DẪN NHẬP
Ngày nay con người đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên “nhỏ bé hơn” vì thế dường như tất cả chúng ta dễ dàng gần gũi nhau hơn. Thật vậy, những phát triển về giao thông và công nghệ truyền thông đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn, ngay cả sự toàn cầu hoá cũng khiến con người càng thêm tương thuộc lẫn nhau. Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông có thể giúp ta cảm thấy gần gũi nhau hơn, tạo nên cảm thức một gia đình nhân loại hiệp nhất, thúc đẩy tình liên đới và dấn thân xây dựng một cuộc sống xứng đáng hơn. Do đó, khi sử dụng truyền thông một cách tốt đẹp sẽ giúp con người gần nhau hơn, biết rõ nhau hơn và cuối cùng là hiệp nhất với nhau hơn. Những bức tường ngăn cách có thể bị phá vỡ khi chúng ta sẵn sàng lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, Internet cho chúng ta vô số cơ hội để gặp gỡ và liên đới với nhau. Đây thật sự là điều tốt lành và là món quà của Thiên Chúa ban tặng cho con người. Phương tiện truyền thông làm cho con người phát triển toàn diện về mọi mặt như tri thức, khoa học, kinh tế…
Mặc khác, nói như thế không phải là không có những vấn đề và những mặt trái của truyền thông, với vận tốc thông tin mau lẹ vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta khiến chúng ta chưa có một suy tư và phán đoán đúng đắn, chưa kịp thời quân bình những thông tin mình nhận được và vội vàng đưa ra quyết định, thường làm chúng ta có cái nhìn phiếm diện và sai lầm. Thế giới truyền thông có thể giúp chúng ta thêm kiến thức hoặc lạc hướng khi chúng ta không biết chọn lọc những thông tin.
Như vậy, truyền thông có thể phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực như thế nào? Và đối với mỗi người chúng ta là những Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, gặp gỡ người khác theo ánh sáng Tin Mừng nghĩa là gì? Và đặc biệt, làm thế nào để từng thành viên trong gia đình sống tốt với trách nhiệm và bổn phận của mình khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và khi sống trong môi trường mới do nền kỹ thuật số tạo nên?
Truyền thông có nghĩa là nhìn nhận chúng ta đều là con người, là con cái Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng: Tôi thích định nghĩa khả năng truyền thông ấy là “tình thân cận.”[1]
Thế giới truyền thông là nơi đầy tình người, không phải là một mạng lưới giây nhợ, nhưng là mạng lưới con người. Đặc biệt, môi trường quan trọng nhất để con người bắt đầu học cách truyền thông chính là trong bối cảnh gia đình.
Cuối cùng, truyền thông trong gia đình thật sự chính là nói dành riêng để gặp gỡ quà tặng tình yêu.[2] Gia đình là “nơi chúng ta học sống với tha nhân dù có những dị biệt” (Evangelli Gaudium, 66). Mặc dù khác nhau về giới tính và tuổi tác, nhưng mọi người trong gia đình đều đón nhận nhau vì có mối dây liên kết họ với nhau.
Trong gia đình, chúng ta nhận ra rằng những người khác đã đến trước chúng ta, tạo lập gia đình cho chúng ta sống được, rồi đến lượt mình, chúng ta cũng sinh ra sự sống và làm những việc tốt đẹp. Chúng ta có thể trao ban, bởi chúng ta đã nhận lãnh. Vòng luân chuyển tốt lành này là cốt lõi của khả năng truyền thông giữa mọi người trong gia đình với nhau và với những người khác. Nói cách khác, đó là kiểu mẫu của mọi truyền thông.
