Nhân gian thường nói: “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”. Thế nhưng tu phục của người tu sĩ như là dấu chỉ của “giao ước.” Giây phút người tu sĩ nhận tu phục là dấu ấn tình yêu được khắc ghi vào lòng để nên “Lời giao ước cho riêng mình Ngài. Lời giao ước cho một mối tình. Một tình yêu rất đỗi huyền siêu. Một tình yêu thương con đã từ muôn thuở và Ngài chọn tên con giữa muôn người.” (Trích trong bài hát“Áo Dòng con lãnh nhận”- Ns. Ngô Tử) và cũng là dấu chứng “thuộc về” một Hội dòng, “thuộc về” Đức Kitô, và chỉ sống cho riêng mình Ngài.
Vâng, chiếc áo dòng là dấu chỉ thuộc về Đức Kitô. Tôi cảm nghiệm và xác tín hơn điều này khi tôi may mắn được chứng kiến việc cải táng các phần mộ Quý Chị tại nghĩa trang của Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng vào ngày 18/8/2023. Công việc cải táng bắt đầu từ ngày 17/8 nhưng vì tôi đang thi hành sứ vụ tại cộng đoàn ở Miền Nam nên khi biết tin phần mộ Quý Chị đã và đang cải táng, tôi vội vàng, tức tốc lên đường kịp chứng kiến những phần mộ cuối cùng của Quý Chị được cải táng, trong đó có mộ phần chị Rôsa Nguyễn Thị Trang, người chị ruột của tôi, và ước muốn của tôi đã thành hiện thực.
Thật vậy, khi đến nghĩa trang tôi nhận ra một khung cảnh ngỗn ngang bởi những ngôi mộ được đào xới từ ngày hôm trước. Tôi lại nghe chị Phó tổng cho biết: “cải táng Quý Chị mình ngày hôm qua, Chị nào cũng còn Tu phục và những kỷ vật, như Tràng hạt, Thánh giá…”. Biết được như thế, trong tôi xuất hiện niềm vui trào dâng…trí tò mò trong tôi trỗi dậy cùng với ước muốn, hy vọng được chứng kiến tận mắt những kỳ tích xảy ra ở 8 phần mộ còn lại.
Giây phút mong ngóng đã đến, các ngôi mộ được các người thợ lần lượt khai quật lên và dần dần những bộ hài cốt được lộ diện. Xương cốt của Quý Chị phần nào bị bào mòn, phân hủy theo thời gian. Cũng có những bộ hài cốt vẫn còn nguyên vẹn. Tuy thời gian ước tính Quý Chị yên nghi ở đây có phần chênh lệch, như: có Chị yên nghỉ trên mười năm, có Chị hai mươi năm hoặc hơn hai mươi năm… và có Chị đã ba mươi năm hay trên ba mươi năm… Thế nhưng, một điều khá thú vị và lạ lùng khiến tôi ngạc nhiên, không ngừng suy nghĩ về “tu phục” của Quý Chị vẫn còn nguyên vẹn. Đây là điều khó tưởng theo tự nhiên, vì thế cũng có nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải cho sự việc “bất thường” này, như: do chất liệu vải tốt, do đất phù hợp bảo dưỡng chất liệu vải tốt nên không mục nát…
Riêng tôi, tôi cảm nhận đây không phải tự nhiên mà do bàn tay của Đấng Quyền Năng Yêu Thương đã can thiệp. Ngài đã ân cần giữ gìn để “tu phục” của người tu sĩ, người thánh hiến cho Thiên Chúa không bị tan vữa, mục nát và phân hủy theo dòng thời gian. Bởi tu phục của người tu sĩ là dấu chứng của Đức Kitô và là “dấu chỉ” thuộc về Đức Kitô (x. Bài hát “Một Ngày Lúp Áo”– Ns. Duy Linh). Do đó, dẫu người tu sĩ đã chết đi chăng nữa và chỉ còn lại nắm tro tàn, bụi đất thì mãi mãi cũng vẫn thuộc về Đức Kitô. Điều này minh chứng cho một tình yêu trung tín của Thiên Chúa dành riêng cho từng người tu sĩ chúng ta.
Vì vậy, như thánh Phaolô, người tu sĩ cũng cần xác tín và tâm niệm “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39) vì “Dầu sống, dầu chết anh em cũng thuộc về Chúa” (Rm 14,9), để mỗi ngày chúng ta có một đời sống kết thân và trung tín với Chúa hơn như Chúa đã, đang và vẫn luôn trung tín với mỗi người.
Cảm nghiệm ngày Cải táng Mộ Quý chị 17 -18/8/2023
An Quyên