nữ, qua muôn ngàn thế hệ, Mẹ mới xứng đáng là người được Chúa chọn cho công trình nhập thể cứu chuộc bởi chưa có một phụ nữ sánh được như Mẹ và e rằng sẽ không có một phụ nữ nào được tràn đầy ân sủng như Mẹ. Nơi Mẹ đã hội tụ đủ mọi yếu tố để Con Thiên Chúa đến cư ngụ và mời gọi cộng tác vào chương trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi Chúa mặc lấy thân xác con người, Chúa bước vào trần gian như bao con người được sinh ra, “Ngài đã mang lấy gánh lỗi lầm của chúng ta, và trở thành giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Cùng với phẩm giá là hình ảnh Thiên Chúa, Con Thiên Chúa và một sự tự do vô biên nơi chính mình, Ngài bắt đầu cuộc sống như bao người. Sinh ra – lớn lên! Nhưng Chúa Giêsu có lẽ được diễm phúc vì được hưởng sự giáo dục của người Mẹ vô nhiễm nguyên tội, đầy ân sủng – Người Mẹ đã luôn ước ao dâng trọn đời mình cho Chúa, đã đáp lời xin vâng với Thiên Chúa luôn luôn trong cuộc sống, để rồi Đức Giêsu cũng được thụ huấn kho tàng nhân đức dâng hiến và xin vâng hoàn toàn triệt để với thánh ý Thiên Chúa, cụ thể qua thư Thánh
Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philípphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạn mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Chắc chắn Mẹ đã dạy cho Chúa Giêsu phải nói như thế nào cho xứng đáng là nam nhi, phải làm như thể nào, chiến đấu ra sao để bảo vệ cho công lý, để nói lên tinh thần sẵn sàng dấn thân phục vụ, phải yêu như thế nào để Thiên Chúa vui lòng. Vì vậy mà ba năm công khai rao giảng, lời Chúa nói lên đã làm cho bao người phải sững sờ kinh ngạc, các bậc kinh sư và tư tế phải ngứa họng và tức tối vô cùng. Không phải chỉ bởi Ngài là Thiên Chúa nhưng Ngài đã được dạy phải diễn đạt bằng từ ngữ nào, hoàn cảnh ra sao để nói cho đúng cho hay; và rồi những hành động của Chúa, vì tình yêu, Ngài đã bất chấp những đố kị, rào cản quyền lực của người Do Thái để chữa bệnh cho bao người. Cũng vậy, là Con Thiên Chúa, Ngài đã xua đuổi quát mắng những kẻ buôn bán trong đền thờ. Qua hành động của Ngài các môn đệ nhận ra Đức Giêsu là nhân vật mà Thánh vịnh đã nói đến “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69,10). Cuối cùng, điều tuyệt vời hơn cả là tình yêu bao la nơi Đức Giêsu, là Thiên Chúa, Ngài đã khiêm tốn học cách yêu từ Đức Mẹ để biểu lộ tình yêu bằng tâm hồn luôn cảm thông thương xót, và qua tình yêu của mầu nhiệm nhập thể, Ngài đã thành nhà sửa đổi, kiện toàn lề luật, mà luật của Ngài vượt xa mọi thứ luật trần gian: Luật tình yêu.
Thưa Mẹ, Mẹ đã phục vụ gia đình Nazareth bằng hành động như thế nào, để rồi trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã khiêm tốn cởi bỏ áo choàng để ngồi xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành vi mà hình như chưa có vị thầy đã làm cho môn đệ mình như vậy. Có lẽ chăng, mỗi tối Mẹ đều lấy nước cúi xuống nhẹ nhàng rửa chân cho Chúa Giêsu và thánh Giuse. Chắc hẳn mỗi lần như vậy Chúa Giêsu đều cảm động và kính phục vui sướng trước tình yêu bao la của Mẹ, để rồi chính trong bữa tiệc ly Chúa lặp lại hành động của Mẹ để dạy các môn đệ về bài học tình yêu. Dẫu đây là sự mường tượng của con đi chăng nữa, con vẫn tin chắc rằng không ít nhiều Chúa Giêsu đã thụ huấn được những hành động yêu thương dịu dàng của Mẹ. Lạy Mẹ nhân ái, xin Mẹ dạy con như đã dạy Chúa Giêsu Mẹ nhé.