I. Thực trạng ảnh hưởng của truyền thông trong gia đình hôm nay
1. Những ảnh hưởng của truyền thông đến gia đình
Ngày nay các phương tiện truyền thông hiện đại, vốn là một phần thiết yếu của cuộc sống, cách riêng đối với những người trẻ, có thể vừa là sự trợ giúp vừa là một trở ngại cho việc truyền thông trong gia đình và giữa các gia đình. Phương tiện truyền thông có thể là một trở ngại nếu chúng ta trở thành một phương cách để né tránh việc lắng nghe người khác, tránh né việc giao tiếp, đối thoại, để lấp đầy những khoảnh khắc thinh lặng và nghỉ ngơi, đến độ chúng ta quên rằng “thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mạng đậm ý nghĩa”.[3]
Mẹ Giáo hội biết rằng những phương tiện truyền thông nếu được sử dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực khi đóng góp rất nhiều vào việc giải trí cũng như mở rộng Nước Chúa. Tuy nhiên, con người cũng có thể dùng những phương tiện đó nghịch với ý định của Đấng Tạo Hoá và gây hại cho bản thân cũng như cộng đồng nhân loại.[4]
Nhân loại đang trải qua một cuộc cách mạng về truyền thông. Bên cạnh những lợi ích mà truyền thông đem lại, nó cũng gây ra những tác hại âm thầm, huỷ hoại các kết nối truyền thông, trong đó có các mối quan hệ trong gia đình. Một mặt, nhờ truyền thông mà những kết nối của những con người ở xa lại gần hơn, nhiều hơn. Và con người có thể nói chuyện với nhau bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu, nhờ thế mà mọi khoảng cách được nối gần lại. Mặt khác, cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn khi mỗi thành viên trong gia đình từ bố mẹ, con cái đều đắm chìm vào thế giới riêng của mình là chiếc điện thoại. Những cuộc trò chuyện và lắng nghe trực tiếp bị giảm đi, những cuộc gặp gỡ trở nên hời hợt, thiếu sự lắng nghe, cảm thông, tất cả đang quá bận rộn với thế giới riêng của mình. Vì thế, những kết nối truyền thống, mang tính cộng đồng trong gia đình truyền thống như xưa cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Kết nối giữa cha mẹ và con cái, vợ với chồng cũng bị giảm đi.[5]
Cần phải biết rằng truyền thông không thay thế cho nhu cầu đối thoại cá nhân và sâu xa hơn vốn cần có một sự tiếp xúc thể lí, hoặc ít nhất nghe được tiếng nói của người kia và làm sao để gia đình dành ưu tiên cho sự gặp gỡ của các thành viên.
2. Cơ hội kết nối và gặp gỡ
Chỉ lướt qua các xa lộ kỹ thuật- hay đơn giản chỉ “nối mạng” là không đủ, vì thế các kết nối còn cần phải đi vào gặp gỡ đích thực. Truyền thông trở thành kết nối thực sự đi vào cuộc gặp gỡ đích thực, chúng ta không thể sống tách biệt, co cụm vào mình, chúng ta cần yêu và được yêu. Truyền thông giúp con người có cơ hội kết nối, gặp gỡ và chia sẻ với nhau.
Trong thời đại chúng ta đang sống ngày càng bị chia rẽ, khi mỗi người thu mình vào chiếc bong bóng được lọc của riêng mình, thì mạng xã hội đang trở thành nẻo đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và cực đoan. Và chúng ta đang chứng kiến một “nền văn hoá vứt bỏ” làm gia tăng việc “toàn cầu hoá” và bình thường hoá sự “thờ ơ”. Rút lui vào sự cô lập với những mối quan tâm riêng của mình, đó không thể là cách để khôi phục niềm hy vọng. Đúng hơn, con đường tiến về phía trước phải là vun trồng một “nền văn hoá gặp gỡ,” một nền văn hoá thúc đẩy tình thân hữu và hoà bình giữa những con người khác biệt nhau.[6]
Vì thế, cần có một nhu cầu ngày càng khẩn thiết phải tham gia vào các nền tảng mạng xã hội theo cách vượt ra khỏi những ốc đảo của mình, thoát khỏi nhóm “tương đồng” của mình để gặp gỡ những người khác. Đặc biệt trong gia đình, truyền thông chính là gặp gỡ, là kết nối tình yêu thương giữa những thành viên trong gia đình với nhau.
Kết nối và gặp gỡ là cơ hội hết sức thuận tiện và quý báu để mỗi thành viên trong gia đình được chia sẻ không những trong bữa ăn vật chất mà còn dưỡng nuôi đời sống tinh thần trong sự liên đới, cảm thông, yêu thương. Khi gặp gỡ, trao đổi thông tin, sẽ thêm hiểu biết nhau hầu có thể chia sẻ và chuyển thông cho nhau những kinh nghiệm sống phong phú. Truyền thông có sức mạnh bắt những nhịp cầu, thúc đẩy gặp gỡ và hoà nhập, làm cho xã hội được phong phú.
Mỗi gia đình là một Hội Thánh thu nhỏ, là cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu. Chính vì thế, cha mẹ cần ý thức, nỗ lực và hy sinh để thiết lập mạng lưới truyền thông vững chắc. Gia đình được mời gọi thực sự trở nên chiếc nôi truyền thông sự sống, tình yêu và đức tin cho con cái mình.
3. Quan điểm của Giáo Hội về truyền thông trong gia đình
Thư Mục vụ năm 2008 của HĐGM Việt Nam gọi gia đình là “mái trường giáo dục tình hiệp thông,” bởi vì “gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông” (Tông huấn Gia Đình, 18). Mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Quả vậy, nếu mọi thành viên trong gia đình sống thuận hòa và đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ trở nên ấm cúng… sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội” (Thư Mục vụ năm 2008, số 7).[7]
Trong Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông xã hội số 10 nói rằng: “Các bậc cha mẹ phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo kịch ảnh, sách báo và những thứ cùng loại trái nghịch với Đức Tin, trái thuần phong mỹ tục, lọt vào ngưỡng của gia đình, cũng như đừng để con cái gặp những thứ đó ở nói khác”.
Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông Xã hội lần thứ 49 của Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng: “chính trong gia đình, chúng ta được học biết cách cưu mang và nâng đỡ nhau, biết nhận ra ý nghĩa được biểu lộ nơi khuôn mặt và những khoảng khắc im lặng, biết cùng cười và cùng khóc với những người chưa đón nhận nhau nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng với nhau”.
II. Gia đình nơi truyền thông tình yêu đích thực
1. Ba Ngôi- mẫu gương của việc truyền thông
Truyền thông là một thành phần trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi đều sở hữu tất cả chân, thiện, mỹ nhưng dưới dạng hiệp thông và truyền thông. Thiên Chúa tự bản chất là truyền thông. Người truyền thông chính mình cho thế giới và giúp cho thế giới trở thành truyền thông để nhờ đó toàn thể tạo vật trong thế giới nên giống Người và đạt tới mối hiệp thông mật thiết với Người.[8]
Carlo M. Martini cũng cho thấy mọi hoạt động truyền thông đều bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là căn nguyên của mọi tạo vật và mọi hiện hữu: “từ mối hiệp thông tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và cuộc đối thoại không ngừng phát xuất từ tình yêu của Người. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người và giống như Người, Người cũng ban cho họ khả năng và nhu cầu thiết lập mối quan hệ truyền thông với nhau”.[9]
Con người dựa trên mối hiệp thông yêu thương giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa nhờ đó có khả năng hiểu và truyền thông cho nhau. Thiên Chúa không đơn độc, nhưng Thiên Chúa là Hiệp thông, Người là Tình yêu, vì thế nên có sự truyền thông, bởi vì tình yêu luôn truyền thông, tình yêu truyền thông chính là để gặp gỡ người khác. Để truyền thông với chúng ta và để thông truyền chính Người cho chúng ta, Thiên Chúa đã thích ứng với ngôn ngữ chúng ta, bằng cách thiết lập một cuộc đối thoại thực sự với nhân loại trong suốt lịch sử.[10]
2. Gia đình- nơi con người bắt đầu học cách yêu thương
Trẻ em vừa mới chào đời qua việc được dưỡng nuôi, chăm sóc chúng bắt đầu nhận được một ân huệ là biết chắc chắn chúng được yêu thương bằng một tình yêu thương thiêng liêng. Những hành động tỏ lộ qua nhiều cách như đặt tên, tập nói và những cái nhìn đầy trìu mến, những nụ cười rạng rỡ. Như thế, bài học đầu tiên mà chúng nhận được là các vẻ đẹp của các mối tương quan giữa người với người. Và đó chính là tình yêu, phản chiếu một tia sáng tình yêu Thiên Chúa.[11]
Trước hết, đó chính là vẻ đẹp được yêu mến: con cái được yêu thương trước khi được sinh ra. Điều này phản ánh tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa là Đấng luôn có sáng kiến, bởi vì con cái “được yêu thương trước khi chúng làm gì để đáng được yêu”.[12]
3. Gia đình- nơi truyền thông tình yêu
Tự bản chất, tình yêu là truyền thông, tình yêu dẫn đến sự mở ra và chia sẻ. Nếu con tim và hành động của chúng ta được lòng bác ái và tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy, thì việc truyền thông của chúng ta sẽ có được sức mạnh của Thiên Chúa.[13]
Gia đình trở nên sống động khi toả lan ra bên ngoài bản thân mình tình yêu, những gia đình thực hiện điều đó chính là đang truyền đi sứ điệp sự sống và hiệp thông, mang lại sự nâng đỡ và hy vọng đến những gia đình mong manh, và nhờ đó xây dựng chính bản thân Hội Thánh, gia đình của mọi gia đình. Gia đình cũng chính là nơi trải nghiệm những giới hạn của chính mình và của người khác, những vấn đề lớn nhỏ trong việc chung sống bình an với những người khác. Không có gia đình nào là hoàn hảo, vì thế đừng sợ những yếu đuối bất toàn hay những xung khắc nhưng hãy học cách đối phó với những điều ấy bằng cách xây dựng. Thật vậy, gia đình là nơi chúng ta vẫn yêu thương dù cho có những giới hạn và tội lỗi, là nơi trở thành trường học của sự tha thứ. Nếu một đứa trẻ đã học được nơi gia đình cách lắng nghe người khác, phát biểu cách tôn trọng và bày tỏ quan điểm mà không phủ nhận người khác, đứa trẻ đó sẽ trở thành người xây dựng đối thoại và hoà giải trong xã hội.