Bài học yêu thương của Chúa Giêsu là bài học bất hủ, bởi yêu thương không phải trên đầu môi chót lưỡi như trong Cựu ước Thiên Chúa đã trách Dân Người, nhưng yêu thương bằng hành động như Đức Giêsu đã yêu, trao ban như Ngài trao ban; yêu thương bằng đôi chân ra đi như Đức Maria đã ra đi và ở lại bao lâu tùy nhu cầu của đối tượng phục vụ, như Mẹ đã ở lại với Elizabeth độ ba tháng. Yêu thương có lẽ là nền tảng và cùng đích của việc phục vụ Mẹ nhỉ! Mà luật yêu thương là tự do và bác ái. Vậy thì con chỉ có thể sẵn sàng dấn thân phục vụ trong thái độ hoàn toàn tự do và yêu mến. Nếu phục vụ không có tự do và tình yêu, thì sẽ không còn được gọi là phục vụ, vì phục vụ là hành vi cho đi và cho đi là đặc trưng của tình yêu. Cũng có thể không có tự do và yêu mến thì phục vụ sẽ trở thành phục dịch, tính chất thuộc về nô lệ, và sự sẵn sàng nhạy bén sẽ thay bằng đau khổ, chịu đựng để thực hiện công việc trong ép buộc và bất bình. Hành vi phục vụ là kết quả của sự vâng lời trong tự do, yêu mến như Đức Giêsu và Mẹ đã hoàn tự do vâng lời Thiên Chúa trong niềm yêu mến và kính sợ để điều được vâng lời sẽ luôn thực hiện vì khát khao cho vinh quang Thiên Chúa, mà vinh quang của Thiên Chúa là loài người được cứu độ. Phục vụ là một cách thức hữu hiệu để loan báo Tin Mừng, nên bao lâu còn lòng yêu mến và ước muốn cho nhân loại được cứu độ thì lúc ấy còn thao thức để phục vụ để loan báo Tin Mừng, bởi chưng ý nghĩa của phục vụ là phục vụ sự sống. Và để nói về sự sống toàn diện thì phải bao gồm cả thể xác và tâm linh, vậy thì hai khía cạnh mà việc phục vụ cần nhắm đến là phục vụ thể xác và tinh thần. Chủ đích của đối tượng phục vụ gồm hai yếu tố này nên nơi ý nghĩa của việc phục vụ, cả hành vi của người phục vụ và kết quả nơi đối tượng được phục vụ sẽ không tan biến và trở thành hư vô trong phạm vi nhân loại tính mà sẽ kết tinh và tồn tại mãi trong phạm vi thần linh tính.
Sẵn sàng dấn thân phục vụ theo gương Đức Giêsu là từ bỏ địa vị Thiên Chúa, vui lòng trở nên đồng hình đồng dạng với đối tượng phục vụ được nhắm tới: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Đức Giêsu là Thiên Chúa trong cung lòng Chúa Cha, nhưng đã hoàn toàn vâng phục trong tự do vì yêu thương, bước xuống cùng nhân loại. Ngài đã mặc lấy thân phận con người, tự nguyện đứng vào hàng người tội lỗi như bao người tội lỗi. Ngài làm người không phải chỉ để cảm được những đau khổ, thao thức của con người, bởi ở cương vị Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài thừa sức để cảm được điều đó, nhưng Ngài đã làm người để chia sẻ nỗi đau của con người cách cụ thể, để giữa những đau khổ ê chề, con người nhận biết có một Thiên Chúa bên cạnh mình. Ngài làm người để gánh lấy nỗi đau nhân loại, và nhờ sự hiến dâng toàn vẹn trong Thánh Ý Cha. Chúa Giêsu đã giải phóng nhân loại khỏi sự chết. Ngài làm người, sống như người trần thế để con người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu thật gần gũi, cụ thể đối với nhân loại.
Việc cứu chuộc của Chúa không dừng lại ở khía cạnh lời nói nhưng là luôn hành động: bước vào, trở nên. Không phải từ bên ngoài Ngài nhìn vào nhân loại, chỉ quan sát bằng ánh mắt yêu thương nhưng là đi vào và ở giữa mọi người và trong mỗi người để chia sẽ cùng một nỗi niềm, một ưu tư, một khát khao, một đau khổ.