Gia đình là một môi trường trong đó chúng ta học cách truyền thông bằng kinh nghiệm gần gũi, là một khung cảnh diễn tả truyền thông, là một cộng đồng để trợ giúp và tôn vinh sự sống và sinh hoa kết quả, là nguồn lực phong phú. Là môi trường mà mọi người có thể học cách biết truyền thông có ý nghĩa trong một tình yêu trao ban và đón nhận.[14]
III. Sống truyền thông tình yêu Thiên Chúa trong gia đình
1. Gia đình nơi đón nhận và chia sẻ tình yêu
Trong môi trường gia đình, cha mẹ yêu thương và quý trọng con cái vì chính chúng, chứ không phải vì khả năng hay thành công của chúng. Lẽ tự nhiên tất cả các bậc cha mẹ đều muốn những đều tốt nhất cho con cái mình, tình yêu của họ không bao giờ phụ thuộc vào việc phải đạt được những mục tiêu nào đó. Mái ấm gia đình là nơi con người luôn đón nhận và chia sẻ tình yêu dù trong bất kì hoàn cảnh nào.[15]
Tình yêu trong gia đình được vun trồng trong cuộc sống hằng ngày khi cha mẹ và con cái cùng nhau chia sẻ những vui buồn. Tiếp đến, các thành viên trong gia đình phải tôn trọng nhau, không chỉ những ưu điểm và những điều hợp ý, mà còn cả những khuyết điểm, những điều trái với ý mình, nghĩa là đón nhận trọn vẹn con người của nhau với quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Dĩ nhiên, việc đón nhận này phải là sự đón nhận trong tình yêu và chân giá trị, chứ không phải bao hàm hay đồng nghĩa với việc đồng loã hoặc làm ngơ trước những điều trái với luân lý đạo đức.[16]
Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo gia đình là chốn an bình cho tâm hồn, nơi đây con người có thể cảm nhận mình được chấp nhận bản thân để có thể đồng hành liên luỵ với nhau trọn cuộc đời. Tình yêu gia đình là mô phỏng và diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với Dân riêng, tình yêu của Đức Kitô với Giáo Hội. Chính Thiên Chúa cũng đã chấp nhận những yếu đuối và bất trung của Dân.
2. Truyền thông tình yêu Thiên Chúa trong bổn phận và trách nhiệm
Gia đình là phản ánh đời sống hiệp thông và hiệp nhất ngôi vị của Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi (x. GLCG 2205). Sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa là sự hiệp thông hướng nội tức là mối tương quan nội tai trong Ba Ngôi và hướng ngoại là những mối tương quan với thụ tạo thể hiện trong vai trò sáng tạo, cứu thế và thánh hoá của Ba Ngôi đối với con người vfa thế giới. Những sứ mạng này của Ba Ngôi cụ thể hoá tình hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại điều đó gọi là hiệp thông trao ban. Một cách tương tự, gia đình được kêu gọi sống tình yêu hiệp thông hướng nội và hướng ngoại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính vì thế, cha mẹ thương yêu và hy sinh cho nhau cũng như giáo dục nhau nên những con người tốt chính là noi theo công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Gia đình luôn phải ý thức rằng chính Thiên Chúa đã tạo nên cơ cấu gia đình là cấu trúc của tình yêu và nó phải tồn tạo và phát triển trong tình yêu. Vì thế, gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu, cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương mọi người. Cụ thể, cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng, biết yêu thương, nâng đỡ hy sinh cho nhau.