Sẵn sàng dấn thân như Đức Giêsu là đứng dậy, cởi bỏ áo choàng để ngồi xuống để thực hiện hành động của tình yêu. Thưa Mẹ, để phục vụ sự sống cho nhân loại hôm nay, con phải trở nên hình ảnh của Đức Kitô là cởi bỏ con người của con: Tôi là? Để bước đến, ngồi xuống, ngắm nhìn để thấy được nỗi niềm của tha nhân, lắng nghe để thấu hiểu những khát vọng, nhu cầu ở trong ưu tư của anh chị em để cùng suy tư và cầu nguyện như Đức Giêsu và quan trọng hơn hết là đưa tay ra và dốc hết sức mình để thực hiện những gì là tốt nhất cho mọi người. Hành động không phải vì trách nhiệm buộc phải làm mà là hành động tự do trong và vì đức ái.
Như quá trình xã hội hóa bắt đầu từ gia đình vì gia đình là môi trường đầu tiên con người học được sự tương quan liên vị. Cũng vậy, có thể nói việc phục vụ và nhận thức trách nhiệm phục vụ cũng bắt đầu từ gia đình. Chính nơi đây, qua sự hy sinh quên mình của cha mẹ, tình thương yêu nâng đỡ của anh chị em mà mỗi người biết sự phục vụ là gì, phục vụ như thế nào và thái độ tốt nhất cho phục vụ ra sao. Điều răn thứ hai mà Chúa Giêsu dạy là “phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Mt 22,39), nghĩa là phải yêu thương tha nhân bằng chính kinh nghiệm yêu thương bản thân mình. Vậy thì, con có thể nói, khởi đi của việc phục vụ là phục vụ chính bản thân mình. Trước tiên phải nhìn vào mình, chấp nhận mình là món quà của Thiên Chúa; mức độ thứ hai của việc nhìn vào mình là để thấy mình: nhu cầu, ước muốn, ưu tư, băn khoăn.. .cả ưu điểm lẫn nhược điểm, để làm cho mình đẹp lên, nhờ đó mà trở thành một con người xứng đáng là đã được cứu độ. Chính kinh nghiệm nhìn thấy và phục vụ bản thân cách trưởng thành sẽ đưa đến hành vi nhìn và phục vụ anh chị em tốt hơn. Từ việc hiểu mình, con người sẽ dễ dàng hiểu được người khác. Việc khám phá khả năng của mình và làm cho nó thăng hoa là cách thế tuyệt hảo để giúp người khác khám phá chính khả năng của họ và làm cho trổ sinh hoa quả tốt lành; cũng vậy, việc chấp nhận những giới hạn của bản thân cũng là cơ hội tuyệt vời giúp con dễ dàng chấp nhận giới hạn của tha nhân khi con gặp gỡ hay sống cùng họ.
Sẵn sàng dấn thân phục vụ không những là cử chỉ cao đẹp mà Đức Giêsu đã truyền dạy cho con, mà đây còn là bổn phận cao quý của người Kitô hữu nữa Mẹ nhỉ, đặc biệt là những người dấn thân cho ơn gọi dâng hiến, bởi họ được dâng hiến để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Phục vụ không gì hơn là sự cho đi: sức khỏe, trí tuệ, tài năng, thời gian. Nhờ phục vụ và qua phục vụ con người gặp gỡ Thiên Chúa, bày tỏ sự dâng hiến trọn vẹn hơn cho Ngài; đồng thời qua phục vụ con người có cơ hội giới thiệu Đức Kitô cho đối tượng mà mình phục vụ. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biêt việc chủ làm, nhưng Thầy sẽ gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,14-15). Qua lời và thái độ với các môn đệ, Đức Giêsu ý nghĩa hóa hành vi phục vụ, để việc phục vụ không phải là một trách nhiệm phải làm của người tôi tớ mà là một trách nhiệm của đức ái trong mức độ tình bằng hữu, sự thông phần chia sẽ của tình yêu trọn vẹn.
Thưa Mẹ, chắc chắn sẽ luôn còn đó những cản trở cho trách nhiệm phục vụ của con. Những cản trở thuộc về cả nội tâm và ngoại giới, đó là: sự kiêu hãnh, cái tôi có, cái tôi là, cái tôi thuộc về, không gian, thời gian… làm con không thể sẵn sàng phục vụ một cách tốt nhất cho Danh Thánh Chúa. Nhưng, thưa Mẹ yêu dấu, con đã có Mẹ là Đấng luôn nâng đỡ, che chở, phù trợ. Con sẽ luôn cố gắng để quan sát, chiêm ngắm cũng như học nơi Mẹ và Chúa Giêsu sự mau mắn ra đi thi hành Thánh Ý Tiên Chúa.
Xin Mẹ cùng đồng hành và giúp con nữa.
Agnès Tĩnh Nhân
(Còn tiếp)