Một trong những thách đố nền tảng của các gia đình ngày nay phải đối diện là việc giáo dục con cái, và ngày càng trở nên khó khăn hơn do thực thế văn hoá thời nay và ảnh hưởng mạnh mẽ của những phương tiện truyền thông. Hội thánh có một vai trò quan trọng là nâng đỡ các gia đình, giúp họ nhắc lại việc giáo dục con cái là một “bổn phận hệ trọng nhất” và đồng thời là một “quyền đệ nhất”của cha mẹ. Vấn đề chỉ không chỉ là một trách nhiệm hay một gánh nặng, nhưng còn là một quyền thiết yếu và bất khả nhượng mà cha mẹ được mời gọi bảo vệ.[17]
Cha mẹ luôn có ảnh hưởng trên sự phát triển về mặt tinh thần của con cái về điều tốt cũng như điều xấu, vì thế cha mẹ hãy đảm nhận trách nhiệm không thể né tránh này và thực hiện việc giáo dục cách ý thức, nhiệt thành, hữu lý và phù hợp.
Mỗi lứa tuổi có những cách truyền thông khác nhau nhưng vẫn đạt đến mục đích là kết hợp con người nên một với nhau và phát sinh sự sống mới. Cha mẹ giáo dục con cái bằng bổn phận, trách nhiệm, bằng lời nói và gương sáng về nhân bản, đạo đức, văn hoá. Anh chị lớn và có kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho các em nhỏ trong gia đình. Những giao tiếp bằng lời nói, cử chỉ sẽ đi qua với thời gian nhưng việc giao tiếp bằng tâm tình yêu thương giữa hai trái tim, bằng sự tôn trọng lẫn nhau, trung tín với nhau sẽ duy trì lâu dài kết quả tốt đẹp. Cấp độ cuối cùng của giao tiếp truyền thông sẽ giúp vượt lên những thiếu sót, bất toàn của nhau để thứ tha và đồng cảm với nhau.[18]
3. Gia đình- chứng tá sức sống truyền thông
Những đứa con lớn lên trong gia đình truyền giáo, nếu như cha mẹ biết cách sống sứ vụ bằng cách làm cho người khác thấy gần gũi và thân thiện, như thế con cái lớn lên theo cách tương quan thế giới mà không từ bỏ đức tin và những xác tín của mình. Gia đình là chủ thể của hoạt động mục vụ thông qua việc loan báo Tin mừng cách minh nhiên và sự kế thừa đa dạng các hình thức như: sự liên đới với những người nghèo, sự đón nhận những người con khác biệt, sự liên đới với các gia đình khác nhất là những gia đình túng quẫn. Điều đó góp một phần quan trọng trong việc xoá bỏ những bất công. Khởi đi từ những kinh nghiệm sống trong gia đình, mọi người đều có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng tôi” (Ga 4, 16). Chỉ từ kinh nghiệm này, mục vụ gia đình mới có thể giúp các gia đình, vừa là những Hội thánh tại gia vừa là men Phúc âm hoá trong xã hội. Một khi gia đình rộng mở đón tiếp và đi đến gặp gỡ những người khác, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, thì đó là biểu hiện chứng từ và là sự tham dự vào thiên chức làm mẹ của Hội thánh.[19]
Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng trong mỗi chúng ta. Gia đình là mái ấm tuyệt vời sưởi ấm những giá lạnh cuộc đời. Giây phút ấm áp tuyệt vời của gia đình là khi cả nhà cùng quây quần bên chiếc bàn nhỏ, cùng nhau cầu nguyện cho những điều tốt lành và thưởng thức món ăn truyền thống, chia sẻ những vui buồn, những thành công thất bại, những ước mơ, hy vọng. Sứ mạng của đời sống gia đình là bảo toàn, biểu lộ truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng do bởi tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng lại chính là tình yêu.[20] Do đó, sứ mạng của mỗi gia đình Kitô hữu là thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa.[21]
KẾT LUẬN
Gia đình là một khuôn mẫu duy nhất trong các cộng đoàn nhân loại có được phẩm tính riêng biệt: đó là một cộng đoàn các ngôi vị. Tông huấn đời sống gia đình viết rằng:
“Gia đình được thiết lập do bởi tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng câc ngôi vị: đôi bạn nam nữ, cha mẹ, con cái, họ hàng. Bổn phẩn đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực các ngôi vị”. (Số 18)
Tóm lại, gia đình chính là nơi sản sinh ra tình yêu, cũng chính là nơi thông truyền tình yêu. Chính Thiên Chúa đã đặt nơi mỗi người khả năng yêu thương đồng loại của mình và đặc biệt là yêu thương những người thân của mình. Khi con người cảm nhận được được tình yêu trong gia đình một cách trọn vẹn, đó chính là điều kiện để mỗi cá nhân cũng truyền thông tình yêu đó cho nhau và cho những gia đình xung quanh.
Mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm thông truyền tình yêu cho nhau qua việc đón nhận, chia sẻ, tôn trọng nhau. Nhờ đó, mỗi người có thể thông truyền một Vị Thiên Chúa đầy tình yêu trong chính đời sống của mình.
Học viện Bêtania FMV
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Kinh Thánh, Nhóm giờ kinh phụng vụ dịch, ấn bản 2011.
- Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
- Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh Inter Mirifica, 1967
- Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1965.
- Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị Aetatis Novae, 1992.
- ĐGH Gioan Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 1990.
- ĐGH Be-nê-đic-tô XVI, Thinh lặng để truyền thông, 2012.
- ĐGH Phan-xi-cô, Thông điệp Fratelli Tutti, 2020.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 48, Truyền thông phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, 2014.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 49, Truyền thông trong gia đình – nơi dành riêng để gặp gỡ quà tặng tình yêu, 2015.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 50, Truyền thông và Lòng Thương Xót, 2016.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 51, Thông truyền niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta, 2017.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 52, Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình, 2018.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 53, Từ các cộng đồng mạng xã hội đến cộng đoàn nhân loại, 2019.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 54, Cuộc sống trở thành câu chuyện, 2020.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 55, Truyền thông bằng cách gặp gỡ những con người ở chính nơi họ đang sống và như chính họ là, 2021.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 56, Lắng nghe bằng trái tim, 2022.
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 57, Nói bằng trái tim, 2023.
[1] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 48, Truyền thông phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, 2014.
[2] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 49, Truyền thông trong gia đình – nơi dành riêng để gặp gỡ quà tặng tình yêu, 2015
[3] ĐGH Benedicto XVI, Sứ điệp Ngày thế giới Truyền thông Xã hội, Được kêu gọi làm rạng ngời chân lý, 2012
[4] VC II, Truyền thông xã hội, số 2
[5] https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/mang-xa-hoi-va-nhung-khoang-cach-vo-hinh-trong-gia-dinh-30101.vov2
[6] ĐGH Phan-xi-cô, Thông điệp Fratelli Tutti, 2020, số 30
[7] https://giaophanthaibinh.org/hiep-thong-va-truyen-thong-trong-gia-dinh.html
[8] Franz-Josef Eilers, S.V.D, Truyền thông trong mục vụ và truyền giáo, tr 25- 29
[9] Franz-Josef Eilers, S.V.D, Truyền thông trong mục vụ và truyền giáo
[10] ĐGH Phanxico, Sứ điệp Ngày thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53,“Chúng ta là chi thể của nhau”, 2019
[11] ĐGH Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu, 2016.
[12] ĐGH Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu, 2016, số 166
[13] ĐGH Phanxico, Sứ điệp Ngày thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, Truyền thông và Lòng Thương Xót: Một cuộc gặp gỡ đem lại hoa trái, 2016
[14] ĐGH Phanxico, Sứ điệp Ngày thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49, Truyền thông trong gia đình, nơi dành riêng để gặp gỡ quà tặng tình yêu, 2015
[15] ĐGH Phanxico, Sứ điệp Ngày thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, 2016
[16] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gia-dinh-cai-noi-giao-duc-long-chua-thuong-xot-42522
[17] ĐGH Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu, 2016, số 84
[18] https://giaophanthaibinh.org/hiep-thong-va-truyen-thong-trong-gia-dinh.html
[19] ĐGH Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu, 2016, số 289
[20] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Gia đình, số 18
[21] GLHTCG, số 2225